Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi đầu cuộc sống mới

Sự kiện diễn ra ngày 10 tháng 1 tại nhà máy thủy điện Hòa Bình với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý không chỉ ở Việt Nam mà còn của nhiều người Nga có liên quan trực tiếp đến chủ thể độc đáo này.
Sputnik

Đã bắt đầu thực thi dự án hiện đại hóa và nâng công suất của nhà máy thủy điện, suốt thời gian dài là cơ sở sản xuất điện lớn nhất của nước Cộng hòa, tạo ra tới 80% điện năng cần thiết cho đất nước.

Cùng ôn lại lịch sử vẻ vang của công trình xây dựng nhà máy

Ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước đã bộc lộ rõ tình trạng thiếu điện ngày càng gay gắt. Đến đầu những năm 70, ngay cả thuỷ điện Thác Bà là nhà máy lớn nhất ở miền Bắc cũng chỉ có  công suất 108 megawatt. Được đưa vào vận hành với sự trợ giúp của Liên Xô trong năm 1971, hai năm sau cơ sở này bị bom Mỹ phá hủy. Quá trình khôi phục mất nhiều thời gian hơn là xây mới.

Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Cùng lúc với mốc bắt đầu xây dựng nhà máy Thác Bà, năm 1970 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công văn cho ban lãnh đạo Liên Xô đề nghị xem xét giúp đỡ xây dựng một nhà máy thủy điện với quy mô lớn hơn, và địa điểm là trên sông Đà, còn có tên gọi là dòng sông Đen. Ngày 22 tháng 10 cùng năm ấy, thỏa thuận liên Chính phủ được ký kết để bắt đầu công tác thiết kế chung. Sau đó, các tổ chức ngoại thương của Liên Xô và Việt Nam đã ký loạt hợp đồng quy nhận sự hỗ trợ đầy đủ toàn phần của Liên Xô để xây dựng công trình đầu mối thuỷ điện. Tương ứng với đề án, công suất của trạm điện tương lai được xác định là 1.920 megawatt. Sản lượng điện hàng năm ước tính đạt 8,4 tỷ kilowatt giờ. Ngày 6 tháng 11 năm 1979, bắt đầu xây dựng những cấu trúc cơ bản của công trình thuỷ điện.

Khối lượng công việc mà tập thể bốn vạn chuyên viên xây dựng Việt-Xô cần thực thi thật sự khổng lồ. Bởi sông Đà chảy xiết theo hẻm núi hẹp, mang lượng nước nhiều ngang với dòng sông Yenisei mênh mông ở vùng Siberia rộng lớn của Nga. Nhiều Bộ ngành, Viện nghiên cứu và Phòng thiết kế uy tín của Liên Xô được huy động tham gia vào công việc này. Hơn 200 doanh nghiệp lớn của Liên Xô đảm trách cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng-công nghệ. Suốt thời gian xây dựng, đội ngũ chuyên gia Liên Xô đã chuyên cần làm việc trên các hướng chính của công trình. Có những năm mà công việc xây dựng và lắp đặt mở ra phạm vi tối đa, số lượng chuyên gia Xô-viết lên tới 900 người.

Trên công trường, ngoài các kỹ sư, kỹ thuật viên và người điều khiển các phương tiện hạng nặng, cần phải có hơn 100 thợ chuyên ngành. Việc đào tạo họ được tổ chức ngay tại chỗ, trực tiếp ở nơi làm việc, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Có những con số là minh chứng cho chất lượng đào tạo của những người thợ xây dựng Việt Nam:

Từ số công nhân lành nghề, khoảng 800 người trở thành lãnh đạo đội, 340 người là quản đốc và đốc công, 100 người thành Giám đốc và phó Giám đốc các cơ sở ủy thác xây dựng.

Đội ngũ chuyên viên xây dựng thuỷ điện chiến thắng thiên tai

Bốn năm hai tháng sau khi bắt đầu công việc cơ bản, vào tháng 1 năm 1983, sông Đà bất kham đã bị chặn. Chỉ riêng khâu đóng chặn đã kéo dài 50 giờ liền. Những chiếc xe tải tự trút khổng lồ mác «BelAZ» ném những khối bê tông nặng 7 tấn xuống nước để chặn dòng chảy xiết của con sông và dẫn luồng nước của nó vào con kênh nhân tạo do bàn tay và thiết bị của các chuyên viên xây dựng khơi nên. Và dòng sông tưởng chừng bất trị đã chịu khuất phục bình yên chảy theo kênh nhân tạo tạm thời, mở đầu cho công trình xây dựng con đập.

