Cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ sau Đại hội XIII

Việc đưa ra xét xử hay kỷ luật một số lượng lớn các quan chức cao cấp trong năm 2020 là mạnh chưa từng có. Nó diễn ra tích cực, ở quy mô lớn, càng ngày càng hiệu quả.
Sputnik

Trong năm 2020, nhiều cán bộ cấp cao của Việt Nam đã bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau: khai trừ Đảng, cảnh cáo, cách chức, khiển trách: 4 người bị khai trừ khỏi đảng, 5 người bị cảnh cáo, 2 người bị khiển trách. Trong số này, đặc biệt phải nói tới việc kỷ luật ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021; bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng và một số nhân vật tai tiếng khác.

Trong lịch sử ĐCS Việt Nam có phải năm 2020 là năm có nhiều kỷ luật cán bộ cao cấp nhất? Việc thi hành kỷ luật những cán bộ cấp cao như thế đã diễn ra như thế nào trong quá khứ? Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước diễn ra đã thực sự nghiêm minh? Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu vấn đề này.

Những cán bộ cấp cao đã bị thi hành kỷ luật trong lịch sử ĐCS Việt Nam

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, từng có một số cán bộ cấp cao đã bị thi hành kỷ luật vì nhiều lý do khác nhau. Sau đây là một số trường hợp điển hình:

  •  Tháng 7-1979, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định khai trừ khỏi Đảng ông Hoàng Văn Hoan, cựu Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II và III, cựu Phó Chủ tịch Quốc hội các khóa II, III, IV, V, VI. Trước đó, ngày 11-6-1979, ông Hoàng Văn Hoan được Đảng và Nhà nước cho đi Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh. Nhưng khi máy bay dừng lại ở sân bay Karachi (Pakistan) để tiếp nhiên liệu, ông Hoàng Văn Hoan đã bỏ trốn sang Trung Quốc và có một loạt hành động tuyên truyền bịa đặt, xuyên tạc chống Việt Nam, bôi nhọ Tổ quốc và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau đó, ông Hoàng Văn Hoan đã bị Tòa án Nhân dân tối cao kết án tử hình vắng mặt và phải sống lưu vong tại Trung Quốc cho đến hết đời.
  • Tại Hội nghị TW 8, khóa VI họp tháng 3-1990, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất thi hành kỷ luật Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị (1986-1990), Bí thư Trung ương Đảng (1982-1990), Trưởng ban Tư tưởng văn hóa TW (1988-1990). Trần Xuân Bách đã mắc sai lầm đi theo chủ nghĩa đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Hình thức kỷ luật là cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng.
  • Ngày 17-4-1996, BCH TW Đảng khóa VII đã biểu quyết khai trừ khỏi đảng đối với ông Nguyễn Hà Phan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Ông Nguyễn Hà Phan (tên thật là Phạm Văn Khoa) bị phát hiện đã có hành động chiêu hồi khi bị Mỹ-ngụy bắt giam và có nhiều lời khai gây tổn hại rất nghiêm trọng cho các tổ chức Đảng và Đảng viên tại khu vực miền Tây Nam Bộ khiến nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, nhiều Đảng viên bị địch bắt tù đày và thủ tiêu.
  • Ngày 4-1-1999, Trung tướng Trần Độ, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất khai trừ khỏi Đảng vì đã có những bài viết đòi đa nguyên đa đảng, áp dụng mô hình chính trị phương Tây, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài viết này bị đánh giá là vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng.
  • Trong vụ án Trương Văn Cam (tức Năm Cam) còn gọi là Chuyên án Z5.01, ông Bùi Quốc Huy (Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an) đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xử phạt 4 năm tù giam, bị khai trừ khỏi Đảng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
  • Ông Trần Mai Hạnh, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VIII, IX), nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam có hành vi nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam và bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 9 năm tù.

Những hình thức kỷ luật trong năm 2020 đã thực sự đủ nghiêm minh?

