Năm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong năm 2021

Năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước. Do đó, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Sputnik

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội; doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016-2020), bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố khó khăn và thuận lợi đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, tác động sâu rộng đến sự phát triển của các quốc gia. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới cục diện kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực.

Họp báo thông tin về Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ

Tuy nhiên, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%.

Năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước. Do đó, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.

Theo đó, các đơn vị của Bộ tập trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh, hạn chế giấy tờ, không để mất thời gian bằng xin ý kiến qua văn bản kéo dài nhiều lần.

Đặc biệt, các đơn vị trong toàn ngành cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII sắp tới đây. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để thực hiện thực chất, có hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm tới đây trên tinh thần quyết tâm cao hơn.

Năm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong năm 2021

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các đơn vị phải lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương.

Ngành cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tăng cường phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng đến phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm thứ hai liên tiếp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD

Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.

Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, GDP tăng hơn 300% nhờ WTO và FTA

Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn của ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời dưới tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân.

Công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Thảo luận