Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, quan điểm của lãnh đạo Thành phố và Công an TP.HCM là xử lý tội phạm “không có vùng cấm” và “không có ngoại lệ”.
Từ những vụ như của các ông Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung, ở Đà Nẵng có Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Minh, theo ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị công khai danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương trước Đại hội Đảng 13 để dân biết và góp ý về cán bộ.
Đồng thời, theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc chọn đúng cán bộ sẽ giúp chống được “quốc nạn” là tham nhũng, củng cố niềm tin nhân dân.
Công an TP.HCM nói về vụ bắt ông Tất Thành Cang
Thời gian qua, nhiều ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng của Việt Nam bị kỷ luật khiến “công cuộc đốt lò” ngày càng nóng và quyết liệt. Những cái tên nổi bật trên chính trường Việt Nam thời gian qua như các ông Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Minh… bị xem xét, xử nghiêm sai phạm càng khiến niềm tin của người dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng của đất nước tăng lên.
Liên quan đến vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Công an Thành phố đã có thông tin bình luận. Theo đó, Công an TP.HCM đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang cùng 18 người khác để điều tra những sai phạm xảy ra tại IPC và Sadeco.
Sáng 21/12, Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM đã cung cấp thông tin về vụ án liên quan đến ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM).
Theo Thượng tá Thành, Công an TP HCM đã tiến hành bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, ông Tề Trí Dũng cùng 17 đồng phạm khác. 19 bị can này bị điều tra vì có liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Thượng tá Phạm Văn Thành cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý điều tra vụ án có liên quan đến ông Tất Thành Cang trên cơ sở kết luận thanh tra của Thành phố và kiến nghị khởi tố của thanh tra.
“Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Công an TP.HCM đã phối hợp với viện kiểm sát, tòa án để đánh giá chứng cứ, xác định vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc bán 9 triệu cổ phiếu của công ty SADECO cho công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá, đấu thầu theo quy định”, – Thượng tá Thành cho biết.
Cơ quan chức năng xác định 19 cá nhân trong vụ việc này đã có hành vi sai phạm, đủ cơ sở xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thay mặt liên ngành tư pháp thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương xử lý hình sự với các cá nhân nói trên.
Được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định pháp luật.
“Liên ngành Tư pháp thành phố xác định có 19 cá nhân liên quan đến sai phạm này, trong đó có ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực TPHCM. Tất cả các cá nhân này có hành vi sai phạm và đủ cơ sở xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Phạm Văn Thành nhấn mạnh.
Về quan điểm của lãnh đạo thành phố là “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ” trong phòng chống và xét xử tội phạm, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết đã nêu nhiều lần trong các buổi họp báo thông tin về tình hình đảm bảo an ninh trật tự xã hội thời gian qua.
Dẫn chứng về việc Công an TP.HCM đã bắt cựu Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang do sai phạm trong vụ án kinh tế lớn, kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.
Công an TP.HCM nói gì vụ bắt ông Diệp Dũng?
Đối với vụ việc ông Diệp Dũng (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op), Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết cơ quan công an đang tích cực điều tra việc huy động vốn gây thiệt hại cho Saigon Co.op.
“Cơ quan điều tra sẽ điều tra theo kiến nghị của Thanh tra TP.HCM trong việc tăng vốn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thêm hành vi này”, - Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay.
Theo ông Quang, cơ quan điều tra xác định ông Diệp Dũng đã lạm quyền với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên nhưng không thông qua Hội đồng thành viên theo quy định của luật hợp tác xã và quy chế của Saigon Co.op, nhằm lấy một số tiền để cho vay gây thiệt hại cho Saigon Co.op. Cục thuế TP.HCM sau đó đã tiến hành truy thu, phạt số tiền trên 29 tỷ đồng.
“Thanh tra TP đã có thanh tra và có kết luận sai phạm và chuyển cho cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng xác định có sai phạm như kết luận của thanh tra. Trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh điều tra sẽ tiếp tục làm rõ thêm vấn đề này để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định không có ngoại lệ gì” ,– Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cho biết.
Không bao che vụ khởi tố cán bộ Công an phường Phú Thọ Hòa
Tại buổi họp báo hôm nay, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng cho biết, Công an TP.HCM “rất đau xót” trước vụ việc một số cán bộ, chiến sĩ Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP HCM) vi phạm pháp luật.
Hiện, cơ quan điều tra đang tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về vụ án “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” xảy ra tại trường gà trên đường Võ Văn Kiệt (phường 3, quận 6), Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay, hiện cơ quan điều tra đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lực lượng công an địa phương, đồng thời điều chuyển công tác để làm rõ trách nhiệm của từng người.
