Lúc 6h sáng ngày 12/01, nhiệt độ tại vùng núi Tây Bắc tiếp tục giảm sâu khi Sa Pa ghi nhận mức nhiệt -1,6 độ C, thấp nhất từ đầu mùa đến giờ và thấp hơn gần 1 độ C so với sáng 11/01. Với mức nhiệt này, khu vực nhiều khả năng xuất hiện tuyết dày hơn so với hôm qua. Cùng thời điểm, nhiệt độ ghi nhận ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 0,8 độ C, khu vực tăng nhiệt đáng kể so với ngày đầu tiên hứng chịu không khí lạnh. Một số vùng núi khác cũng có nhiệt độ ở mức rất thấp gồm: Pha Đin (Điện Biên) -0,4 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 5,1 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 3,6 độ C...
Các địa phương bắt đầu triển khai các giải pháp "chống rét" cho cây và vật nuôi
Trước đó vào chiều tối 11/01, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai báo cáo tình hình rét đậm, rét hại trên địa bàn.
Thống kê ban đầu, băng tuyết ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc của người dân miền núi và chỉ riêng tại Lào Cai, hơn 34 con trâu chết do giá rét. Trên toàn tỉnh Lào Cai do rét đậm, rét hại ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 450 triệu đồng.
Không những thế băng giá, tuyết dày đặc kèm nhiệt độ liên tục xuống thấp cũng khiến các tỉnh miền núi Bắc Bộ thiệt hại nặng nề. Ví dụ tại Thanh Hóa từ ngày 9/1 đến 13/1, nhiệt độ trung bình dao động từ 12-14 độ C, thấp nhất xuống 6-8 độ C, vùng núi cao có nơi xuống dưới 6 độ C.
Người nông dân đang dùng nhiều biện pháp để chống rét cho vật nuôi, cây trồng như dùng chăn để đắp cho trâu, bò hay đốt mùn cưa để sưởi ấm cho đàn gà của mình. Ở các cánh đồng, nông dân Thanh Hóa cũng phải dùng nhiều cách để chống rét cho hoa màu, giữ nhịp sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho Tết Nguyên đán 2021.