Binh sĩ này đã được trao trả về Trung Quốc tại làng Chushul-Moldo (Ladakh, Ấn Độ). Anh ta đã lạc đường trong bóng tối trên địa hình hiểm trở vào sáng sớm thứ Sáu tuần trước. Ngày hôm sau, Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ nhanh chóng trao trả binh sĩ trên. Phía Trung Quốc cho biết đã thông báo vụ việc cho chính quyền Ấn Độ. Theo các nguồn tin Ấn Độ, binh sĩ này đã bị quân đội Ấn Độ bắt tại khu vực phía nam hồ Pangong Tso, tức phía tây vùng Ladakh, gần biên giới với Tây Tạng của Trung Quốc.
Tờ Global Times của Trung Quốc coi việc trao trả binh sĩ Trung Quốc trong vòng 4 ngày là biểu hiện thiện chí của phía Ấn Độ trong việc giảm leo thang căng thẳng ở biên giới.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Viện kinh tế quốc tế và quan hệ đối ngoại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (IMEMO RAS) Alexei Kupriyanov nhận xét rằng, lần này cơ chế hiện có để điều chỉnh tình hình trên biên giới cũng giúp giải quyết vấn đề:
"Tại khu vực biên giới thường xảy ra những sự cố như vậy - người Trung Quốc đi lạc sang phía Ấn Độ, người Ấn Độ đi lạc sang phía Trung Quốc do trời tối và địa hình phức tạp, đặc biệt là vào mùa đông. Cách giải quyết những tình huống như vậy được quy định bởi các hiệp định và nghị định thư song phương. Đây là một thủ tục trao đổi người theo tiêu chuẩn. Trường hợp này cho thấy rằng, bất chấp tất cả các vấn đề trên biên giới, phía Ấn Độ vẫn thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận hiện có. Tức là, trên thực tế, tất cả các cơ chế vẫn đang hoạt động. Ấn Độ cho thấy rằng, theo quan điểm của họ, các cơ chế vẫn đang hoạt động và họ khá hài lòng với các cơ chế này. Và trong tương lai phía Ấn Độ sẽ duy trì liên lạc thông qua các cơ chế hiện có".
Trong mấy tháng gần đây đã xảy ra hai sự cố như vậy. Vào ngày 18 tháng 10 năm ngoái, một binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua biên giới gần Demchok ở khu vực Ladakh, khi giúp một người địa phương tìm kiếm con yak bị mất. Anh ta đã được trao trả vào ngày 21 tháng 10 sau khi Trung Quốc kêu gọi giúp tìm kiếm binh sĩ đi lạc.
Vào ngày phía Ấn Độ trao trả binh sĩ Trung Quốc, tờ Hindustan Times dẫn các nguồn ẩn danh từ quân đội Ấn Độ đưa tin rằng, quân đội Trung Quốc được cho là đã rút ít nhất 10.000 quân nhân khỏi khu vực Ladakh trong vòng 7-10 ngày. Có ý kiến cho rằng, việc rút quân có thể liên quan đến điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên dãy Himalaya.
Theo hãng tin Ấn Độ OneIndia, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat và Tư lệnh Không quân Ấn Độ RKS Bhadauria đã đến Ladakh hôm thứ Hai để xem xét tình hình hiện tại. Đặc biệt, Tư lệnh Không quân đã trao đổi với các chỉ huy và được thông báo về tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị được triển khai cả ở căn cứ không quân và tiền phương. Tờ báo trích dẫn các nguồn tin cũng lưu ý rằng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Chuyên gia Alexei Kupriyanov cho rằng, đây là chuyến thị sát theo kế hoạch của các nhà lãnh đạo quân sự Ấn Độ, không liên quan trực tiếp đến tình hình có thể xấu đi ở biên giới:
"Đây là một chuyến thị sát thường lệ để kiểm tra các nơi đóng quân, đây là trách nhiệm của lãnh đạo quân sự. Không ai có thể dự đoán một cuộc đối đầu ở Ladakh vào mùa xuân năm ngoái, vì vậy phía Ấn Độ phải nhanh chóng chuẩn bị cho mùa đông, chọn vị trí. Bây giờ các nhà lãnh đạo quân sự phải kiểm tra xem mọi thứ đã được thực hiện đúng hay chưa, tất nhiên có tính đến thực tế rằng Ladakh vẫn là điểm nóng nhất trên biên giới".
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ dẫn tới một giải pháp mang tính hòa giải cho cuộc khủng hoảng biên giới giữa hai nước ở dãy Himalaya. Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 1, tướng Manoj Mukund Naravane đã tuyên bố: “Nếu các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, thì hãy cứ như vậy”, ông cũng cho biết hai bên sẽ sớm tiến tới vòng đàm phán tiếp theo.