Giáo sư Sergei Netesov, chuyên gia virus học, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và virus học của khoa Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Novosibirsk, đã nói về giả thuyết phát sinh coronavirus chủng mới nói trên trong một cuộc phỏng vấn với trang Lenta.ru.
Ông lưu ý rằng sự việc nhà chức trách Đan Mạch quyết định tiêu hủy những con vật bị nhiễm bệnh đặt ra câu hỏi liệu chồn về phần nó có phải là con vật mang mầm bệnh hay không, và liệu những người mắc bệnh đầu tiên ở Trung Quốc có thể bị nhiễm bệnh từ chúng hay không. Nhà khoa học lưu ý rằng Trung Quốc là một trong năm quốc gia ồ ạt nuôi chồn để lấy lông, nhiều da chồn đã được thuộc ở chính Vũ Hán.
“Ban đầu, tê tê được cho là vật chủ trung gian trên con đường lây truyền virus từ dơi sang người. Tuy nhiên cho đến nay vẫn không loại trừ đó có thể là những loài vật khác mà con người có tiếp xúc”, ông Netesov nói.
Tiêu hủy chồn ở Đan Mạch
Tình trạng chồn mắc bệnh đã được phát hiện tại 20% tổng số các trang trại ở Đan Mạch, chính quyền quyết định tiêu hủy tất cả loài vật được nuôi trong trang trại ở nước này. Theo như giáo sư giải thích, quyết định này là do đã phát hiện thấy ở chồn có các chủng coronavirus mới đột biến, mặc dù trên thực tế virus SARS-CoV-2 có đặc điểm là tiến hóa rất chậm. Ông Netesov nói thêm rằng hiện nay vẫn chưa rõ điều này có ảnh hưởng gì tới con người trong tương lai hay không, nhưng nếu các chủng mới xuất hiện thì sẽ còn có những chủng khác. Ví dụ như những chủng có khả năng lây nhiễm hoặc gây bệnh nhiều hơn.
Trước đó, người phát ngôn của WHO, bà Catherine Smallwood đã thông báo về sự nguy hiểm đối với con người của chồn nâu, vốn nhạy cảm với coronavirus và có khả năng lây truyền virus sang người. Những con vật mang virus đột biến được tìm thấy không chỉ ở Đan Mạch, mà còn ở Hy Lạp, nơi có một công nhân làn việc trong trang trại nuôi chồn bị nhiễm bệnh.