Có thể nói, nhờ có FTA Việt Nam – Anh, các doanh nghiệp Việt có thể được hưởng lợi lớn từ việc xóa bỏ 65% dòng thuế hiện nay và hướng đến xóa 99% dòng thuế khi xuất hàng hóa sang Anh sau đó.
Trong cuộc gặp của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã trao đổi về hợp tác thương mại song phương, ký kết UKVFTA, phục hồi kinh tế hậu Covid-19, lập trường về Biển Đông.
Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt - Anh
Chiều nay ngày 11/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã chính thức tiến hành ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (gọi tắt là UKVFTA).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan).
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hai bên đạt 6,6 tỷ USD, xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.
Tuy nhiên, việc diễn ra tiến trình Brexit với việc Vương quốc Anh rời EU (ngày 31/1/2020), các ưu đãi thuế quan và thương mại mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không được áp dụng tại thị trường Anh.
Với thực tế đó, việc ký kết một thỏa thuận, Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai nước trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh được việc gián đoạn các hoạt động thương mại do tiến trình Brexit gây ra.
“Việc ký biên bản hôm nay là bước quan trọng để hai nước hướng đến sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành liên quan của Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để hoàn tất quá trình đàm phán FTA song phương với Anh trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại được thông suốt.
Trên cơ sở những nỗ lực đó, sau 6 phiên làm việc chính thức và nhiều phiên làm việc, đàm phán kỹ thuật, Việt Nam và Anh đã ký Biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA, từ đó hướng đến sớm ký kết chính thức Hiệp định này.
Hiệp định FTA song phương với Anh được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm sắp tới.
Hàng loạt cơ hội và lợi ích lớn được tạo ra từ ký kết Hiệp định được cả hai phía mong chờ, đáng chú ú trong đó phải kể đến thúc đẩy xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ UKVFTA. Đặc biệt là nhóm các mặt hàng dệt may, gạo, thủy hải sản, rau quả, da giày….
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Hiệp định UKVFTA được nhận định sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam. Theo đó, 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Về phía Việt Nam, Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương khẳng định, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.
Hiệp định giúp quan hệ Việt – Anh “gần gũi hơn”
Tại Lễ ký kết biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh, theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Elizabeth Truss, Vương quốc Anh và Việt Nam có chung cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu và tự do hoá giao dịch vốn và đầu tư.
Do đó, Hiệp định UKFTA là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021. Hiện nay, gia nhập CPTPP được coi là một trong các ưu tiên của Chính phủ Anh.
“Gia nhập CPTPP sẽ ngày càng thắt chặt hơn quan hệ của Vương quốc Anh với Việt Nam đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi tăng cường mối quan hệ với 11 nền kinh tế năng động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mang lại nhiều cơ hội hơn cho Vương quốc Anh, cho nền kinh tế cũng như người dân Anh”, bà Elizabeth Truss nhấn mạnh.
Việt Nam và Anh không cần đến cả một thập kỷ đàm phán để ký kết FTA song phương vì cơ bản, các điều khoản của UKVFTA phần lớn đều tương tự như EVFTA đã ký với EU. Cả Hà Nội và London đều nố lực hoàn tất, sớm ký kết thỏa thuận để thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và tăng cường quan hệ song phương, đưa hai nước Việt Nam – Vương quốc Anh gần nhau hơn.
Với FTA ký với Anh, Việt Nam sẽ tạo được lợi thế đáng kể khi cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều là những bên muốn ký thỏa thuận với Anh hiện nay.
Cùng với đó, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút được các nhà đầu tư, lượng du khách từ Anh sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Lãnh đạo hai bên nhận định, việc ký kết Hiệp định cũng tạo dấu hiệu tích cực trong quan hệ chung hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Anh vừa ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ chiến lược giữa hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội về thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng nguồn cung hàng hóa, FTA với Anh cũng đặt ra loạt thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như vượt qua sức ép của thị trường, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất chặt chẽ, phòng vệ thương mại, đến việc tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp Việt Nam về tiền lương, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ.
Tuyên bố chung về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt - Anh
Hai bên cũng đã ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về việc kết thúc đàm phát hiệp định này. Theo đó, Tuyên bố chung hai bên vừa thông qua khẳng định, Việt Nam và Vương quốc Anh vui mừng thông báo về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – Vương quốc Anh.
Nội dung Tuyên bố nêu rõ, Vương quốc Anh và Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp và càng ngày càng nhiều mục tiêu chung. Điều này được thể hiện qua việc quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Anh tiếp tục được kéo dài thêm 10 năm kể từ tháng 9 năm nay. Quan hệ đối tác này tạo một khung khổ cho một mối quan hệ song phương bền chặt, đồng thời vạch ra các ưu tiên chính, bao gồm phát triển nền kinh tế các-bon thấp, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các quyền con người và thương mại.
“Với việc Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Vương quốc Anh đã thực hiện bước tiến quan trọng trong việc đề nghị trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN”, Tuyên bố khẳng định.
