Nghệ nhân Phan Thị Thuận và duyên với sợi tơ sen

HÀ NỘI (Sputnik) – Nhắc đến lụa chúng ta nghĩ ngay đến sản phẩm được làm ra từ tơ tằm, nhưng có một sản phẩm rất độc đáo và giá trị, đó chính là lụa tơ sen.
Sputnik

Những cọng sen vô tri ấy dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã trở nên vô cùng giá trị. Và người nghệ nhân mà chúng tôi muốn nhắc tới, đó chính là nghệ nhân Phan Thị Thuận tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong căn nhà 3 gian hơn 100m2, tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, cách 40km về phía Nam HN, rộn ràng tiếng máy dệt như được ướp hương mùa hạ bởi hàng trăm cuống sen tươi nằm trong bể rửa ở gian trong, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, vừa đi từng bàn, vừa chỉ cho từng học viên nhỏ tuổi đang chăm chú bẻ từng cuống sen, rút tơ, xe sợi.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận và duyên với sợi tơ sen
“Học việc là cô cũng cho các cháu tiền học. Có các cháu làm được, có cháu không làm được thì sau 3 ngày học, cô vẫn cấp cho các cháu tiền học là 50 nghìn/ngày. Chi phí mình bỏ ra nhiều vậy nhưng không bao giờ cô tiếc. Dạy các cháu về sau giữ nghề. Mọi người tới đây mua khăn tơ sen, cứ tặng cô thêm. Ví dụ, một khăn tơ sen có giá 300$ nhưng mọi người quý lại trả thành 500$, khoảng 10 triệu. Tiền dư đó cô lại cho vào quỹ để dạy các cháu làm tơ sen.”
Nghệ nhân Phan Thị Thuận và duyên với sợi tơ sen

Trong tâm sự của phụ nữ bé nhỏ chất phác với mái tóc hoa râm của tuổi gần 70 ấy chứa đựng cả một kho báu về ý chí và sự sáng tạo không ngừng về nghề dệt. Không chỉ là người biến “con tằm thành thợ dệt chăn bông”, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn là người đầu tiên tại VN sáng tạo ra kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen. Bà nổi tiếng với chiếc khăn dài 1,7m, cần tới 4800 cuống sen, dệt trong thời gian hơn 1 tháng. Độc đáo là vậy, nhưng để lấy được sợi tơ sen không hề dễ dàng. Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết:

“Điều đầu tiên là làm thế nào cắt chỉ đúng lớp vỏ bên ngoài thôi. Vì tất cả sợi tơ nằm ở trong này, sau đó phải xe đều tay như thế này để sợi đều và săn. Sau khi lấy được tơ phải cho vào máy xe, rồi khẩn trương hong cho khô ngay. Không được để ướt, ướt lâu là nó sẽ đứt. Khi tơ sen khô thì mình cho vào mắc cửi dệt. Khung dệt cũng phải làm riêng vì tơ sen nó mềm, dễ đứt hơn tơ tằm. Khi nhuộm thì tơ sen ăn màu hơn tơ tằm.”

Người may Áo dài Trạch Xá giữa đất Hà Thành
Theo bà Thuận, vải dệt bằng sợi tơ sen nhìn hơi giống vải đũi, mặc mát, không những thế lại còn có mùi hương rất dễ chịu. Vải dệt bằng tơ sen hoàn toàn nguyên chất, không pha bất cứ một loại sợi nào như tơ tằm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống nuôi tằm dệt lụa, trải qua bao nhiêu thăng trầm, thậm chí đã có lúc bà Thuận phải đi xin từng lá dâu bờ rào để giữ nghề tổ tiên. Bà Thuận là một trong số ít những nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở làng Phùng Xá. Lý do khiến bà Thuận đến với tơ sen thật thú vị.

“Đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh có tặng cô một cái cốc có hình bản đồ VN chữ S. Và rồi cô suy nghĩ, đất nước VN có rất nhiều người nông dân có thể sáng tạo làm được việc, có thu nhập ở tại nơi người ta sống. Chị ấy có gợi ý với cô làm tơ sen. Cô làm thử và thành công, lúc đấy cô mới nhận lời của chị Quốc Khánh tham gia Đề tài độc lập cấp quốc gia làm lụa từ tơ sen. Cô đi tham quan Myanmar, Campuchia thì thấy là VN có khả năng phát triển mạnh tơ sen. Đi về cô nghiên cứu, xây dựng mô hình, dạy nghề và truyền nghề cho các cháu trong làng.”

Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết, không chỉ là một loại vải có chất liệu độc đáo, làm tơ sen còn là cách bảo vệ môi trường.  Mỗi cuống sen sau khi lấy tơ, hiện đang được nghiên cứu để làm thuốc, cả cây sen không bỏ đi cái gì. Sự tìm tòi sáng tạo và tâm huyết với nghề khiến ngay cả những vị khách đến từ phương xa phải ngạc nhiên. Chị Maral, một khách hàng đến từ Turmenistan, chia sẻ:

“Đất nước tôi cũng nổi tiếng về lụa nhưng lụa của chúng tôi lấy từ con tằm. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt quy trình lấy sợi từ sen để dệt thành vải. Biết được bà Thuận là người đầu tiên và duy nhất tại VN dệt lụa từ tơ sen, tôi vinh dự lắm. Tôi phải ngả mũ vì sự sáng tạo của bà mặc dù bà đã gần 70 tuổi. Thật sự thán phục.”
Nghệ nhân Phan Thị Thuận và duyên với sợi tơ sen

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là thế hệ thứ ba trong gia đình nối nghiệp “xe tơ, dệt lụa”. Không dừng lại ở đó bà Thuận cho biết, sẽ nỗ lực hết mình để việc sản xuất sợi sen từ cuống sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của ngành nghề sợi tơ sen, mang lại thương hiệu lụa không chỉ cho huyện Mỹ Đức mà còn là của đất nước VN.

Thảo luận