Nhà máy điện gió lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau và Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng tổ chức Lễ khởi công Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D tại ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.
Theo chủ đầu tư là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng, giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, công suất 350 MW, bao gồm 4 nhà máy điện gió 1A, 1B, 1C và 1D, được xây dựng trên vùng biển thuộc các xã: Tân Tiến, Nguyễn Huân của huyện Đầm Dơi và xã Tam Giang Đông của huyện Năm Căn. Đây là dự án điện gió lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau tính đến thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiến hành lắp 83 tuabin gió với công suất 4,5 MW/tuabin. Tổng công suất phát điện của dự án dự kiến đạt 1,1 triệu MWh/năm. Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện cho dự án này.
Bày tỏ vui mừng trước việc Cà Mau sẽ có thêm nhà máy điện gió trong tương lai, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định việc khởi công công trình điện gió 1A, 1B, 1C và 1D có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Cà Mau.
Khi đi vào vận hành chính thức, Nhà máy điện gió Cà Mau 1 sẽ góp phần cân bằng nguồn điện cho không chỉ cho Cà Mau mà cả vùng ĐBSCL, bảo vệ môi trường, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, kích thích đầu tư các dự án công nghiệp khác
Để đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ đề ra, ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị chủ đầu tư WTO cần phát huy những kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhất nguồn lực, trang thiết bị, kế hoạch triển khai và giám sát thi công; kịp thời có giải pháp khắc phục những bất lợi về thời tiết, khó khăn về giao thông trong vận chuyển vận tư thiết bị để thi công công trình đạt tiến độ với chất lượng tốt nhất; đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Cà Mau, UBND huyện Đầm Dơi và các huyện có ảnh hưởng bởi các hạng mục của dự án cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, kêu gọi nhân dân địa phương trong vùng dự án và khu vực lân cận tích cực hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình thi công.
Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo năm 2020 lên mức 8 tỷ kWh
Theo báo cáo tổng kết năm 2020 của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối. Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.
Sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần từ mức không đáng kể là 320 triệu kWh (chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống năm 2016) lên khoảng 8 tỷ kWh (chiếm 2,53% toàn hệ thống vào năm 2020).
Việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án. Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết.