Việt Nam sẽ xử kín ông Nguyễn Đức Chung vụ chiếm tài liệu mật vụ Nhật Cường

Tòa án Việt Nam dự kiến sẽ tiến hành xét xử kín vụ án cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đại án Nhật Cường, từng được đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương điều tra, nhanh chóng đưa ra xét xử.
Sputnik

Cụ thể, theo thông báo mới nhất của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 11/12 tới, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Chung và ba đồng phạm Phạm Quang Dũng, Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung liên quan vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước trong vụ án Nhật Cường sẽ diễn ra theo hình thức “kín”.

Vụ ông Nguyễn Đức Chung sẽ được xử kín

Ngày 30/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố quyết định về việc sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến vụ Nhật Cường Mobile ngày 11/12 tới đây.

Việt Nam truy tố ông Nguyễn Đức Chung, có thể ngồi tù 10-15 năm

Theo đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (TAND TP. Hà Nội) vừa ra quyết định, ngày 11/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban) theo dõi, chỉ đạo.

Điều đáng chú ý là TAND TP. Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án này theo hình thức “kín”.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự, người từng tham gia xét xửu cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng, đại án Mobifone mua AVG với việc kết án cựu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và loạt án kinh tế, tham nhũng nổi tiếng của Việt Nam thời gian qua.

Các bị cáo bị đem ra xét xử “kín” lần này gồm có ông Nguyễn Đức Chung, sinh năm 1967, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội mang quân hàm Thiếu tướng.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối diện mức án nào?

Cùng với ông Chung còn có bị can Phạm Quang Dũng. sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an – C03.

Lái xe riêng của ông Nguyễn Đức Chung là Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).

Tiếp đến là thư ký, người giúp việc thân cận của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung - bị cáo Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).

Cả 4 bị cáo này đều bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đáng chú ý, như theo cáo trạng truy tố trước đó của VKSND Tối cao, ông Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, theo khoản 3 Điều 37 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt lên tới 10 -15 năm tù.

Trong khi đó, hai bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị cáo buộc cùng tội danh nhưng theo khoản 1, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Phía sau kết luận điều tra của Bộ Công an vụ ông Nguyễn Đức Chung

Theo TAND TP. Hà Nội, Hội đồng xét xử sẽ gồm có ba người. Trong đó có một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Đồng thời, có tới 4 luật sư tham gia bào chữ cho cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Tú, Trần Hoàng Anh và Nguyễn Thị Hoài Linh.

Cựu cán bộ Công an C03 Phạm Quang Dũng có người bào chữa là luật sư Ngô Kim Lan.

Trong khi đó, ba luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trịnh Cẩm Bình và Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc.

Âm mưu đánh cắp tài liệu mật vụ Nhật Cường của ông Nguyễn Đức Chung

Theo cáo trạng truy tố hôm 26/11 vừa qua của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cả ông Nguyễn Đức Chung và vợ Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa được xác định đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Nhật Cường.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án hình sự "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Bộ Công an lên tiếng về sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, vụ bắt TS. Phạm Đình Quý

Để nắm bắt thông tin, thu thập và “đánh cắp” tài liệu quá trình điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” của Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) – đồng thời cũng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường".

Ngày 16/6/2019, sau khi được ông Chung đặt vấn đề, ông Dũng đã đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án Nhật Cường.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm, bị can Dũng đã thu thập thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (đơn vị thụ lý vụ án) để chụp trộm các tài liệu, báo cáo.

Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong số đó, cơ quan điều tra xác định, bị cáo có 5 lần bị can này chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.

Thủ đoạn mà bị cáo Phạm Quang Dũng sử dụng để đánh cắp tài liệu mật chính là thông qua hình thức đánh trộm chìa khóa phòng làm việc để thu thập tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung.

Sau khi thu thập được tài liệu điều tra, Dũng đã chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung qua 3 phương thức gồm: Sử dụng ứng dụng phần mềm "Viber" trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin, hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua "Viber", hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho ông Nguyễn Đức Chung.

Bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, Tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hứa gì với dân?

Bộ Công an xác định thủ đoạn của bốn bị can trong vụ án này rất tinh vi. Họ sử dụng các ứng dụng phần mềm tiên tiến "Viber", "Zalo" có chức năng gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh khi có kết nối với internet, nhằm tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định bị can Phạm Quang Dũng đã 3 lần chuyển 12 tài liệu của vụ án "Công ty Nhật Cường" cho bị can Nguyễn Đức Chung (6 tài liệu trong số đó thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật”).

Cùng với đó, vào dịp Tết Nguyên đán Âm lịch Canh Tý 2020, tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, ông Nguyễn Đức Chung đã chuyển cho Phạm Quang Dũng phong bì 10.000 USD. Hiện gia đình của cựu cán bộ Công an đã nộp lại số tiền này.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra hiện chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc bị can Phạm Quang Dũng được bị can Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD, cũng như chiếm đoạt 16 điện thoại di động của bị can Dũng. Do đó, Cơ quan điều tra tách 2 hành vi này ra để xem xét, xử lý sau.

Ông Nguyễn Đức Chung bị bắt hôm 28/8/2020 và bị đình chỉ mọi chức vụ quyền hạn về mặt Đảng và chính quyền nhằm phục vụ công tác điều tra.

Bị ung thư và nhiều thành tích, ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án

Bản cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ rõ, ông Nguyễn Đức Chung có vai trò “chủ mưu, cầm đầu” vụ đánh cắp tài liệu mật điều tra đại án Nhật Cường. Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an xác định, vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Tài liệu chiếm đoạt trong vụ án này là tài liệu của vụ án tham nhũng (Nhật Cường Mobile), nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc rất nhiều lần về việc nhanh chóng đưa đại án Nhật Cường ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Phía sau việc bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội

Bộ Công an cũng nêu rõ, các bị can trong vụ án lại là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

Kết luận điều tra của Bộ Công an cũng khẳng định, các bị can này có thủ đoạn hết sức tinh vi - lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm, do đó đã gây ra nhiều khó khăn đến công tác điều tra vụ án.

Mặc dù ông Nguyễn Đức Chung được cơ quan điều tra xác định đóng vai trò “chủ mưu, cầm đầu”, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Đức Chung đã thừa nhận, khai báo rõ hành vi phạm tội của bản thân.

Do đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với nhiều huân, huy chương, thành tích xuất sắc.

Trong thời gian công tác, ông Chung nhiều lần được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc, đặc biệt được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Cùng với đó, cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ tội cho cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là do ông Nguyễn Đức Chung có tiền sử mắc bệnh ung thư.

Trong vụ án này, ba bị can Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc cũng đều được đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thảo luận