Trả lời Chủ tọa Huỳnh Văn Trực, bị cáo Đinh La Thăng trả lời ấp úng, không nhớ bị khai trừ Đảng khi nào, chỉ nhớ đang chịu mức án 30 năm tù từ hai bản án trước nhưng không nhớ ngày xử cũng như thời điểm áp dụng. Tuy nhiên, ông Thăng được xem xét tình tiết giảm nhẹ trong vụ án này do thành khẩn và có nhiều thành tích.
Trong khi đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận cái tên Út ‘trọc’, đồng thời không thừa nhận hành vi phạm tội, cũng như vai trò chính yếu, chủ mưu trong thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Xét xử vụ án ông Đinh La Thăng tại cao tốc Trung Lương – TP.HCM
Sáng ngày 14/12, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long, thuộc Bộ Giao thông Vận tải), Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Đây là phiên tòa thu hút sự chú ý của dư luận với việc xét xử 20 bị cáo, trong đó có hàng loạt cựu lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Cụ thể, liên quan vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng (người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 8/2011 - 2/2016) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng phải ra “trước vành móng ngựa” như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” còn có 6 bị cáo từng ngồi ghế lãnh đạo Bộ GTVT.
Đó là ông Nguyễn Hồng Trường (giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn tháng 4/2007 - 8/2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính), Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Tổng công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng Công ty Cửu Long).
Riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Mười hai bị cáo còn lại liên quan vụ án cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 25/12. Chủ tọa điều hành phiên tòa là Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người, bên cạnh Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, còn có thẩm phán Vũ Tất Trình và ba hội thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và VKSND TP.HCM tham dự phiên tòa có các Kiểm sát viên Nguyễn Mạnh Thường, Lê Hữu Ngọc, Tô Hữu Thông, Ngô Phạm Việt và bà Trần Thị Liên.
Hội đồng xét xử triệu tập đến phiên tòa này nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong đó, có đại diện Bộ Giao thông Vận tải – được xác định là “bị hại” trong vụ án, đại diện Bộ Tài chính, đại diện 13 doanh nghiệp điển hình như Công ty Cửu Long, Yên Khánh, Thái Sơn, Công ty Cổ phần BOT Việt Trì, Công ty Cổ phần BOT và BT Quốc lộ 20, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1. Tham dự phiên tòa có hơn 20 luật sư bào chữa cho hai bị cáo.
Riêng bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa gồm Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ngô Minh Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật sư Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Túy (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường có hai luật sư bào chữa. Đinh Ngọc Hệ có 5 người bào chữa.
Bị cáo Đinh La Thăng ấp úng, Nguyễn Ngọc Hệ nói không có tên Út ‘trọc’
Khoảng gần 7h sáng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng 19 bị cáo được dẫn giải đến tòa. Trong phần thủ tục, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị thẩm vấn lý lịch đầu tiên.
Khi Chủ tọa thẩm tra tư pháp, ông Thăng trả lời rõ, rành mạch rằng đã hoàn thành trình độ phổ thông hệ 10/10, sau đó học đại học. Ra trường, ông Đinh La Thăng làm kế toán, sau đó lên chức quản lý.
Ông Thăng không nhớ mình bị khai trừ Đảng khi nào. Cựu Bộ trưởng GTVT cũng tự nhận có hai tiền án ở hai lần xét xử trước đây. Trả lời ấp úng, ông Đinh La Thăng chỉ nhớ mình bị tuyên phạt chung 30 năm tù cho hai bản án trước nhưng không nhớ rõ ngày, tháng nào bị tuyên án.
Tuy nhiên, Chủ tọa Huỳnh Văn Trực giải thích, hành vi phạm tội ở vụ án này xảy ra trước những lần xét xử đó, nên không coi là “tiền án”.
Được biết, trong vụ án này, ông Đinh La Thăng được phía cơ quan Kiểm sát ghi nhận có tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại điểm s, v khoản 1, Điều 51 Bộ Luật Hình sự. Theo lý giải của cơ quan tố tụng, trong quá trình điều tra vụ án, cựu Bộ trưởng thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen.
Cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường bước lên bục khai báo. Trả lời Chủ tọa Huỳnh Văn Trực, ông Trường cho biết, mình 63 tuổi, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước khi bị bắt giam. Ông Trường cũng bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và khung hình phạt như ông Đinh La Thăng.
Cáo trạng xác định, hành vi của ông Nguyễn Hồng Trường trong vụ án xuất phát từ động cơ “nể nang” trong quan hệ cấp trên – cấp dưới, nên dẫn đến sai phạm như cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao trước đó liên quan vụ án này.
Bước lên bục khai báo, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận mình có tên gọi Út ‘trọc’. Cũng giống như bị cáo Phan Văn Anh Vũ trước đây từng khăng khăng phủ nhận tên gọi Vũ ‘nhôm’, cựu Thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ cho rằng, mình “cha sinh mẹ đẻ” chỉ có một tên duy nhất là Đinh Ngọc Hệ - do đó, theo bị cáo này, các tên khác trong các bản án đã xét xử là “không đúng”. Ông Hệ cũng khai, hiện đang chịu hai bản án với khung hình phạt chung là 30 năm tù.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra và tố tụng cho biết, bị cáo Đinh Ngọc Hệ “không hợp tác khai báo”, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, khoảng 9h40, sau phần thủ tục, chủ tọa hỏi có bị cáo nào phải ngồi nghe cáo trạng, ông Đinh La Thăng cùng một số bị cáo giơ tay, xin ngồi. Tuy nhiên, Thẩm phán Huỳnh Văn Trực cho biết, chỉ những ai có giấy chứng nhận y tế về sức khỏe thì mới được xem xét ngồi nghe cáo trạng.
