Mục đích để tăng sản lượng và phản ứng nhanh hơn với thiên tai. Nhà nghiên cứu từ Viện Văn minh Sinh thái thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Chen Ying, nói với Sputnik tại sao sự can thiệp như vậy vào tự nhiên lại không hề nguy hiểm.
Thời tiết có thể được kiểm soát như thế nào?
Để kiểm soát thời tiết, người ta sử dụng công nghệ "gieo hạt trên mây", nguyên lý phun Iodide bạc vào các đám mây.
"Mây là sản phẩm của sự ngưng tụ các giọt nước trong khí quyển. Khi hàm lượng nước của các đám mây đạt đến điều kiện thích hợp, chất iodide bạc được phun vào để làm các giọt nước này kết tinh và tăng lượng mưa. Để làm được điều này, người ta sử dụng một loại đạn đặc biệt, lõi đi vào trong đám mây sẽ nổ ở đó và phun ra hóa chất", Chen Ying nói với Sputnik.
Việc này có gây nguy hiểm không?
Theo CNN, các chuyên gia Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng khả năng kiểm soát mưa, tuyết để làm vũ khí. Chen Ying coi những tuyên bố như vậy là sự khiêu khích, vì quy mô và tính đặc thù công nghệ sẽ không cho phép thực hiện điều này.
Hơn nữa, trái với những quan niệm sai lầm phổ biến, công nghệ như vậy không nguy hiểm và không thể gây hại cho khí hậu toàn cầu:
"Biến đổi thời tiết nhân tạo xảy ra rất nhanh và rất cục bộ, đó là một hoạt động có mục tiêu. Nó không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, có những người trên thế giới nghĩ rằng Trung Quốc có công nghệ kiểm soát mưa nhân tạo có thể sẽ liên quan đến thời tiết, và chắc chắn Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng lên khí hậu. Ý kiến như vậy là vô nghĩa và thậm chí là khiêu khích chống lại Trung Quốc", giáo sư nói với Sputnik.
Cách thức công nghệ phát triển ở Trung Quốc
Trung Quốc đã khởi động chương trình kiểm soát thời tiết của riêng mình từ những năm 1960. Nhưng lần đầu tiên, một dự án xử lý đám mây có mục tiêu đã được thực hiện ở Bắc Kinh trước Thế vận hội 2008. Khi đó, họ thành công tạo ra mưa nhân tạo để làm bầu trời sạch sẽ khỏi sương khói.
Theo Business Insider, vào tháng 6/2016, Trung Quốc đã phân bổ 30 triệu USD để phát triển dự án "quản lý thời tiết". Và một năm sau, thêm 168 triệu đô la cho việc cung cấp thiết bị: khi đó họ mua 4 máy bay và 897 bệ phóng tên lửa để phun hóa chất.
Tháng 1 năm 2019, truyền thông nhà nước đưa tin cho biết chiến thuật «gieo hạt vào đám mây» ở khu vực phía tây Tân Cương đã ngăn chặn được 70% thiệt hại do mưa đá.
"Gây mưa nhân tạo là một hoạt động rất cục bộ. Nó không thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác theo bất kỳ cách nào. Chỉ có thể xảy ra nếu những việc như thế này được tiến hành dọc theo đường biên giới. Tuy nhiên, những hoạt động như vậy mang tính địa phương nên không thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng", Chen Ying nói với Sputnik.
Những chân trời mới
Theo ghi nhận của Quốc vụ viện Trung Quốc, đến năm 2035, dự án sẽ ở mức khá "tiên tiến" và giúp giảm nhẹ hậu quả của thiên tai như hạn hán và mưa đá, đồng thời cũng sẽ giúp chữa cháy rừng.
Công nghệ địa kỹ thuật cũng có chỗ để phát triển. Ví dụ, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ thuật quản lý bức xạ mặt trời (SRM).
Về lý thuyết, công nghệ này sẽ cho phép phản xạ cục bộ ánh sáng mặt trời để đảo ngược sự nóng lên toàn cầu.
"Có một công nghệ địa kỹ thuật chưa được triển khai, liên quan đến việc phun vật liệu phản xạ vào tầng bình lưu ở độ cao 10.000 mét để làm mát Trái đất. Đây được gọi là điều khiển năng lượng mặt trời. Công nghệ này liên quan đến việc tạo ra các hiện tượng thời tiết nhân tạo. Iodide bạc để tăng lượng mưa và kiểm soát tia mặt trời là hai khái niệm rất khác nhau. Nghiên cứu kiểm soát năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang ở giai đoạn sơ khai - mô phỏng trên máy tính. Hiện tại, không quốc gia nào trên thế giới được phép tiến hành các thí nghiệm quy mô lớn như vậy, vì công nghệ này còn rất nhiều tranh cãi", - chuyên gia kết luận.