Những hình thức kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhiều cán bộ cao cấp trước đây và hiện nay cũng như những hình thức xử lý hình sự và hành chính đối với một số cán bộ kể trên là minh chứng rõ ràng rằng từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi tham nhũng là nguy cơ cho sự tồn tại của Đảng, sự tồn vong của dân tộc.

“Quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng, chống suy thoái về tư tưởng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về chính trị và nói chung là chống diễn biến hòa bình dưới mọi hình thức không phải đến nhiệm kỳ XII mới có mà trong suốt thời gian cầm quyền lãnh đạo, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tỏ rõ quyết tâm ấy bằng lời nói và việc làm”, - Nhà phân tích nổi tiếng Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
“Những hình thức kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự đều rất xác đáng, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Cuộc điều tra của Cơ quan nghiên cứu xã hội học thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy có trên 93% dân chúng Việt Nam ủng hộ quyết tâm chống tham nhũng, chống suy thoái, biến chất của Đảng và Nhà nước Việt Nam”, - Chuyên gia về đối ngoại và đối nội của Việt Nam Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

Hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng
Không ai phủ nhận những cố gắng tích cực của ĐCS Việt Nam trong cuộc chiến làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước, nhưng cũng không ít người cho rằng hình thức kỷ luật cần phải nghiêm minh hơn nữa.

“Việc đưa ra xét xử hay kỷ luật một số lượng lớn các quan chức cao cấp trong năm 2019-2020 là mạnh chưa từng có, nó diễn ra tích cực, ở quy mô lớn, càng ngày càng hiệu quả. Nhưng còn tồn tại nhiều thách thức. Trong dân có nghi ngờ rằng các công ty lớn và các nhóm lợi ích đang thao túng các chính sách và quyết định của Nhà nước. Đây là một điều thực sự đáng lo ngại. Về hình thức kỷ luật, tôi thấy rằng, một số vụ cần có kỷ luật nghiêm khắc hơn”, - PGS-TS Hoàng Giang nêu quan điểm của mình với Sputnik.

Cuộc chiến chống tham nhũng và làm trong sạch đảng vẫn tiếp tục mạnh mẽ

Tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 8 năm (2013-2020) của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, công cuộc chống tham nhũng, chống suy thoái, chống diễn biến hòa bình vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chống tham nhũng là mục tiêu nhiệm vụ chiến lược, lâu dài vừa có tính cấp thiết, phải làm thường xuyên liên tục.

“Tôi muốn nhấn mạnh những điểm đặc sắc nhất trong bài phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là:

- Giáo dục, rèn luyện cán bộ thật tốt để cán bộ thấy rằng tham nhũng là việc làm đáng hổ thẹn; việc nhận những đồng tiền, những quà biếu có tính chất hối lộ là nhục nhã, là bán mình cho quỷ dữ, gây ảnh hưởng tới Đảng, Nhà nước, đơn vị mình, gia đình mình, đồng chí của mình. Từ đó mà họ KHÔNG MUỐN THAM NHŨNG!

- Thiết lập cơ chế quản lý, hành lang pháp lý, bịt chặt mọi kẽ hở, sớm phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống để dù ai đó có muốn cũng KHÔNG THỂ THAM NHŨNG !

- Dù rất đau đớn, rất xót xa những vẫn phải phát hiện sớm, xử ý nghiêm minh, trừng phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật có dấu hiệu hoặc có liên quan đến tham nhũng để cho ai đó dù muốn tham nhũng cũng KHÔNG DÁM THAM NHŨNG !

- Thiết lập cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ công chức để họ có đủ cuộc sống no đủ, có khả năng chăm sóc tốt cho gia đình họ… từ đó mà họ nhận thấy KHÔNG CẦN THAM NHŨNG !”,- Chuyên gia về đối ngoại và đối nội của Việt Nam Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

"Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm", - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 hôm 12/12 tại Hà Nội.

Đọc thêm:

Thảo luận