Quảng Bình: Phá chuyên án tín dụng đen cho vay với lãi suất lên đến 365%/năm

Từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã cho khoảng 200 người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay với số tiền trên 1 tỷ đồng, với lãi suất từ 250% đên 365%/năm.
Sputnik

Đồng loạt khám xét 10 điểm tín dụng đen ở Quảng Bình

Ngày 9/1, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đơn vị vừa đấu tranh thành công chuyên án tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

Đường dây tín dụng đen cho vay với lãi suất 700%/năm

Theo đó, 13 đối tượng liên quan được triệu tập đến cơ quan Công an để đấu tranh, làm rõ hành vi cho vay với lãi suất từ 250% đến 365%/năm. Đây là chuyên án được lực lượng Công an Quảng Bình xác lập để đấu tranh với nhóm đối tượng ngoại tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội đến địa bàn Quảng Bình để thực hiện việc cho vay lãi nặng.

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, phương thức hoạt động, theo dõi di biến động của các đối tượng, Ban Chuyên án quyết định phá án.

Cụ thể, rạng sáng 8/1, dưới sự chủ trì của Phòng Cảnh sát hình sự cùng trên 100 cán bộ, chiến sĩ của các phòng nghiệp vụ liên quan đã chia thành 10 tổ công tác đồng loạt kiểm tra hành chính, khám xét khẩn cấp 10 điểm, là nơi ở của các đối tượng cho vay lãi nặng, tại các địa bàn thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn.

Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 1 máy tính xách tay, 21 điện thoại di động, 3 sổ ghi chép, 9 thẻ ATM, hơn 60 triệu tiền mặt và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của các đối tượng như sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe.

Công an điều tra đường dây lãi suất 1.600% mỗi năm do người Trung Quốc tổ chức

Bước đầu, các đối tượng khai nhận, từ năm 2019 đến nay đã cho khoảng 200 người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay với số tiền trên 1 tỷ đồng, với lãi suất từ 250% đến 365%/năm. Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Được biết, trước đó, Công an Quảng Bình cũng đã đấu tranh thành công 3 chuyên án liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, gần 100 đối tượng trong và ngoài tỉnh đã được triệu tập để đấu tranh, 18 đối tượng đã bị khởi tố về tội cho vay lãi nặng.

Mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với tín dụng đen

Để ngăn chặn những biến tướng phức tạp của các tổ chức tín dụng đen, tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội”.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp phòng, chống có hiệu quả hoạt động tín dụng đen đã được các đại biểu nêu ra như: NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

“Không chỉ tín dụng đen, ngân hàng cũng có lúc cho vay với lãi suất cao”

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp; tích cực chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người dân và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.

Ngoài ra, cần phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; thực hiện tốt kế hoạch tổng điều tra cơ bản toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ.

Công an các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước góp phần ngăn chặn hoạt động tín dụng đen.

Thảo luận