Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam theo dõi sát sao tình hình ở Myanmar và mong quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước.
Phản ứng của Việt Nam về đảo chính quân sự ở Myanmar
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, liên quan đến chính biến gây chấn động dư luận thế giới ở Myanmar, khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint cùng nhiều nhân vật cấp cao của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị Quân đội bắt giữ trong cuộc đảo chính, đột kích bất ngờ ngày 1/2. ngay tối cùng ngày, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nêu phản ứng của Hà Nội về tình hình căng thẳng ở Yangon.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước những diễn biến tình hình vừa qua tại Myanmar, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam quan tâm theo dõi và mong muốn quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm ổn định tình hình.
“Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về đảo chính quân sự ở Myanmar
Trước những xung đột bất ngờ tại chính trường Myanmar, thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới, ngày 2/2, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tiến hành họp khẩn về tình hình căng thẳng tại Yangon.
Thông báo từ Chủ tịch luân phiên phiên họp, bà Barbara Woodward nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp khẩn và việc HĐBA đã đẩy lịch trình họp diễn ra sớm hơn hai ngày để bàn các giải pháp và phương hướng hành động liên quan đến cuộc đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên cấp cao đảng NLD.
“Điều cấp thiết, quan trọng nhất lúc này là cách Hội đồng Bảo an LHQ phản ứng trước cuộc đảo chính quân sự và nỗ lực giúp Myanmar trở lại con đường dân chủ, ổn định”, thông cáo từ phía Chủ tịch luân phiên HĐBA nêu rõ.
Cuộc họp kín là cơ hội để các thành viên HĐBA bàn bạc, thảo luận phương án giúp chấm dứt cuộc đảo chính, bạo loạn, sử dụng vũ lực, việc quân đội lên nắm quyền và yêu cầu phóng thích những cá nhân bị bắt giữ hôm 1/2, khôi phục nền dân chủ và sớm ổn định tình hình ở Myanmar.
Được biết, cuộc họp kín diễn ra theo hình thực trực tuyến. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, nữ Đại sứ Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener đồng thời cũng có thông báo với HĐBA về những diễn biến mới nhất tại quốc gia Đông Nam Á này tính đến thời điểm hiện tại.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Quốc Antonio Guterres cũng lên án mạnh mẽ những diễn biến căng thẳng tại Myanmar, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo Quân đội, (cụ thể là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing) tôn trọng quyền và ý chí của người dân nước này.
Trong thông cáo được người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric đưa ra nhấn mạnh, những diễn biến này là một đòn giáng nghiêm trọng vào cải cách dân chủ.
“Tất cả các nhà lãnh đạo phải hành động vì mục tiêu lớn hơn của quá trình cải cách dân chủ tại Myanmar, tham gia đối thoại có ý nghĩa, tránh bạo lực và tuyệt đối tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cơ bản”, người phát ngôn của LHQ khẳng định.
Thông báo của LHQ cũng nêu rõ, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh việc phải tuân thủ quy tắc dân chủ, giải quyết mọi bất đồng bằng đàm phán hoà bình.
Trước đó, thông báo từ Cao ủy Nhân quyền LHQ cho hay, Đặc phái viên của LHQ về Nhân quyền tại Myanmar ông Thomas Andrews đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Myanmar.
Cùng với đó, phía Cao ủy Nhân quyền cũng kêu gọi trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” tất cả những nhà lãnh đạo đã bị phía Quân đội bắt giữ bất hợp pháp.
Vụ đảo chính quân sự, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, rạng sáng ngày 1/2, Quân đội Myanmar sáng 1/2 bắt giữ Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng NLD. Lý do đảo chính được đưa ra là cáo buộc gian lận bầu cử quy mô lớn hồi tháng 11/2020 vừa qua khi Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ tuyên bố giành chiến thắng.
Hiện nay, Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đang nắm quyền điều hành, trong khi Phó Tổng thống thứ nhất Myint Swe sẽ nắm vai trò quyền Tổng thống.
Tại quốc gia này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Đáng chú ý, lãnh đạo Quân đội sau đó cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng, công bố danh sách 11 người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo mới các Bộ như Tài chính, Y tế, Thông tin, Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng.
LHQ, các quốc gia và thể chế hàng đầu thế giới lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính và kêu gọi sớm ổn định tình hình tại Myanmar.
Ngày 1/2, Bộ Ngoại giao Nga đã có bình luận liên quan đến chính biến ở Yangon. Theo đó, Moskva hy vọng tình hình sẽ được giải quyết một cách hòa bình tương ứng với quy định pháp luật hiện hành thông qua việc nối lại đối thoại chính trị và duy trì phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước. Điện Kremlin khẳng định cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Hoa Kỳ đang nỗ lực hợp tác với các bên để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền của Myanmar.
Trong tuyên bố được phát đi, ông Biden gọi vụ việc Quân đội đảo chính, bắt giữ loạt lãnh đạo cấp cao Nhà nước Myanmar là đòn tấn công trực diện vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của Yangon.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng kêu gọi Quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực, đồng thời, nếu diễn biến xấu đi, Washington cũng có thể xem xét khả năng trừng phạt.