Có người còn bình luận, cho rằng Ngô Bá Khá bị bạn tù “đâm 10 nhát”. Trước tin đồn Khá ‘bảnh’ chết, đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương đã lên tiếng bác bỏ.
Tin đồn Ngô Bá Khá Khá ‘bảnh’ chết trong trạm tạm giam
Khá ‘bảnh’ chết”, giang hồ mạng Khá ‘bảnh’ bị bạn tù đâm tử vong, Ngô Bá Khá chết ở trại tạm giam…đang là những tin tức, từ khóa tìm kiếm nổi bật tại Việt Nam.
Các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo…đang lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng về việc Ngô Bá Khá (tức Khá ‘bảnh’) tử vong trong thời gian ở trại tạm giam.
Theo đó, từ tối ngày 20/12 đến sáng nay 21/12, các trang mạng xã hội nhiều người theo dõi, các hội, nhóm lớn trên Facebook đưa tin “giang hồ mạng” Khá ‘bảnh’ bị phạm nhân cùng trại đâm chết trong quá trình thi hành án.
Bình luận được chụp màn hình và chia sẻ rầm rộ nhất tối ngày 20/12 là của tài khoản N.T.M.T.
“Lúc nãy tầm 21 giờ mấy có lướt một bài viết của anh Khanh Phạm gì đó đăng tin và ảnh Khá ‘bảnh’ qua đời ở trại tạm giam nhìn nằm trên cán thương lắm, để mình lướt lại tìm ảnh cho mọi người xem, tin này là thật 100%. RIP một kiếp người”, theo một bình luận được chụp màn hình và chia sẻ rầm rộ đêm qua của tài khoản người dùng N.T.M.T.
Có người dùng mạng Việt Nam khác đưa ra thông tin cho rằng: Khá ‘bảnh’ tử vong do bắt nạt phạm nhân mới và bị một phạm nhân 55 tuổi đâm”.
Đáng chú ý hơn, thông tin về Khá Bảnh trên Wikipedia cũng được thay đổi thành “chết trong trại tạm giam vào ngày 20/12” ở tuổi 27. Sau đó thông tin đã được chỉnh sửa lại.
Trước đó, Ngô Bá Khá đã bị TAND thị xã Từ Sơn tuyên phạt mức án 10 năm 6 tháng tù về tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”. Đối tượng này được đưa đi thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Công an tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh nói gì về tin Khá ‘bảnh’ chết?
Sáng 21/12, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương trao đổi với báo chí, khẳng định không có chuyện phạm nhân Ngô Bá Khá chết trong trại tạm giam.
Trong khi đó, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phủ nhận thông tin này, khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác.
Về phần mình, một đại diện lãnh đạo trại giam Hoàng Tiến, nơi Khá “bảnh” đang thụ án, cho biết phạm nhân Ngô Bá Khá vẫn khỏe mạnh và không có chuyện bị chết như đồn đoán trên mạng xã hội.
“Khá “bảnh” vẫn khỏe mạnh, béo trắng và đi lao động bình thường. Không có chuyện xảy ra mâu thuẫn với phạm nhân khác rồi bị đâm tử vong”, vị này thông tin phủ nhận việc Khá ‘bảnh’ tử vong.
Đại tá Lê Văn Thoan, Trưởng Công an huyện Chí Linh (Hải Dương) cho biết, Ngô Bá Khá, hay Khá ‘bảnh’ vẫn đang chấp hành án tại trạm giam Hoàng Tiến ở huyện Chí Linh.
“Ngày hôm nay, tôi nhận được điện thoại của nhiều đơn vị hỏi về thông tin Khá “bảnh” bị chết trong tù. Tôi đã kiểm tra trực tiếp và được lãnh đạo trại giam khẳng định, phạm nhân Khá vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Thông tin trên là thất thiệt, mang tính chất "câu" view và gây hoang mang trong xã hội”, Đại tá Thoan khẳng định.
Trong khi đó, một lãnh đạo xã Tam Sơn, quê của Khá cũng khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
“Tôi ở cùng làng với Khá. Người thân của Khá khẳng định, thông tin thanh niên này tử vong là không đúng”, vị lãnh đạo này cho biết.
Ngô Bá Khá, Khá ‘bảnh’ là ai?
Khá ‘bảnh’, tức Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, trú tại thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là một hiện tượng mạng, dân giang hồ, YouTuber nổi tiếng ở Việt Nam.
Khá bỏ học dở dang và từng vào tù ra tội về hành vi Cố ý gây thương tích. Trước khi bị Công an TX Từ Sơn bắt giữ ngày 1/4/2019, Khá là một hiện tượng trên mạng xã hội, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Như đã thông tin, Khá ‘bảnh’ từng sở hữu một kênh YouTube với trên 2 triệu lượt đăng ký. Theo lời khai của đối tượng này tại phiên xét xử của TAND thị xã Từ Sơn, mỗi tháng Khá ‘bảnh’ nhận được 60 - 80 triệu đồng, tháng cao nhất là gần 20.000 USD (tức khoảng hơn 400 triệu đồng) từ YouTube vì những video “gây sốc”, thu hút lượng view khủng.
