Khẩn trương khắc phục sự cố mất điện do bão số 13 gây ra
Sáng 15/11, bão số 13 (tên quốc tế là Vamco) đã đổ bộ vào địa phận tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị gây mưa to, gió mạnh, sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 12.
Trước đó, vào chiều 14/11 và sáng sớm 15/11, bão đã gây ra 4 vụ sự cố đường dây 110kV và gây mất điện 2 trạm biến áp (TBA) 110kV lưới điện khu vực Thừa Thiên Huế. Các Công ty Điện lực gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tái lập ca trực tại 59 TBA 110kV không người trực.
Tổng số TBA phụ tải hiện đang sa thải do mưa bão và sự cố là 3.536 trạm.Cụ thể, tại Quảng Bình, bão đã khiến 10.269 khách hàng ở 10 phường/xã mất điện.
Được biết, tại Quảng Trị có 128.723 khách hàng ở 63 xã/phường mất điện. Trong khi đó, Thừa Thiên – Huế có 191.164 khách hàng ở 92 xã/phường mất điện. Thành phố Đà Nẵng có 15.689 khách hàng ở 6 xã/phường mất điện. Quảng Nam có 62.525 khách hàng ở 43 xã/phường mất điện. Quảng Ngãi có 2.882 khách hàng ở 3 xã/phường mất điện.
Ngay sau bão, các đơn vị điện lực đã tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố để cung cấp điện cho khách hàng trong ngày hôm nay, trừ những khu vực bị sạt lở, ngập nước.Ước công suất phụ tải không cung cấp điện được tại 6 Công ty Điện lực là 173,2 MW (chiếm 7,5% phụ tải toàn EVNCPC).
Ngay sau bão, các đơn vị điện lực đã tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố để cung cấp điện cho khách hàng trong ngày hôm nay, trừ những khu vực bị sạt lở, ngập nước.
Quảng Trị: 6 người bị thương và gần 100 nhà bị tốc mái
TTXVN cho biết, theo thống kê đến chiều 15/11, tỉnh Quảng Trị có 6 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão số 13, trong đó huyện Gio Linh có 3 người, Hải Lăng 2 người và Triệu Phong 1 người.
Bão số 13 cũng đã làm 98 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, trong đó huyện Hải Lăng có 52 nhà, Triệu Phong 46 nhà. Cơn bão này cũng làm 17 trụ điện gãy đổ. Bãi biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh tiếp tục bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 5-10 m, đồng thời làm hư hỏng 15 quán kinh doanh ven biển của người dân.
Trước đó, vào rạng sáng cùng ngày, hoàn lưu bão số 13 đã gây ra gió mạnh, sóng lớn và mưa to trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cơ quan chức năng cảnh báo, các sông ở Quảng Trị xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa, Đakrông. Đặc biệt chú ý sạt lở đất khu vực các xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Cam Lộ, các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Nguy cơ xảy ra ngập úng vùng thấp trũng ven sông các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị.
Để ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Trị đã di dời gần 40.000 người đến các điểm an toàn để tránh bão và sạt lở đất. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã giúp người dân chằng chống và gia cố trên 3.000 ngôi nhà; tập trung ở các huyện ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và hai huyện miền núi: Đakrông, Hướng Hóa.
Thừa Thiên – Huế khắc phục hậu quả do bão gây ra
Theo thông tin ban đầu, bão số 13 đã làm tốc mái 1.348 ngôi nhà ở huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà, nhiều công sở và trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng bị gió thổi bay mái tôn, hàng rào, xô đổ trụ cổng. Cơn bão này cũng làm 90 ha rừng trồng ở huyện Phú Lộc bị gãy đổ, hàng chục gia súc bị cuốn trôi. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có hơn 61% số trạm biến áp bị mất điện.
Nhằm nhanh chóng trả lại cảnh quan môi trường và ổn định cuộc sống cho người dân sau cơn bão số 13, trong sáng 15/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhanh chóng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư, công sở, trường học.
Tại thành phố Huế, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, nhân viên vệ sinh môi trường, cây xanh đô thị đô thị và người dân đã vệ sinh tại các tuyến đường, dọn dẹp cành cây bị gãy, dựng lại những cây xanh bị gió làm nghiêng đổ, bật gốc.
Cũng theo TTXVN, hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh Thừa Thiên – Huế phải huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương khẩn trường sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn bị hư hỏng do bão để khôi phục sản xuất, kinh doanh và sớm ổn định cuộc sống cho người dân.