Công an TP.HCM kiên quyết không bao che, điều tra qua loa vụ việc này.
“Lực lượng thực thi pháp luật hơn hết là phải chấp hành pháp luật. Đây là một vi phạm rất lớn, gần như cả một tập thể công an phường, trong đó có cả chỉ huy, người đứng đầu. Hành vi sai phạm của những người này là cố ý chứ không phải thiếu trách nhiệm”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.
Từ vụ ông Tất Thành Cang: Nên công khai danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương?
Sáng nay, 21/12, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 4 trong đó có đề cập đến việc nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý như các cựu ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan ban ngành bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự như vụ ông Tất Thành Cang hay Nguyễn Đức Chung mới đây.
Cụ thể, đóng góp ý kiến về công tác, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ trăn trở về việc thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc giám sát, phản biện xã hội được nhiều, tuy nhiên “chưa đi sâu” tham gia với Đảng trong công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ (nhất là về phẩm chất đạo đức cách mạng trong thời đại mới).
Theo ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua đã có 27 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, nhiều người bị khai trừ ra khỏi Đảng, thậm chí là xử lý hình sự, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm do mình gây ra.
Điều đáng lưu tâm là, ở những thành phố, đơn vị hành chính lớn nhất của cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, những lãnhh đạo đứng đầu, đương chức đều bị kỷ luật khiến người dân rất quan tâm.
“Như ở TP.HCM có ông Đinh La Thăng, rồi Tất Thành Cang (trước đó, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cùng bị kỷ luật – PV), ở Đà Nẵng có ông Nguyễn Xuân Anh, Trần Văn Minh, ở Hà Nội thì có ông Hoàng Trung Hải, rồi sau đó là ông Nguyễn Đức Chung”, đồng chí Nguyễn Túc dẫn chứng.
Với tình hình này, ông Túc đề nghị, về công tác nhân sự, công tác cán bộ, cần phải có đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc theo đúng tinh thàn Quyết định 217 năm 2018 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội.
Nhấn mạnh “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, trước hết phải bắt đầu làm chặt từ công tác xây dựng, đào tạo cán bộ”, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, quyết định của Bộ Chính trị quy định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
“Tôi vẫn cứ đề nghị công khai rằng, nếu có đồng chí nào vào Trung ương khóa này nên công khai danh sách trước đại hội để dân biết và tham gia góp ý”, đồng chí Nguyễn Túc kiến nghị.
Ông Túc nhắc lại, thời gian qua, chính nhờ sự góp ý của Mặt trận Tổ quốc đã phát hiện ra nhiều trường hợp cán bộ cấp cao không đủ tiêu chuẩn.
“Để làm trong sạch đội ngũ, nên công khai danh sách ứng cử viên bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng để góp ý kiến”, ông Nguyễn Túc nêu rõ.
Chọn đúng cán bộ để đỡ phải chống “quốc nạn” tham nhũng
Đáng chú, tham gia góp ý vào công tác Mặt trận, nguyên Ủy viên thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị Mặt trận nên “suy nghĩ” sẽ hành động thế nào sau Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục củng cố lòng tin của người dân tốt hơn.
“Năm 2021, chúng ta phải suy nghĩ, sau Đại hội XIII, Mặt trận Tổ quốc sẽ hành động thế nào để củng cố lòng tin của dân tốt hơn”, đồng chí Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
“Có lẽ không gì bằng, chỉ mong Đảng quan tâm tới Mặt trận. Mong chị Mai (ở đây là đồng chí Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương - PV) đề nghị Bộ Chính trị có cơ cấu hệ thống Dân vận - Mặt trận trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rõ ràng”, ông Duyệt kiến nghị và cho rằng, điều này rất quan trọng đối với vị thế của Mặt trận.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là hiệp thương, lên danh sách bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.
Theo ông Duyệt, Mặt trận phải hiệp thương thế nào cho chuẩn được danh sách bầu cử, thực hiện được mục tiêu kép, chọn cán bộ đúng để thực hiện nghị quyết Đại hội tốt đồng thời, chọn cán bộ đúng để ít tham nhũng, tiêu cực, đỡ phải mất nhiều công sức chống “quốc nạn”.
“Chọn cán bộ đúng để ít tham nhũng, tiêu cực, đỡ phải chống. Đây là điều phải cố gắng làm cho được, đừng nói là có thể làm tuyệt đối nhưng làm tốt bao nhiêu thì dân tin Mặt trận bấy nhiêu”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.