Việt Nam đuổi 2 tàu cá Trung Quốc cố tình áp sát giàn khai thác khí Thái Bình

Lực lượng chức năng của Việt Nam đã xua đuổi hai tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, cố tình áp sát, tiến đến giàn khí Thái Bình.
Sputnik

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình thông tin cho biết, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Thái Bình đã tiến hành xua đuổi hai tàu cá treo cờ Trung Quốc cố tình xâm phạm sâu vào chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Đuổi 2 tàu cá Trung Quốc áp sát gần giàn khí Thái Bình

Ngày 21/12, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Thái Bình vừa phát hiện và tiến hành xua đuổi 2 tàu cá cố tình xâm phạm sâu vào chủ quyền vùng biển Việt Nam, tiến đến sát giàn khí Thái Bình. Trên 2 tàu cá này có treo cờ Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc ép tàu cá Việt Nam va vào đá ngầm rồi bỏ đi: Ngư dân rớm nước mắt

Trước đó, sáng 21/12, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình nhận được tin báo của ngư dân về việc có 2 tàu cá treo cờ Trung Quốc xâm phạm sâu vào khu vực chủ quyền vùng biển Thái Bình-Việt Nam.

2 tàu này được phát hiện tại vị trí toạ độ 20 độ 19 phút 00 độ Vĩ Bắc-106 độ 51 phút độ Kinh Đông, cách cửa Ba Lạt khoảng 15 hải lý về hướng Đông Bắc.

Trước thông tin trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã khẩn trương báo cáo sự việc với Bộ Tư lệnh Biên phòng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình. Biên đội tàu của Hải đội 2 sau đó được điều động làm nhiệm vụ.

Đến 12h trưa ngày 21/12, Hải đội 2 phát hiện 2 tàu cá treo cờ Trung Quốc đang hoạt động cách giàn khí Thái Bình 2 km về phía Đông Nam. Hai tàu này có màu xanh trắng, dài khoảng 40m, rộng 8-10m dạng tàu giã cào.

Hải đội 2 đã phát loa cảnh cáo, xua đuổi 2 tàu cá treo cờ Trung Quốc trên. Các tàu này sau đó bỏ chạy khỏi vùng biển Việt Nam.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hàng chục tin báo của ngư dân về việc phát hiện tàu lạ, tàu cá nghi của nước ngoài. Đơn vị đều đã kịp thời xua đuổi các tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Như vụ việc xảy ra vào sáng ngày 25/8, khi Chi cục Thủy sản và Đồn Biên phòng Cửa Tùng đang thực hiện tuần tra chung trên biển, tàu kiểm ngư VN 0099KN nhận được tin báo của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ về một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt thủy sản trái phép tại vùng biển Quảng Trị, cách đảo Cồn Cỏ 7 hải lý về hướng Đông Nam.

Tàu cá Trung Quốc ùa xuống Biển Đông

Lập tức, tàu kiểm ngư VN 0099KN cơ động cùng lực lượng biên phòng Cồn Cỏ đã tiến hành truy đuổi. 14 giờ 30 phút cùng ngày, tàu kiểm ngư VN 0099KN đã tiếp cận được tàu cá Trung Quốc mang số hiệu Quỳnh Đam 05086. Trên tàu có 4 thuyền viên, thuyền trưởng là ông Lý Vũ Tài, trú tại đảo Hải Nam.

Cơ quan chức năng Việt Nam khi đó đã tiến hành kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính và đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 7/2020, thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Cục Kiểm ngư cho biết các chi đội kiểm ngư trên cả nước đã triển khai 44 lượt tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK1.

Cục Kiểm ngư cho hay, qua tuần tra kiểm soát, các tàu kiểm ngư đã phát hiện và xua đuổi 222 tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lực lượng kiểm ngư phối hợp với các đơn vị tiếp nhận, xử lý 103 vụ với 118 tàu có 613 người gặp tai nạn, sự cố khi hoạt động nghề cá trên biển, cứu thành công 44 tàu và 438 người.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông

Trước việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, vi phạm chủ quyền Việt Nam, hay việc chính quyền Bắc Kinh có nhiều hoạt động thăm dò, giám sát, ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng, khẳng định lập trường.

Quân sự hóa, đòi chủ quyền ở Biển Đông: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lên tiếng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng liên tiếp nhắc lại quan điểm rằng mọi hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.

Đồng thời, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ và chấm dứt các hành động có thể gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định hợp tác ở Biển Đông, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở trên Biển Đông (COC) và quan hệ hai nước.

Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thảo luận