Về tin phong tỏa Hà Nội, karaoke tay vịn, khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có corona

Hà Nội bị phong tỏa vì Covid-19, ca bệnh mắc virus corona đi karaoke ‘tay vịn’, khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có chứa SARS-CoV-2 là loạt tin giả khiến người Việt hoang mang khi dịch Covid-19 tái bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh.
Sputnik

Trong khi đó, tại Sơn La, Cơ quan Công an đã xử phạt hai cá nhân 15 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Hà Nội bị phong tỏa vì Covid-19 là tin giả

Theo thông tin từ Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC – thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, cơ quan này đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời tin giả về việc Hà Nội bị phong tỏa do Covid-19.

Chứng khoán Việt Nam đã có một ngày đen tối nhất lịch sử không thua gì tình hình Covid-19

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cho biết, ngày 29/1, qua quá trình rà soát không gian mạng, VAFC phát hiện thông tin “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội”, được người dùng đăng tải là hoàn toàn không chính xác.

“Qua kiểm tra, VAFC khẳng định đây là tin giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội”, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Thông qua hình ảnh được cơ quan này đăng tải, nhóm chat trên mạng xã hội ghi 110 Trần Duy Hưng có trao đổi tin về việc “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội, các bạn về quê sớm, điện khẩn vừa báo, hàng rào dựng từ đêm qua, Hà Nội 24h đêm mai đóng hết các cửa ngõ…”.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khẳng định đây là tin giả và sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định.

Về tin phong tỏa Hà Nội, karaoke tay vịn, khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có corona
“VAFC sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đề nghị cộng đồng mạng không lan truyền, chia sẻ tin giả này”, cơ quan về xử lý tin giả của Việt Nam nêu rõ.

Trước đó, VAFC cũng lên tiếng bác bỏ tin giả khi mạng xã hội lan truyền một văn bản kê khai thông tin về lịch trình của một người được cho là nhiễm Covid-19 tên là Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh. Đáng chú ý, nội dung bản kê cho đây là người này khai đi hát karaoke “tay vịn”.

Tái bùng phát Covid-19, ở đâu đã bị phong tỏa, giãn cách xã hội?

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày qua, Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới Covid-19, lây nhiễm trong cộng đồng kỷ lục. Sáng 29/1, Bộ Y tế cũng công bố thêm 9 trường hợp dương tính với coronavirus tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội. Tất cả những ca bệnh này đều có liên quan đến ổ dịch được phát hiện và khoanh vùng trước đó tại Hải Dương.

Táo quân ghi hình không có khán giả vì dịch Covid-19

Tại Hà Nội, không hề có chuyện phong tỏa cả thành phố. Sau khi phát hiện có ca dương tính với SARS-CoV-2 (bệnh nhân 1581) ở tòa chung cư T6, khu đô thị Times City (Quận Hai Bà Trưng), nhà chức trách đã tạm thời phong tỏa khu vực này.

Đồng chí Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay, trong đêm 28/1, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã cho cách ly y tế một tầng ở tòa nhà T6 thuộc Times City để khử khuẩn. Trung tâm thương mại Megamall ở Times Ciy cũng được giám sát chặt chẽ.

Lãnh đạo Quận Hai Bà Trung xác nhận, chỉ đạo phường Vĩnh Tuy áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại tòa nhà chung cư T6, khu đô thị Times City. Trong sáng cùng ngày, các nhân viên y tế cũng tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực tòa T6.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Tuy yêu cầu người dân hiện đang sinh sống và làm việc tại các căn hộ thuộc tòa T6 khu đô thị Times City, 458 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy phải thực hiện biện pháp tạm thời cách ly tại nhà, không ra khỏi nhà.

Về tin phong tỏa Hà Nội, karaoke tay vịn, khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có corona

Thời gian thực hiện từ 1h ngày 29/1 đến khi có thông báo của Ban chỉ đạo phường.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký chỉ thị phong tỏa thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ 12h ngày 28/1, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.

Tại Quảng Ninh, tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn. Tỉnh này cũng quyết định phong tỏa xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, từ 12 giờ ngày 29/1 để tiến hành phòng, chống dịch Covid-19.

Hàng loạt trường đại học cho học sinh nghỉ Tết sớm, chuyển sang học trực tuyến vì dịch Covid-19

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Tường cũng có công điện khẩn yêu cầu chỉ đạo giãn cách xã hội toàn thị xã Đông Triều theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết như mua thuốc men, lương thực, thực phẩm.

Trong khi đó, tại Bắc Ninh, lãnh đạo UBND huyện Lương Tài đã quyết định phong tỏa xã Lâm Thao khi phát hiện 1 ca dương tính với coronavirus trong cộng đồng (ca bệnh số 1565).

Tại Hải Phòng, kể từ 18h ngày 28/1, lãnh đạo địa phương tiến hành phong tỏa Bệnh viện Trẻ em, lập 8 chốt kiểm dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Về tin khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có ‘chứa Covid-19’

Ngày 29/1, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam cũng phản ánh về thông tin lan truyền trên các mạng xã hội về “khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc có chứa virus corona (Covid-19)”.

Thực hiện xét nghiệm Covid-19 lần 3 cho tất cả các phóng viên phục vụ Đại hội Đảng XIII

Theo đó, VAFC cho hay, ngày 05/8/2020 tài khoản mạng xã hội Facebook tên “Huy Hung” đã đăng tải bài viết với nội dung “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa covid.

Tuy nhiên, Trung tâm này phát hiện, các hình ảnh mà người dùng trên đăng tải được lấy từ bài viết của cơ quan báo chí của Việt Nam vào thời điểm chưa bùng phát đại dịch Covid-19.

“Tuy nhiên, các hình ảnh trên được lấy từ bài viết “Hình ảnh cửu vạn nườm nượp cõng hàng lậu vượt biên trái phép” của  Báo Lao động điện tử (ngày 16.1.2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19)”, VAFC nêu rõ.

Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam cũng khẳng định, đến nay cơ quan chức năng chưa có kết luận nào về việc khẩu trang tái chế, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có chứa virus corona gây dịch Covid-19.

Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang,

Ngoài ra, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cũng chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ, đồng thời, hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.

Sơn La: Đăng tin sai sự thật về Covid-19, hai người bị phạt 15 triệu đồng

Ngày 29/1, thông tin từ Công an Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết đã tiến hành xử lý hai trường hợp đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày qua.

Theo đó, qua công tác nắm bắt tình hình, Công an TP.Sơn La đã phối hợp với Công an phường Tô Hiệu, Công an phường Chiềng Sinh xử lý hai người đăng tin lên Facebook rằng “có F1 ở Sơn La dương tính với Covid-19”.

Sáng 29/01: Thêm 9 người mắc Covid-19, Hà Nội có ca đầu tiên
Cụ thể, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản và xử phạt đối với hai trường hợp là H.T.N. (ngụ tổ 6, phường Quyết Tâm) và N.T.M.H. (ngụ tổ 17, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La) đã tung tin không đúng sự thật lên Facebook cá nhân về tình hình dịch bệnh.

Hai đối tượng này cập nhật thông tin có trường hợp tiếp xúc F1 dương tính với Covid-19 trên địa bàn Sơn La, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Công an TP. Sơn La khẳng định, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính lỗi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15 ngày 3/2/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mỗi trường hợp bị phạt tiền 7,5 triệu đồng.

Đồng thời, nhà chức trách cũng khuyến nghị người dân, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, không nên tin và phát tán những tin tức giả mạo, tin xấu, thiếu kiểm chứng, xác thực, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh chung của ngành y tế và cả nước.

Thảo luận