Tổng Bí thư mới gánh vác nhiệm vụ rất quan trọng: đưa đất nước Lào thoát khỏi quy chế một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, điều mà ông hy vọng sẽ làm được vào năm 2024, - như Nikkei Asia Review viết. Đại hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm mới, với mục tiêu giả định về tăng trưởng GDP hàng năm là 4%. Trong những năm gần đây, chỉ số này của Lào rất ấn tượng là 7%. Nhưng đại dịch COVID-19 đã giáng cú đòn nặng vào nền kinh tế của đất nước này, bởi du khách nước ngoài không thể nhập cảnh, còn dân lao động người Lào thì bị mất việc làm ở Thái Lan và các nước láng giềng khác do đóng cửa biên giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Á châu, GDP của Lào năm 2020 đã giảm 2,5%.
Trung Quốc là nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất
Giới quan sát quốc tế cho rằng với ban lãnh đạo mới, Lào sẽ ngày càng ngả về phía Trung Quốc, rời xa đối tác lâu năm là Việt Nam, vốn gắn bó với nhau bằng hệ tư tưởng và lịch sử chung. Toàn thể các vị lãnh đạo cao nhất của Lào đều được đào tạo về lý luận và thực hành cộng sản ở Việt Nam. Còn ông Thongloun Sisoulith từng theo học ở Liên Xô, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm ở Leningrad, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc BCH Trung ương của đảng Cộng sản Liên Xô ở Matxcơva.
Việt Nam luôn là nhà đầu tư cỡ lớn tại Lào và là một trong những đối tác kinh tế chính. Nhưng đến năm 2020, Trung Quốc đã chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế. Và nếu hiện nay Việt Nam có 414 dự án tại Lào với tổng vốn điều lệ là 4,22 tỷ USD, thì Trung Quốc đã rót hơn 12 tỷ USD để hỗ trợ 785 dự án, từ các đặc khu kinh tế cho đến dự án cơ sở hạ tầng siêu lớn. Đồ sộ nhất trong số này là tuyến đường sắt cao tốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến Vientiane, đang được xây dựng trong khuôn khổ sáng kiến «Vành đai và Con đường» của Trung Quốc và dự kiến sẽ xong vào cuối năm nay.
Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Lào. Trong số nợ nước ngoài của Lào với số tiền 12,6 tỷ USD thì 5,9 tỷ USD thuộc về Trung Quốc. Trong những năm 2021-2024 Lào sẽ phải trả trung bình mỗi năm 1,1 tỷ USD các khoản nợ quốc tế, mặc dù thực tế tổng dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 1,3 tỷ USD. Đất nước đối mặt với đe doạ phá sản mặc định.
Cách thoát khỏi khủng hoảng
Tân Tổng Bí thư của đảng dự định thay đổi chính sách và thay vì sa đà vào các khoản nợ sẽ tập trung hóa các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, bán một số cổ phần cho công ty nước ngoài. Nhưng ở đây một lần nữa Trung Quốc đứng hàng đầu. Năm ngoái, công ty Nhà nước China Southern Power Grid Co. đã nhận gói cổ phần kiểm soát trong công ty quốc doanh Electricite du Laos, thực tế là được giành quyền kiểm soát hiệu quả hệ thống năng lượng quốc gia của Lào.
Lào trông đợi sẽ giảm nhẹ tình thế lúng túng của mình bằng cách xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong rồi bán điện cho các nước Đông Nam Á khác, trở thành một loại «bình ắc quy» của khu vực này. Bắc Kinh ủng hộ Vientiane trong việc này, nhưng sáng kiến đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước Đông Dương khác nằm ở hạ lưu sông Mekong, nơi những con đập của Lào sẽ tạo ra khó khăn lớn về môi trường và kinh tế. Vì vậy, phương hướng chính sách kinh tế của Lào có nguy cơ làm bùng phát trầm trọng thêm quan hệ khu vực, và ban lãnh đạo mới sẽ phải tháo gỡ mắc mớ này.
Sự tin cậy là rất quan trọng
«Trước tân Tổng Bí thư và thành phần mới của Bộ Chính trị đặt ra những nhiệm vụ và vấn đề rất hệ trọng. Nhưng tôi hy vọng rằng ban lãnh đạo đất nước sẽ có đủ sự khôn ngoan và ý chí chính trị để duy trì sự cân bằng giữa tư tưởng và kinh tế, giữa quan hệ lịch sử, tình hữu nghị bền chặt và liên hệ kinh tế, giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mà Việt Nam hẳn cũng không muốn mất Lào, đất nước láng giềng có ý nghĩa lớn về địa chính trị đối với Hà Nội. Trước sức ép kinh tế từ phía Bắc Kinh, người Lào nói chung giữ thái độ thận trọng cảnh giác với các dự án của Trung Quốc vì thường gây tổn hại cho môi trường, là yêu cầu rất quan trọng đối với cư dân sống giữa núi rừng và rất ít diện tích canh tác. Thêm vào đó, các dự án quy mô lớn của Trung Quốc không tính đến việc tạo chỗ làm việc cho người Lào, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân bản địa, vì các công trình được thực hiện bằng sức lực nhân công Trung Quốc, với các vật liệu và linh kiện của Trung Quốc. Bằng chứng rõ nét về sự không tin cậy Bắc Kinh là ở chỗ tiền giấy của Lào được in không phải ở nước láng giềng Trung Quốc, mà in ở tận nước Nga xa xôi», - PGS-TS Elena Yakovleva của MGIMO nhận xét.
Trong 5 năm tới, cả Lào và Việt Nam đều phải phấn đấu thực thi chính sách và hoàn thành các chương trình được đề ra trong Đại hội XI đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội XIII đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới. Các chương trình này cũng bao gồm chiến lược hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào, và thỏa thuận đã ký kết cho giai đoạn 2021–2025 với nhiều phương hướng và dự án. Như vậy, sự hỗ trợ từ sức mạnh ngày càng tăng nhanh của Việt Nam sẽ rất hữu ích đối với nước Lào anh em.