Do đó, cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng và các bị cáo đều phải đứng nghe đại diện VKS công bố cáo trạng dài gần 80 trang. Mặc dù vậy, do có lúc mệt, nên ông Thăng có xin phép được ngồi nghỉ một lát.
Đáng chú ý, trong phiên xét xử sáng nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị Tòa triệu tập giám định viên nhằm làm rõ thiệt hại trong vụ án.
Ngoài ra, luật sư đề nghị tòa án triệu tập thêm nhiều người liên quan đến phần tài sản đang trong diện kê biên của cựu Thượng tá quân đội.
Đối với đề nghị của luật sư, chủ tọa Thẩm phán Huỳnh Văn Trực cho rằng, hồ sơ vụ án có đầy đủ những nội dung luật sư đề cập. Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ triệu tập những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến vụ án nếu thấy cần thiết.
Vụ án cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó được xác định có vai trò “cầm đầu”, “chủ mưu”. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ giữ “vai trò chính”. Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, nguyên nhân xảy ra vụ án được cơ quan cảnh sát điều tra xác định là Đinh Ngọc Hệ đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Do vậy, việc bán quyền thu phí là bán tài sản của Nhà nước và số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí là tài sản của Nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án bán quyền thu phí, thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, bị cáo Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, có vai trò quyết định đến việc bán quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, bị cáo Đinh La Thăng đã gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) để giới thiệu đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) tiếp cận đề án.
Sau đó, ông Thăng cũng tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Với cơ sở này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng mối quan hệ này để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Cáo trạng xác định, ông Đinh La Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí. Tuy nhiên, ông đã chỉ đạo để cho công ty của Út "Trọc" là công ty đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.
Các bị cáo Nguyễn Hồng Trường, Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh, Nguyễn Chí Thành, Lê Trung Cường, Nguyễn Thu Trang là các cán bộ dưới quyền của bị cáo Đinh La Thăng.
Do biết mối quan hệ cá nhân giữa bị cáo Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ nên khi được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã làm trái các quy định về bán đấu giá tài sản Nhà nước, từ đó để Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng truy tố xác định, hành vi làm trái nêu trên của Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và đồng phạm là điều kiện dẫn đến hậu quả để Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm thực hiện các hành vi gian dối, bắt đầu từ việc lập hồ sơ giả năng lực của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An để tham gia đấu giá đến việc che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng, từ đó chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Ông Đinh La Thăng ưu ái Đinh Ngọc Hệ vì “quan hệ thân thiết”
Như đã thông tin trước đó, đầu năm 2012, ông Đinh La Thăng gặp và quen biết với Đinh Ngọc Hệ tại Ninh Bình. Trong hai năm 2012-2013, ông có nhiều lần gọi điện thoại liên hệ với Hệ và Minh nhưng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu.
Ông Thăng khẳng định với cơ quan Công an chỉ chỉ đạo tạo điều kiện cho Hệ được mua quyền thu phí cao tốc này. Trong khi đó, bị can Dương Tuấn Minh (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long) thì khai, sau khi trúng thầu, Công ty Yên Khánh của Út ‘trọc’ liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Bị can Dương Tuấn Minh khai rằng, dù biết vậy, nhưng Tổng Công ty Cửu Long không chấm dứt trước hạn hợp đồng là vì biết Đinh Ngọc Hệ có “quan hệ thân thiết” với ông Đinh La Thăng.
Ông Minh cũng khai từng bị ông Thăng mắng vì yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán đúng theo hợp đồng.
Kết luận điều tra nêu, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển giao quyền thu phí tuyến Cao tốc TP HCM - Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ có nhờ vả ông Đinh La Thăng gọi điện cho Dương Tuấn Minh đề nghị sắp xếp thời gian gặp gỡ, trao đổi.
Hai ngày sau, Đinh Ngọc Hệ có gọi cho bị can Dương Văn Minh, xưng là “Út ở Công ty Thái Sơn” đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng giới thiệu trước đó.
Ông Minh hẹn một tuần sau sẽ sắp xếp làm việc. Tuy nhiên, ông Thăng tiếp tục gọi Minh, yêu cầu bố trí lịch làm việc cụ thể rồi chuyển điện thoại cho Hệ trực tiếp nói chuyện.
Đinh Ngọc Hệ hai lần đến phòng Minh đề nghị hỗ trợ Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc trong khi công ty này không đủ điều kiện vì năm 2011-2012 kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá.
Sau đó, cơ quan điều tra xác định, bị can Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã liên tiếp có các hành vi gian dối trong việc làm giả hồ sơ năng lực, dùng phần mềm Xuân Phi can thiệp vào hệ thống phần mềm của Bộ GTVT, báo cáo doanh thu thu phí về công ty Cửu Long, xóa dữ liệu, chứng từ kế toán thu phí thực tế để chiếm đoạt 725 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận hành vi phạm tội, bác bỏ cáo buộc giữ vai trò chủ mưu trong thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.