Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời câu hỏi của Sputnik về tác động của đại dịch coronavirus đối với tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số rất nhanh.
“Nền kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là phát triển tương đối nhanh. 72% dân số Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 3G, 4G. Theo một số nghiên cứu và thống kê, kinh tế số của Việt Nam đã đạt mốc 3 tỷ USD vào năm 2015 và tăng lên gấp 3 lần, tức 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2025”, Thủ tướng Việt Nam trả lời câu hỏi của Sputnik.
Tăng trưởng nền kinh tế số trong bối cảnh COVID-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng tình hình phát triển kinh tế trong bối bối cảnh COVID-19 có thể được tận dụng như động lực thúc đẩy tăng trưởng, kể cả đối với nền kinh tế số.
“Giữa đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch trực tuyến đã tăng vọt và COVID-19 đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam với mức tăng 16% vào năm 2020. Hoạt động đã tăng lên đáng kể trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam cam kết nắm bắt các cơ hội của đại dịch COVID-19 và tận dụng tất cả như động lực thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là đối với nền kinh tế kỹ thuật số. Chúng tôi đã ban hành Chương trình quốc gia về kinh tế số, hiện các cấp, các ngành đang triển khai tích cực. Tôi tin rằng với số người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, nhất định kinh tế số Việt Nam với hệ thống 5G đang chuẩn bị thiết lập, sẽ phát triển nhanh nhất”, - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đưa nền kinh tế số vượt qua thách thức
“Tuy nhiên, nếu muốn duy trì giai đoạn phát triển tích cực này của nền kinh tế số và đạt mức tăng trưởng cao, Việt Nam cũng phải vượt qua nhiều thách thức liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Nền kinh tế số cần lực lượng lao động được đào tạo bài bản, nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là về quy định liên quan đến thương mại điện tử. Như vậy, theo tình hình hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, chúng ta cần chứng minh chất lượng, tính bảo mật và quyền riêng tư của việc bảo vệ dữ liệu tại Việt Nam. Chúng tôi cũng cần đảm bảo sự an toàn của các doanh nghiệp và những người tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số ”, - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận khi trả lời câu hỏi của Sputnik tại cuộc họp báo sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.