Cùng với đó, cả Vương quốc Anh và Việt Nam chia sẻ cam kết chung đối với thương mại toàn cầu và lưu chuyển tự do dòng vốn và đầu tư. Do đó, Hiệp định FTA song phương này mang tới một sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên.
Năm 2019, các doanh nghiệp Anh đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng Anh sang Việt Nam. Trong khi đó, cùng thời kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia châu Âu này với trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng Anh.
Tuyên bố chung về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại giữa hai bên cũng khẳng định, FTA song phương Việt Nam – Anh vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.
Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giày cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ, cụ thể là dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, có thể tiếp tục phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh.
Theo bản Tuyên bố, điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam – Anh. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.
Tuyên bố vừa ký cũng nhấn mạnh, Hiệp định song phương này đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt.
“FTA này không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Tuyên bố chung nêu rõ.
Các bên khẳng định, Hiệp định này là một bước tiến quan trọng để Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Là thành viên sáng lập của CPTPP, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của Anh đối với việc tham gia Hiệp định CPTPP và ủng hộ việc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP trong tương lai”, Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về việc kết thúc đàm phát hiệp định UKVFTA khẳng định.
Việt Nam coi trọng quan hệ với Anh, đánh giá cao quan điểm về Biển Đông
Cũng trong chiều nay, ngày 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss. Tại cuộc gặp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Việt Nam và Anh có quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực.
“Việt Nam luôn coi Anh là đối tác quan trọng, thân thiện. Chúng ta có niềm tin sâu sắc về triển vọng tươi sáng của quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhiều dự án đầu tư của Anh đang triển khai thành công ở Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ thương mại song phương phát triển tốt đẹp và triển vọng còn lớn. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ luôn ưu tiên cho các dự án đầu tư của Anh ở Việt Nam. Do đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Truss sang Việt Nam lần này sẽ là cơ hội tốt để hai bên thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương.
Phát biểu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Elizabeth Truss cho biết, bản thân bà rất vui mừng khi đã ba lần đến thăm Việt Nam.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh khen ngợi Việt Nam là “một đất nước tuyệt vời” và cho biết đã tham gia ký kết thoả thuận hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-Vương quốc Anh.
Cho rằng đây là bước khởi đầu, bà Elizabeth Truss nhấn mạnh, thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ thúc đẩy các nỗ lực sau đàm phán. Tiếp đó là trách nhiệm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nên triển khai Hiệp định. Sau đây, hai nước sẽ có trao đổi đoàn để thúc đẩy thực thi Hiệp định, đồng thời tin tưởng FTA song phương sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho hai nước.
Lãnh đạo Bộ Thương mại Anh cũng cảm ơn Việt Nam với đề nghị Anh tham gia Hiệp định CPTPP.
“Đó chính là sự thể hiện sống động cho việc Việt Nam đang thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh nhiều nước đang thiên về xu hướng bảo hộ. Vương quốc Anh quyết tâm chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy thương mại tự do và phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19”, bà Truss nói.
Cùng với thông tin về Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu COP26, góp phần đưa tỉ lệ phát thải về 0 vào năm 2050, Bộ trưởng Elizabeth Truss chia sẻ mong muốn Anh sẽ tham gia cùng Việt Nam xây dựng chiến lược mục tiêu năng lượng bền vững vì có kinh nghiệm phát triển điện gió.
Chia sẻ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Truss cho biết, kinh tế Việt Nam phát triển là nhờ các chính sách thương mại tự do đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, Vương quốc Anh luôn ủng hộ tự do hàng hải, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại thế giới. Nhắc lại bài học từ đại dịch do coronavirus, bà Truss cho rằng thế giới đang phụ thuộc vào một số ít quốc gia về chuỗi cung ứng.
“Với các FTA, Anh có thể đa dạng hoá chuỗi cung ứng, hoạt động đầu tư. Anh coi Việt Nam là một đối tác hết sức tin cậy và ổn định”, lãnh đạo Bộ Thương mại quốc tế Anh nhấn mạnh.
“Việt Nam đạt thành tựu hết sức ấn tượng trong kiểm soát đại dịch Covid-19, lại vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Anh rất mong muốn hợp tác với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực chăm sóc khoẻ, cũng như các lĩnh vực công nghệ xanh, tài chính, kinh tế số, dữ liệu”, bà Elizabeth Truss nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và Anh cần sớm ký kết FTA song phương. Tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, do đó phải đẩy mạnh kim ngạch thương mại hơn nữa.
“Việt Nam luôn tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh. Việt Nam luôn ủng hộ Anh tham gia CPTPP cũng như luôn ủng hộ chủ trương thương mại tự do. Chính vì vậy, dù năm nay hết sức khó khăn nhưng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn tăng mạnh. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Anh làm ăn thành công ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến Hội nghị COP26, lãnh đạo Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ tham gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan điểm của Anh về Biển Đông, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhờ Bộ trưởng Elizabeth Truss gửi lời mời đến Thủ tướng Anh Boris Johnson sớm thăm chính thức Việt Nam vào thời gian phù hợp.