Nhật Bản khiến khu vực Đông Bắc Á buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng?

Ngân sách quốc phòng đầu tiên của Chính phủ Suga Yoshihide vừa được thông qua với mức cao kỷ lục. Nhật Bản chi thêm tiền cho tên lửa hành trình, máy bay tàng hình và tàu chiến có khả năng phòng thủ tên lửa.
Sputnik

Hôm thứ Hai, chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đã thông qua ngân sách quốc phòng trị giá 51,7 tỷ USD cho năm tài chính mới, tăng 0,5% so với năm 2020. Ông Suga thực hiện lời hứa của mình là kế tục chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe tăng ngân sách quốc phòng trong 8 năm liên tiếp.

Nhật Bản lên kế hoạch mua trang thiết bị nào?

Nhật Bản chi thêm tiền để phát triển tên lửa hành trình được sản xuất trong nước. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm, và nhiệm vụ được đặt ra là nâng tầm bắn của tên lửa mới lên 900km. Reuters lưu ý rằng, Nhật Bản đang cân nhắc việc trang bị và huấn luyện cho lực lượng phòng vệ nước này tiến hành không kích các mục tiêu mặt đất ở Trung Quốc, Triều Tiên và các khu vực khác tại châu Á. Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin tiết lộ ý kiến ​​của các nghị sĩ đối lập bày tỏ quan ngại về sự phát triển của tên lửa hành trình mới. Họ cho rằng, việc sở hữu những tên lửa có khả năng tấn công các căn cứ của đối phương sẽ trái với hiến pháp nghiêm cấm Nhật Bản tham gia vào các hoạt động thù địch.

Tại sao Nhật Bản từ chối triển khai hệ thống phòng thủ mặt đất AEGIS Ashore?

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch đóng thêm hai tàu chiến trong vòng 5 năm. Nhiều khả năng 2 tàu chiến mới này sẽ được trang bị hệ thống radar Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa hiệu quả gấp 3 lần hệ thống cũ. Loại vũ khí này được coi là phương án thay thế cho hai trạm mặt đất Aegis Ashore, mà dự án xây dựng hai trạm này đã bị hủy bỏ vào tháng 6 năm nay.

Kinh phí cũng được phân bổ để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo phải có khả năng tàng hình để thay thế F-2 lỗi thời của Lực lượng Phòng vệ. Mitsubishi Heavy Industries Ltd được giao nhiệm vụ quản lý dự án với sự hỗ trợ từ Lockheed Martin Corp.

Các nhà phân tích cũng lưu ý đến kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nhật Bản phân bổ kinh phí cho chòm sao vệ tinh để phát hiện các vũ khí siêu thanh. Ví dụ, Trung Quốc đang phát triển tên lửa mới có khả năng không chỉ bay nhanh hơn mà còn bay thấp hơn tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ phân bổ kinh phí cho việc thành lập một đơn vị mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để bảo vệ không gian mạng.

Nhật Bản khiến khu vực Đông Bắc Á buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng?

Giáo sư Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, không ngạc nhiên trước tin tức rằng, Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Trung Quốc đặc biệt chú ý đến sự đồng thuận của Chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản về vấn đề này:

“Việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lần thứ 9 liên tiếp là một điều có thể dự đoán được. Nguyên nhân chính là những thay đổi đã diễn ra trong quá trình phát triển Lực lượng Phòng vệ trong những năm gần đây. Ngoài lực lượng phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không, Nhật Bản đã thành lập hai bộ phận mới để giám sát không gian vũ trụ và không gian mạng. Các đơn vị mới này đòi hỏi đầu tư ngân sách. Trước đây, việc Nhật Bản tham gia quân sự hóa không gian là hoạt động trá hình, nhưng, ngày nay Bộ Quốc phòng coi không gian và du hành vũ trụ là một lĩnh vực quân sự mới. Ở Nhật Bản đang hình thành Lực lượng Phòng vệ ba cấp - từ không gian đến đất liền và sâu dưới biển. Ngoài ra, Nhật Bản đang hiện đại hóa quân đội phù hợp với luật an ninh mới, cũng như để đáp ứng mối quan hệ với Mỹ và Australia. Các chương trình này bắt đầu được phát triển tích cực hơn sau khi Suga Yoshihide nhậm chức thủ tướng và Nobuo Kishi giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Đồng thời, có sự đồng thuận giữa Đảng Dân chủ Tự do và chính phủ Nhật Bản về việc tăng chi phí quân sự. Vì vậy, việc tăng ngân sách quốc phòng không phải là điều bất ngờ".
Nhật Bản khiến khu vực Đông Bắc Á buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng?

Đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc

Giới chính trị Nhật Bản thường giải thích rằng, Tokyo buộc phải tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Nhiều dự án quân sự được lên kế hoạch ở Nhật Bản trong những năm tới nhằm kiềm chế Hải quân Trung Quốc, chuyên gia quân sự Vladimir Yevseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) nói:

Nhật Bản đang cố gắng phát triển tiềm lực quân sự của mình nhiều nhất có thể. Tokyo dần dần tạo ra một quân đội hiện đại, dù vẫn được gọi là Lực lượng Phòng vệ, nhưng, ngày càng chuyển thành lực lượng vũ trang đầy đủ giá trị. Rõ ràng, lực lượng này có mục đich đối phó với các đối thủ tiềm tàng, bao gồm cả Trung Quốc. Và các tên lửa hành trình mới có thể được sử dụng để tiêu diệt các tàu chiến của Hải quân CHND Trung Hoa. Hệ thống Aegis có thể hoạt động chống lại tên lửa tầm trung của Trung Quốc. Để vô hiệu hóa hoạt động có thể có của Trung Quốc trong không gian mạng, Nhật Bản thành lập một đơn vị đặc biệt để chống lại các mối đe dọa mạng. Tuy nhiên, nhìn chung, việc thành lập các đơn vị mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một xu hướng chung, chẳng hạn, Hoa Kỳ rất chú trọng đến các mối đe dọa mạng.

Đồng thời, chuyên gia Trung Quốc Liu Jiangyun cho rằng, cuộc đối thoại chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể giúp xoa dịu những mâu thuẫn để thoát khỏi những định kiến ​​về sự tồn tại của cuộc đối đầu quân sự không thể tránh khỏi:

Nhật Bản dự kiến ký thỏa thuận cung cấp công nghệ quốc phòng cho Việt Nam
“Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và muốn hợp tác với Trung Quốc. Đồng thời, trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản coi Trung Quốc là một quốc gia phải bị kiềm chế. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc và Nhật Bản có quan điểm khác nhau về chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngoài ra, Nhật Bản còn bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến lược của Mỹ trong việc phát triển lực lượng vũ trang. Người Nhật xuất phát từ ý nghĩ có gốc rễ sâu xa cho rằng các quốc đảo và các quốc gia trên lục địa không thể tránh khỏi đối đầu, vì vậy các quốc đảo cần phải đoàn kết lại với các cường quốc hàng hải để chống lại các cường quốc lục địa, bao gồm Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Nếu Nhật Bản tiếp tục tuân thủ địa chiến lược này, điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh mất sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực an ninh, đồng thời cung cấp thêm những luận cứ cho Nhật Bản để tăng cường sức mạnh quân sự trên biển và trên không. Trung Quốc và Nhật Bản cần phải tiến hành cuộc đối thoại chiến lược về vấn đề này để Tokyo nhận thức được rằng, các quốc đảo và quốc gia lục địa không phải là đối thủ trong thời đại toàn cầu hóa, để từng bước xoa dịu những mâu thuẫn, để Đông Á trở thành khu vực an ninh bền vững, và Biển Hoa Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác".
Nhật Bản khiến khu vực Đông Bắc Á buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng?

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), trong cuộc hội đàm theo hình thức trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản, đã phát biểu ủng hộ việc phát triển thái độ mang tính xây dựng trong lĩnh vực an ninh và đề nghị đẩy nhanh quá trình tạo ra cơ chế thông tin liên lạc trên biển và trên không. Về phần mình, ông Nobuo Kishi tuyên bố rằng, Nhật Bản sẵn sàng duy trì mối liên hệ với Trung Quốc về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, tăng cường quan hệ và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Rõ ràng, sự hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ giúp Trung Quốc và Nhật Bản củng cố sự tin cậy lẫn nhau để tránh những tình huống khi chi tiêu quân sự đang gia tăng của một bên gây ra hành động trả đũa của bên khác. Những tình huống như vậy cuối cùng làm tổn hại đến an ninh và sự ổn định trong toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.

Thảo luận