Xuyên suốt trong các nội dung video, hình ảnh hay phát ngôn Khá Bảnh đưa lên mạng xã hội là “chân dung” về một “đại ca” giang hồ trẻ tuổi, ăn mặc, nói năng tục tĩu, dị hợm, có nhiều tiền bạc của, có đông đảo đàn em và những cuộc giao lưu thân thiết với các “đại ca” khác trong giới giang hồ.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Ngô Bá Khá là đối tượng có nhân thân xấu, quan hệ xã hội phức tạp, không nghề nghiệp ổn định. Dù đã có thu nhập tốt từ việc tham gia các MV quảng cáo, thu nhập từ Youtube do là một “hiện tượng mạng xã hội”, nhưng Khá vẫn tìm cách kiếm thêm bất chính, tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi số lô, số đề.
Ngày 1/4/2019, Công an tỉnh Bắc Ninh bắt quả tang Ngô Bá Khá cùng 4 đối tượng khác đang có hành vi đánh bạc, chơi lô đề. Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ một số vật chứng liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của Khá “bảnh” và đồng bọn gần 100 triệu đồng tiền mặt, 2 laptop, 1xe ô tô KIA Senrato biển số 99A196.53, 4 dao nhọn và một số giấy tờ tài liệu liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Khám nhà Khá ‘bảnh’, cơ quan Công an thu một số giấy tờ vay mượn liên quan đến hoạt động tín dụng đen, ghi lô đề, đánh bạc. Tại thời điểm bắt giữ, Khá ‘bảnh’ dương tính với ma túy.
Ngoài cáo buộc tổ chức đánh bạc, cơ quan tố tụng còn quy buộc Khá và đồng bọn đã đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề. Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, chỉ trong hơn 40 ngày, Khá và đồng bọn đã giao dịch gần 5 tỷ đồng từ việc ghi lô, đề. Khá hưởng lợi gần 300 triệu.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn cũng cho biết, Khá ‘bảnh’ có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý, nằm trong diện quản lý của cơ quan Công an.
Năm 2011 và 2014, Ngô Bá Khá bị đưa vào trường giáo dưỡng vì gây rối trật tự công cộng. Đến năm 2016, Khá ‘bảnh’ bị Công an thị xã Từ Sơn bắt về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Giang hồ mạng như Khá ‘bảnh’ gây nguy hiểm cho xã hội
Tại Việt Nam, cơ quan điều tra, tố tụng, nhiều đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm lo ngại về việc thần tượng Khá ‘bảnh’ thể hiện nhận thức lệch lạc trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ hồi năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, những hiện tượng như Khá ‘bảnh’ là vấn đề cực kỳ không tốt, rất nguy hiểm cho giới trẻ hiện nay.
“Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã có ý kiến rất gắt gao đối với Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến quản lý mã độc, thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, phản cảm, tục tĩu. Những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được trong một xã hội lành mạnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Một “giang hồ mạng” như Ngô Bá Khá coi thường pháp luật, vô văn hóa, thiếu giáo dục, chỉ câu view bằng những video lố bịch, “gây sốc” và rẻ tiền. Tuy nhiên, chính nền tảng nhận thức lệch lạc, mù quáng, không cân nhắc hậu quả của một bộ phận giới trẻ khiến Khá ‘bảnh’ và những trùm giang hồ mạng khác dễ dàng thực hiện hành vi của mình.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, việc coi Khá ‘bảnh’ là thần tượng, giống như một trào lưu, thể hiện nhận thức lệch lạc của một bộ phận người trẻ hiện nay.
Vì sao một bộ phận giới trẻ Việt Nam thần tượng Khá ‘bảnh’? Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, trẻ em ngày nay lên mạng xã hội, tiếp xúc với công nghệ quá sớm nhưng do chưa đủ trình độ chắt lọc thông tin, chưa phân biệt rõ cái đúng, cái sai, do đó các em cần khoảng thời gian để được giáo dục, có sự phát triển về trí lực để tự có khả năng loại trừ ra khỏi đầu óc mình những gì chưa đúng.
“Để chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay, cần một cuộc “chấn hưng” về đạo đức, giáo dục về các thang giá trị đạo đức chân chính cho giới trẻ, song điều đó phải diễn ra thường xuyên, lâu dài”, Thiếu tướng Cầu nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo, truyền thông, báo chí cần là những kênh tuyên truyền cực kỳ quan trọng để góp phần tạo ra sự thay đổi.
“Báo chí cần lên tiếng mạnh, định hướng lại các giá trị chuẩn mực”, nguyên Giám đốc Công an Nghệ An nêu rõ.
Ngoài ra, để ngăn những hiện tượng như giang hồ mạng Khá ‘bảnh’ phải bắt đầu từ chính trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũn như các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc giáo dục, dạy dỗ, tạo môi trường sống, học tập và vui chơi lành mạnh cho các em, ngăn chặn thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của các bạn trẻ.