Chiến thắng ngăn sông trở thành ngày hội chung của các chuyên gia Liên Xô và đội ngũ xây dựng Việt Nam, cả dân sự cũng như quân nhân thuộc Sư đoàn 565 QĐND Việt Nam. Hồi tưởng lại thời điểm lịch sử đó, ông Pavel Bogachenko, Tổng chuyên viên Liên Xô trên công trường Hòa Bình đã phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva, nay là Sputnik: 

«Chúng tôi đã thiết lập sự hiểu biết cảm thông sâu sắc với nhau. Chúng tôi chưa bao giờ phân tách công việc theo nguyên tắc «của chúng tôi - của các bạn». Mọi thứ đều được chung tay thực hiện cùng nhau. Tất cả điều đó có tác dụng hữu ích trong công tác, đặc biệt là khi xảy ra những tình huống gay cấn bất ngờ».  
Chuyên gia đánh giá tác động lũ lụt với nhà máy thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới

Một trong những sự cố đặt công trình trước nguy cơ nghiêm trọng đã xảy ra vào tháng 1 năm 1985. Có chuyện gì vậy?

Khi dòng chảy tự nhiên của sông Đà bị chặn lại, nước sông được nắn đưa vào lòng kênh nhân tạo được đào đặc biệt để trong lòng hồ chứa có thể thực hiện những công việc xây dựng cơ bản dành cho nhà máy thủy điện tương lai. Ở thượng lưu và hạ lưu của kênh đều có đê quai. Công việc trên công trường diễn ra đúng tiến độ, trong hai năm liền không có trục trặc và sự cố. Tuy nhiên, vào đầu năm 1985, những trận mưa lớn chưa từng thấy trước đây dội xuống vùng núi cách công trường hàng trăm km bây giờ dồn lại nâng mực nước sông Đà lên cao đến độ khủng hoảng. Nước đe dọa phá hủy đê bao ngăn cách với kênh và nhấn chìm ngập hố móng. Mọi thứ được tạo ra trong sáu năm bởi công sức và kỹ thuật của hàng chục nghìn người đang bị đe dọa. Chưa kể đến toàn bộ máy móc thiết bị mà Liên Xô cung cấp cho trạm thủy điện tương lai sẽ bị hủy hoại.

Khi đó, ông Ngô Xuân Lộc, nhà lãnh đạo từ phía Việt Nam từng tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, và trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Pavel Bogachenko thông qua quyết định sơ tán tất cả số công nhân từ hồ móng và đường hầm. Toàn bộ xe tải trút của công trình được điều ra «điểm nóng» là vùng đê quai để củng cố và nối dài đê ngăn nước.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi đầu cuộc sống mới

Nước tiếp tục dâng cao. Chỉ còn khoảng nửa mét thì đê quai sẽ ngập. Nhưng, mọi người đều quyết tâm mở chiến dịch phản công: trong nguy cơ dễ rơi xuống nước và mực nước luôn ngập đến nửa bánh xe, những chiếc xe ben tiếp tục chở đá hộc khẩn cấp lao tới. Ông Ngô Xuân Lộc và ông Pavel Bogachenko trực tiếp chỉ đạo dòng xe ra vào, hai vị chỉ huy này đứng ở ngay vị trí nguy hiểm nhất.  Cuộc đấu trí đấu lực gay cấn với thiên tai kéo dài ròng rã hai ngày đêm. Vào giờ phút nguy nan nhất chỉ còn khoảng 20 cm là đê quai sẽ chìm trong nước dữ. Rồi mực nước trên sông bắt đầu giảm. Con người đã chiến thắng thiên tai.

Ánh sáng điện Hòa Bình cho Việt Nam

Đội ngũ 40 nghìn chuyên viên xây dựng đã không buộc phải đợi lâu để đón nhận những thành công mới. Tháng 1 năm 1986, đã hoàn thành việc nắn dòng nhân tạo và bắt đầu tích nước sông vào hồ chứa. Toàn bộ công trình thủy điện đã vượt qua một thử thách nghiêm trọng vào tháng 7 năm đó, khi lũ trên sông Đà dâng tới mức nước tối đa với lưu lượng dòng chảy là 13,5 nghìn mét khối/giây, tức là 13.500 tấn/giây. Đến giữa năm 87, ngoại trừ tổ hợp ngầm, các công trình cơ bản của nhà máy thủy điện đều đã sẵn sàng chịu áp lực của nước.

Thừa Thiên – Huế: Tạm ngừng thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3

Và sau đó, bên trong ngọn núi bên trái bờ đập, các chuyên viên xây dựng hệ thống tàu điện ngầm lừng danh ở Matxcơva đã cắt xong cửa thoát đưa dòng nước vào tuabin thủy lực cũng như mở đường và thi công buồng máy. Kích thước buồng máy thực sự đáng kinh ngạc: chiều dài là ¼ km, chiều rộng  20 mét và chiều cao 55 mét. Bên trong buồng máy  có 8 động cơ tuabin với tổng công suất 1.920 megawatt. Sâu xuống thêm hàng chục mét là khoang mặt bằng dành cho các tuabin, trạm biến áp và các thiết bị phụ trợ. Toàn bộ tổ máy được khoét trong những vách đá cứng rắn nhất.

Cuối năm 1988, tổ máy thứ nhất của trạm thuỷ điện được đưa vào khai thác công nghiệp. Cơ sở thuỷ điện Hoà Bình khổng lồ được đưa vào vận hành toàn bộ vào tháng 12 năm 1994, là nhà máy điện lớn nhất hoạt động tại Việt Nam vào thời điểm đó, tạo ra khoảng 80% tổng lượng điện sản xuất trong nước. Và hiện tại, tính đến các nhà máy điện lớn mới được xây dựng tại Việt Nam, trong đó có những cơ sở với sự tham gia của phía Nga, thì nhà máy thuỷ điện Hòa Bình vẫn đóng góp tới 27% sản lượng điện của toàn nước Cộng hòa.

Điển hình về tình anh em của đội ngũ lao động Việt-Nga, nền tảng cho cuộc sống mới của nhà máy thủy điện

Công trình xây dựng tổ hợp thủy điện được xúc tiến trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Khi thực hiện công tác bạt núi và nổ mìn, 168 công nhân xây dựng đã thiệt mạng, trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô. Một tượng đài được dựng lên để vinh danh nhắc nhở chiến công lao động của họ. Có nghĩa là, số chuyên gia xây dựng Xô-viết ngã xuống trên công trường sông Đà chỉ ít hơn một chút so với số chuyên gia quân sự Liên Xô hy sinh khi hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sông Đà suýt phá vỡ nhà máy thủy điện Hòa Bình như thế nào

Hàng trăm chuyên gia Liên Xô tham gia xây dựng tổ hợp thủy điện Hòa Bình đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng những phần thưởng sáng giá. Tổng chuyên gia Liên Xô tại công trường, ông Pavel Bogachenko được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.

Tổ hợp thủy điện Hòa Bình, công trình cho đến nay vẫn có tầm quan trọng to lớn đối với Việt Nam, xứng đáng được coi là điển hình nổi bật rực rỡ về tình anh em lao động của người Việt Nam và người Nga. Thủ tướng CHXHCN Việt Nam cũng đã nói về điều này trong bài phát biểu tại nghi lễ ngày 10 tháng 1 nhân khởi công nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, được đánh giá là công trình cấp đặc biệt xây dựng trên dòng chính sông Đà.

Quy hoạch được Chính phủ CHXHCN Việt Nam phê duyệt với Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình là lắp đặt và đưa vào vận hành công nghiệp hai tổ máy điện mới với công suất mỗi tổ máy là 240 megawatt, công trình có tổng mức đầu tư 9.220 tỉ VND. Sau khi hoàn thành, tổng công suất toàn thể nhà máy sẽ đạt 2.400 megawatt / năm.

Trên nền tảng căn bản là tổ hợp thuỷ điện Hoà Bình do Liên Xô giúp xây dựng, nhà máy thuỷ điện Hòa Bình sẽ được mở rộng để bước vào cuộc sống mới, hướng tới mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Đà, khai thác tối đa lượng nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu, tăng độ an toàn và tăng công suất ổn định và hiệu quả vận hành cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm tỉ trọng rất cao trong hệ thống điện của Việt Nam.

Thảo luận