Vì sao phải ‘xử kín’ vụ ông Nguyễn Đức Chung?

Theo quyết định của Tòa án nhân dân Hà Nội, vụ án ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước vụ Công ty Nhật Cường sẽ được ‘xử kín’. Vì sao vụ án ông Nguyễn Đức Chung phải xét xử kín?
Sputnik

Liên quan đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, luật sư Trần Hoàng Anh cho biết, ông Chung bị ung thư, đã từng nhiều lần phải xạ trị, từng qua Pháp để phẫu thuật phổi và hiện phải uống thuốc để duy trì, chống tái phát bệnh theo phác đồ điều trị.

Việt Nam sẽ xử kín ông Nguyễn Đức Chung vụ chiếm tài liệu mật vụ Nhật Cường

Vì sao phải xét xử kín vụ án cựu Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung?

Như đã thông tin ngày qua, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (TAND TP. Hà Nội) vừa ra quyết định về việc sẽ mở phiên tòa sơ thẩm ngày 11/12 tới xét xử vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đại án Nhật Cường của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và ba đồng phạm.

Thông tin gây chú ý với dư luận đó là theo quyết định của TAND TP.Hà Nội, vụ án ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước sẽ được ‘xử kín’.

Như vậy, tại phiên xét xử sơ thẩm sau 10 ngày nữa (11/12 tới đây) sẽ chỉ có Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, thư ký Tòa, bị cáo, đương sự, luật sư và những người có trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi liên quan theo giấy triệu tập của tòa (nếu cần thiết).

Còn lại, sẽ không có “người ngoài” được phép tham dự phiên xét xử bất kể là phóng viên đưa tin hay thân nhân của các bị cáo đương sự.

Đồng thời, được biết, chủ tọa phiên tòa là Phó Chánh Tòa Hình sự - Thẩm phán Trương Việt Toàn, người từng tham dự các phiên xử nhiều đại án lớn của Việt Nam (đại án Oceanbank, vụ ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…)

Trao đổi với báo giới về quyết định tiến hành phiên tòa “kín” xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên sơ thẩm tới đây cho biết, vụ án sẽ được xử kín theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự nhưng phần tuyên án đối với các bị cáo sẽ công khai. Báo chí, đăng ký thủ tục theo quy định vẫn được tham dự đưa tin khi Tòa công bố bản án.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo TAND TP.Hà Nội cho rằng, quyết định tiến hành phiên xét xử sơ thẩm “kín” là căn cứ theo quy định pháp luật. Vị này không giải thích thêm thông tin chi tiết.

Về quyết định của TAND TP. Hà Nội ‘xử kín’ vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của ông Nguyễn Đức Chung, theo một số chuyên gia pháp lý, có thể, vụ án này thuộc trường hợp đặc biệt, do liên quan đến “tài liệu bí mật Nhà nước” nên TAND TP. Hà Nội mới phải tiến hành phiên xử không theo hình thức công khai như thường lệ.

Đồng thời, theo Điều 25, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, cần tuân theo thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể tiến hành xử kín nhưng bắt buộc phải tuyên án công khai.

Việt Nam truy tố ông Nguyễn Đức Chung, có thể ngồi tù 10-15 năm

Luật sư nói gì về quyết định ‘xử kín’ ông Nguyễn Đức Chung?

Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của ông Nguyễn Đức Chung trong đại án Nhật Cường, một trong những “án điểm” thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng dưới sự giám sát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, theo dõi.

Bốn bị cáo trong vụ án này gồm ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội), Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh Điều tra đề nghị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo khoản 3, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 10-15 năm tù.

Tài xế riêng của ông Nguyễn Đức Chung - Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội), đối tượng có 1 tiền sự “Cướp giật tài sản” vào năm 2001 và Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội) bị đề nghị truy tố theo khoản 1, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Bộ Công an lên tiếng về sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, vụ bắt TS. Phạm Đình Quý

Trao đổi với báo chí về quyết định xét xử kín vụ án của ông Nguyễn Đức Chung, luật sư Hà Kim Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung cùng các bị cáo bị truy tố về tội danh liên quan đến tài liệu bí mật nhà nước.

