Sắp xử các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng

Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trước Tết Nguyên Đán sẽ tập trung xét xử loạt vụ án trọng điểm của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm.
Sputnik

Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cũng lên tiếng về phiên xét xử kín cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan vụ Nhật Cường.

Đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nhạy cảm

Sáng nay ngày 7/12, phát biểu tại Kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin về việc sắp đưa ra xét xử một số vụ án lớn, trọng điểm, được dư luận quan tâm.

Theo đó, trong báo cáo của mình, ông Nguyễn Hữu Chính cho biết nhiều chi tiết liên quan đến các phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Đinh La Thăng giai đoạn 2 (Ethanol Phú Thọ), cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước), cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (vụ Sabeco) và vụ nâng khống giá thiết bị y tế phòng chống Covid-19 liên quan đến cựu Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP. Hà Nội sáng nay, Chánh án Nguyễn Hữu Chính có báo cáo về công tác xét xử năm 2020 và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021 của TAND hai cấp thành phố Hà Nội.

Theo thông tin mà Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2020, Tòa án nhân dân hai cấp của thành phố Hà Nội đã giải quyết 34.157 vụ án các loại,. Theo đó, tổng số vụ tăng 6.449 vụ (bằng 23,27%) so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, trong năm qua, TAND hai cấp của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình tội phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp.

“Các tranh chấp, kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính có chiều hướng gia tăng”, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho biết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn được đẩy mạnh, thông qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.

Chánh án TAND TP. Hà Nội khẳng định, trong đó, có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn nào được xét xử thời gian qua?

Điểm lại một số đại án được xét xử thời gian qua, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho biết, Tòa các cấp ở TP. Hà Nội đã xét xử thành công nhiều vụ, điển hình như một số vụ án trọng điểm, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng như người dân hết sức quan tâm.

Xử phúc thẩm vụ Mobifone mua AVG: Lời xin lỗi Tổng Bí thư có cứu được ông Nguyễn Bắc Son?

Điển hình như, vụ án Mobifone mua AVG. Theo đó, từ ngày 16/12/2019 đến ngày 28/12/2019, Tòa án các cấp của Hà Nội đã xét xử vụ án “Đưa, nhận hối lộ” và “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone liên quan đến hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cựu lãnh đạo AVG Phạm Nhật Vũ.

Vụ án nhà đất công sản của Vũ “nhôm”: Từ ngày 2/1/2020 đến ngày 15/1/2020, ông Chính cho biết, TAND TP. Hà Nội đã xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại thành phố Đà Nẵng liên quan đến hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ.

Ngày 14/1/2020, xét xử vụ án Hà Văn Thắm, Nguyễn Hoàng Long bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng”.

Ngày 31/1/2020, xét xử vụ án Bùi Văn Hải bị truy tố về tội “Thiết trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank.

Ngày 9/3/2020, xét xử vụ án cựu nhà báo Trương Duy Nhất (liên quan đến Phan Văn Anh Vũ – Vũ “nhôm”) phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong các ngày 27, 28/4/2020, xét xử vụ án Hà Văn Thắm, Vũ Thị Thùy Dương và đồng phạm bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chánh án Nguyễn Hữu Chính cũng nhắc lại vụ án Đồng Tâm. Theo đó, từ ngày 7/9/2020 đến ngày 14/9/2020, xét xử vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả tốt

Theo Chánh án TAND TP. Hà Nội, các vụ án tham nhũng, chức vụ, tội phạm tham nhũng không những gây ra những hậu quả to lớn đối với kinh tế, xã hội của đất nước mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Bên cạnh đó, nêu rõ trong báo cáo về công tác xét xử năm 2020 của mình, Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, các bản án có hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, cũng có chính sách khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kháng cáo

Đặc biệt, trong công tác xét xử có chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Thông tin về công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động xét xử, Chánh án Nguyễn Hữu Chính khẳng định “đạt được những kết quả tốt”.

Theo lãnh đạo TAND TP. Hà Nội, đặc biệt là trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua AVG, cơ quan chức năng đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị thiệt hại của Nhà nước hơn 6.590.356 tỷ đồng và số tiền các bị cáo chiếm hưởng là hơn 6 triệu USD.

Trong khi đó, vụ án xảy ra tại thành phố Đà Nẵng đã thu hồi, sung quỹ Nhà nước 13 nhà, đất công sản và kê biên đối với 39 bất động sản để đảm bảo thi hành án tương đương với tài sản thất thoát của Nhà nước.

Ngoài việc liệt kê những kết quả đã đạt được, theo Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho hay, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết.

Theo đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã tạm dừng việc xét xử các vụ án phức tạp lại trong khoảng thời gian gần hai tháng (từ ngày 1/3 đến 22/4 trong thời gian giãn cách xã hội) để tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông Chính, việc này cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Sắp đưa ra xét xử các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Nhật Cảm

Thông tin về kế hoạch xét xử trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Chính cho hay, TAND TP. Hà Nội đang tâp trung giải quyết các vụ án, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn phức tạp.

“Hiện Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang thu lý một số vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi”, đồng chí Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Theo đó, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho biết, dự kiến ngày 10/12, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (viết tắt là CDC Hà Nội).

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị truy tố

Đây là vụ án liên quan cựu Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm. Vụ nâng khống giá thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 này đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Bên cạnh đó, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng sẽ đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để xem xét trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm. Dự kiến, đầu tháng 1/2021 sẽ được xét xử công khai.

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm bị truy tố trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phis” và “vi phạm quy định về quản lý đất đai” liên quan đến khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM. Đáng chú ý, trong vụ án này, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm vai trò người đứng đầu Bộ Công Thương, còn trách nhiệm chính, ông Hoàng cho rằng thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa.

Cùng với đó, trước Tết Nguyên Đán 2021, TAND TP. Hà Nội cũng sẽ đưa ra xét xử vụ án ông Đinh La Thăng (giai đoạn 2) và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Chánh án TAND TP. Hà Nội nói về phiên xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung

Cùng với đó, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cũng đề cập đến viêc cựu Chủ tịch hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm sắp bị đưa ra xét xử trong vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Phiên xét xử kín dự kiến vào ngày 11/12 tới.

“Theo quyết định của tòa án, vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” được xét xử kín. Tuy nhiên đến phần tuyên án thì chúng tôi sẽ công khai, báo chí được tham dự đưa tin”, ông Nguyễn Hữu Chính cho biết.

Bộ Công an lên tiếng về vụ bắt bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Đức Chung
Trước đó, như đã thông tin, theo thông cáo Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xem xét các hành vi sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (hiện đang bị khởi tố, tạm giam và đình chỉ sinh hoạt đảng).

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

Đọc thêm:

Thảo luận