Bí thư Hà Nội chia sẻ về một năm đầy biến động của thành phố

Năm 2020, ngoài việc ngăn đại dịch Covid-19 lây lan, Hà nội còn đối mặt với nhiều biến động như thay đổi bộ phận nhân sự cấp cao và hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc cần giải quyết.
Sputnik

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa qua đã trao đổi với báo chí về những kết quả của năm 2020 và định hướng phát triển thành phố trong nhiệm kỳ mới.

Theo đó, khi nhắc đến chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác”, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng đây vừa là áp lực đồng thời là động lực rất lớn với thành phố.

Tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn khiêm tốn

Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội cho biết, trước đây nếu như Hà Nội có địa giới hành chính khá khiêm tốn thì sau khi thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập, đã mở ra một không gian rất lơn để phát triển.

Hà Nội: Những quận, huyện đạt xuất sắc về an toàn thực phẩm năm 2020
Cụ thể, Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước, dân số là 8,3 triệu người và trung bình mỗi năm tăng khoảng 160.000 người. Đây là số dân bằng dân số bình quân của một huyện và nếu tính cả số người tạm trú, người lao động sinh sống trên địa bàn và các tổ chức quốc tế thì Hà Nội có hơn 11 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, nhiều nhu cầu để phát triển.

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Không những thế, 2 trong 5 khu công nghiệp công nghệ cao của cả nước cũng thuộc khu vực Hà Nội.

Tuy Hà Nội là thủ đô nhưng tỷ lệ đô thị hoá còn khá khiêm tốn, mới chỉ gần 50%. Đối mặt với thực trạng này, ông Vương Đình Huệ cho biết nếu biết tận dụng thời cơ, thì sẽ khai thác được dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới.

Hướng giải quyết các vấn để nổi cộm

Bí thư cũng chia sẻ hiện tại thành phố đang có 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có các vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị...

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ không muốn thấy một Đồng Tâm thứ hai

Để giải quyết triệt để những vấn đề trên, trong năm 2020, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 bộ, ngành làm việc, cùng chung tay xử lý. Ngoài ra, đóng góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới. Ví dụ cụ thể, như các vấn đề dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sai phạm nhà 8B Lê Trực treo lại trong 5 năm qua nhưng tới nay đã kết thúc hay khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (trên địa bàn huyện Sóc Sơn).

Năm 2020 đặc biệt có nhiều biến động về nhân sự cấp cao của Hà Nội ở cả vị trí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố. Theo đó, HĐND đã bầu mới 5 phó chủ tịch, 4 phó bí thư Thành ủy hiện nay cũng đều là người mới vì các đồng chí cũ dày dặn kinh nghiệm công tác, am hiểu địa bàn đều đến tuổi nghỉ hưu. Nhận xét về vấn đề này, Bí thư Vương Đình Huệ cho hay:

“Giữ được bình yên cho thủ đô và để các công việc vận hành bình thường là thử thách rất lớn”.

Ông Huệ tin rằng, Đảng bộ Hà Nội là một tập thể lớn, đã qua 90 năm thành lập và trưởng thành, trí tuệ và bản lĩnh, khó khăn nào cũng vượt qua, khi gặp khó khăn càng thể hiện ý thức đoàn kết. Ngoài ra, nhân dân thủ đô rất sáng tạo, vừa một mặt chấp hành nghiêm nghị quyết Trung ương, vừa biết cách cụ thể hóa chính sách để phù hợp tình hình, thực tiễn thủ đô nên được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.

Thảo luận