“Việc tòa quyết định xử kín có lẽ xuất phát từ yêu cầu cần giữ kín các bí mật này”, luật sư Hà Kim Tâm nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý này, mặc dù xét xử kín vụ của ông Chung nhưng tòa vẫn sẽ tuyên án công khai.

Luật sư Hà Kim Tâm dẫn ra Điều 327 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định rõ, trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án, sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Điều này được hiểu là khi đọc bản án, tòa sẽ chỉ công khai mức án, phần trách nhiệm dân sự (nếu có) đối với các bị cáo và người liên quan, không công bố nội dung vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị cáo cụ thể trong vụ án.

Có tiền sử ung thư, sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung hiện ra sao?

Liên quan đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, trong ngày hôm nay 1/12, trao đổi với báo chí luật sư Trần Hoàng Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) một trong 4 người tham gia bào chữa cho cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay trong trại tạm giam, ông Chung vẫn phải uống thuốc để duy trì sức khỏe.

Luật sư Trần Hoàng Anh tiết lộ, bản thân ông Nguyễn Đức Chung bị ung thư, đã nhiều lần đi bệnh viện xạ trị ở Việt Nam. Ông Chung cũng từng qua Pháp để phẫu thuật phổi.

“Hiện nay, ông Chung hàng tháng phải uống thuốc để chống tái phát theo liệu trình phác đồ điều trị”, luật sư của ông Nguyễn Đức Chung thông tin cho biết.

Luật sư Trần Hoàng Anh, trong trại giam, có thời điểm ông Chung bị ảnh hưởng về cả thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cũng khẳng định trong cuộc trao đổi cụ thể với báo Người lao động cho biết, trong quá trình làm việc với cơ quan tố tụng và luật sư tại trại tạm giam, ông Chung vẫn đủ sức khoẻ để làm việc.

Tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư gồm Trần Hoàng Anh, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thị Hoài Linh.

Luật sư Ngô Kim Lan bào chữa cho ông Phạm Quang Dũng. Ba luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trịnh Cẩm Bình và Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc.

Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo chiếm tài liệu mật vì có người nhà liên quan vụ Nhật Cường

Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung được xác định có vai trò chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo chiếm tài liệu mật vu Nhật Cường “vì có người nhà liên quan vụ án”.

Phía sau kết luận điều tra của Bộ Công an vụ ông Nguyễn Đức Chung

Cụ thể, theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và vợ Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa được xác định đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Nhật Cường.

Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án hình sự “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH thương mại & dịch vụ Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Để có thể nắm bắt và tìm hiểu quá trình điều tra vụ án Nhật Cường của Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung đã làm quen, liên hệ, đề nghi Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ công an Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) giúp cung cấp tài liệu, thông tin liên quan.

Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong số đó, cơ quan điều tra xác định, bị cáo có 5 lần bị can này chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, trong đó đã chuyển cho Nguyễn Đức Chung 2 lần gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.

Lái xe của cựu Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Hoàng Trung cũng như người giúp việc thân cận của ông Chung – ông Nguyễn Anh Ngọc cũng được xác định tham gia một lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu “Mật” cho ông Nguyễn Đức Chung.

Viện Kiểm sát Nhân dân khẳng định có đủ căn cứ để quyết định truy tố các bị can ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong cáo trạng truy tố cũng nêu rõ, quá trình điều tra, các bị can đã thừa nhận tội danh, khai báo đầy đủ hành vi phạm tội, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối diện mức án nào?

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, về tình tiết giảm nhẹ, ông Nguyễn Đức Chung trong thời gian công tác nhiều lần được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư, phạm tội lần đầu, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm s,v,x khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03, Bộ Công an trong việc quản lý tài liệu, vật chứng, kết quả điều tra cho thấy không có căn cứ xác định một số cán bộ, chiến sĩ của Cục C03 liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường của Phạm Quang Dũng.

Mặc dù vậy, VKS cũng xác định còn có thiếu sót, sơ hở trong việc quản lý tài liệu bí mật nhà nước, vật chứng. Do đó, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có kiến nghị để xem xét, xử lý phòng ngừa theo quy định của pháp luật.

Thảo luận