Đặc phái viên của ông Trump giải thích lý do tại sao Mỹ không gia hạn START-3

WASHINGTON (Sputnik) - Ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về kiểm soát vũ khí đã viết một bài báo trong đó chỉ ra quan điểm của Washington cho thấy lý do vì sao họ không gia hạn hiệp ước START.
Sputnik

Trong một bài báo viết cho Viện Chính sách công, ông Billingslea lập luận rằng START -3 không bao gồm hơn 60% vũ khí chiến lược của Nga. Theo ông, điều này đã được Mỹ biết đến từ thời chính quyền Barack Obama vào năm 2010, khi hiệp ước được ký kết.

“Khi chính quyền Obama đàm phán về START-3, họ biết rằng 60% kho vũ khí của Nga sẽ nằm ngoài bất kỳ sự hạn chế nào, và họ đã bị chỉ trích một cách xứng đáng vì điều này tại Thượng viện. Nhân đây nói thêm rằng trong một thập niên trở lại đây, sự tương quan đó ngày càng tồi tệ hơn, vũ khí hạt nhân được triển khai trên các hệ thống chiến thuật và các hệ thống tầm ngắn đã tăng đều đặn cả về kích cỡ lẫn chủng loại, cũng giống như sự đầu tư khổng lồ của Nga vào cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí hạt nhân của họ”, - ông Billingslea nói.
“Hiện nay số lượng đầu đạn hạt nhân của Nga để triển khai trên các hệ thống mang phóng có bán kính hoạt động phi chiến lược nhiều hơn khá nhiều so với số lượng đầu đạn để triển khai trên các hệ thống vũ khí thuộc phạm vi hạn chế của START-3, và họ đang bổ sung thêm mỗi năm”, - ông Billingsley cho biết thêm.

Ông nhắc lại quan điểm của chính quyền Trump rằng thỏa thuận với Nga cần bao gồm tất cả các đầu đạn có thể có.

Các chuyên gia Mỹ kêu gọi ông Biden gia hạn START-3 thêm 5 năm

“Chúng tôi đã nói rõ ràng: chúng tôi muốn gia hạn hiệp ước START-3, nhưng chỉ khi nó đi kèm với một thỏa thuận khung bao gồm tất cả các đầu đạn, cũng như một chế độ xác minh đầy đủ,” - ông Billingsley nói thêm.

Theo ông, đây là điều kiện "tối thiểu cần phải có" cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai với Nga, bất cứ thỏa thuận nào nếu không bao gồm được điều kiện này thì nên coi là thất bại hoàn toàn.

Trước đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, Moskva sẵn sàng thảo luận về các loại vũ khí mới trong cuộc đối thoại với Mỹ về START-3. Ở Bộ Ngoại giao Nga họ cũng nói rằng trong khi đưa ra các khiếu nại với Nga về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, bản thân Hoa Kỳ lại không tự mình thực hiện điều đó.

Hiệp ước START-3

Hiệp ước START-3 giữa Nga và Hoa Kỳ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 2011. Nó quy định rằng mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sao cho sau đó 7 năm và tương lai những năm tiếp theo, tổng số vũ khí loại này không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Hiện nay START-3 là hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất hiện có giữa Nga và Hoa Kỳ, nhưng nó sẽ hết hạn hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 2021. Nếu không gia hạn hiệp ước này thì trên thế giới sẽ không còn có thỏa thuận nào hạn chế kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất.

Đọc thêm:

Thảo luận