Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Bắt đầu tìm kiếm các nạn nhân dưới lòng suối

Các lực lượng tham gia cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đã hoàn thiện việc ngăn đập, nắn dòng chảy của suối Rào Trăng. Hiện nay, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang được tiếp tục triển khai.
Sputnik

Quân đội ngăn dòng suối Rào Trăng, tìm kiếm 12 công nhân mất tích

Ngày 22/11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang được các lực lượng tiếp tục triển khai.

Tăng cường lực lượng tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3

Theo thông tin từ TTXVN, sau 5 ngày ngăn đập, nắn dòng suối Rào Trăng thành công, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, công an, biên phòng và công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 cùng nhiều phương tiện đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm 12 nạn nhân mất tích ở dưới lòng suối Rào Trăng sau vụ sạt lở đất ngày 12/10.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đến hiện trường ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để trực tiếp chỉ đạo và động viên các lực lượng cứu hộ. Theo ông Phan Ngọc Thọ, mục đích việc ngăn đập, nắn dòng là tạo mặt bằng khô ráo để tìm kiếm các nạn nhân dưới suối Rào Trăng. Tuy nhiên, do mưa lớn ở thượng nguồn nên đến hôm nay việc ngăn đập mới hoàn thành.

Hiện trường đang được khôi phục để tổ chức việc cứu hộ, cứu nạn giai đoạn 3. Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế đánh giá cao quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân từ phía lực lượng cứu hộ trong hơn một tháng qua.

Vụ sạt lở tại Rào Trăng 3: Triển khai lại công tác tìm kiếm các nạn nhân

Để hoàn thành việc ngăn đập, nắn dòng như hiện nay, Ban Chỉ huy lực lượng cứu hộ đã huy động hàng trăm nhân lực và phương tiện cơ giới tham gia đào, bới, vận chuyển một khối lượng lớn rọ đá đến hiện trường. Nhờ đó, một dòng chảy mới được tạo nên với chiều sâu hơn 3 m, rộng 5 m và dài hơn 150 m; còn đập ngăn suối dài 15 m, cao hơn 3,5 m và rộng 5 m.

Đại tá Nguyễn Đình Khoa, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, ngay từ 4 giờ sáng, lực lượng cứu hộ đã tổ chức hành quân đến Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 để tiếp tục làm nhiệm vụ. Đến nay, công việc ngăn đập, nắn dòng khó khăn đã hoàn tất, lực lượng cứu hộ quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân dưới lòng suối để sớm đưa thi thể của họ về với gia đình.

Tạm dừng phát điện nhằm ngăn dòng Rào Trăng

Trong ngày 21/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Thủy điện Trường Phú (chủ đầu tư Dự án Thủy điện A Lin B1) về việc đóng hoàn toàn cửa van cửa nhận nước chuyển dòng từ huyện A Lưới về huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đồng thời, tạm ngưng phát điện tại Nhà máy Thủy điện A Lin B1 cho đến khi có thông báo mới nhằm giảm nguồn nước đổ về suối Rào Trăng, phục vụ công tác tìm kiếm. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành yêu cầu này.

Vụ sạt lở tại Rào Trăng 3: Tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích

Thủy điện A Lin B1 có công suất lắp máy 42 MW, nằm trong cụm thủy điện A Lin tại huyện A Lưới. Thủy điện này nhận nước từ hệ thống sông suối ở lưu vực A Lưới đổ vào hồ chứa và phát điện theo thiết kế “cột nước” dẫn dòng tạo thế năng qua tuabin. Nước từ thủy điện này tiếp tục đổ vào thủy điện A Lin B2 nằm ở thượng nguồn sông Rào Trăng thuộc địa bàn xã Phong Xuân và Phong Mỹ (huyện Phong Điền) để phát điện.

So với A Lin B1, thủy điện A Lin B2 có công suất máy và lòng hồ nhỏ hơn, nước dâng cao chảy qua đập tràn. Tiếp đó, cách 5 km, cũng trên sông Rào Trăng là công trình thủy điện Rào Trăng 3 (13 MW), xuôi thêm 10 km về hạ du là Rào Trăng 4 (14 MW) sử dụng nguồn nước phát điện và tràn qua đập. Vì vậy, việc thủy điện A Lin B1 ngưng tiếp nhận nguồn nước và phát điện sẽ hạn chế lượng nước xuống khu vực sạt lở.

Thảo luận