Elon Musk cấy chip vào não khỉ. Liệu viễn cảnh với những con chip có đe dọa nhân loại?

Mới đây doanh nhân Mỹ Elon Musk khoe rằng các chuyên gia trong công ty của ông đã tìm cách cấy ghép chip vào não của một con khỉ, và con vật thuộc loài linh trưởng này bây giờ có thể nhoay nhoáy chơi trò chơi máy tính. Doanh nhân hứa hẹn, sau một tháng nữa sẽ giới thiệu đoạn video quay cảnh con khỉ mang chip trong não.
Sputnik

Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với khoa học, có thật là Musk đã chuẩn bị tung ra video, liệu việc gắn chip như thế có đe dọa nhân loại hay chăng và khi nào thì các con chip sẽ đánh bại những viên thuốc chữa bệnh? Trong cuộc đàm đạo với Sputnik, GS Mikhail Lebedev của Skoltech đã nêu ý kiến về những vấn đề này.

Sputnik: Theo GS có gì thú vị trong thí nghiệm cấy chip vào não khỉ của Musk?

- Theo những gì tôi hiểu, họ đã làm với con khỉ tương tự như việc đã thực hiện với một con lợn (hồi tháng 8 năm 2020, Elon Musk đã phô trương con lợn Gertrude với chip cấy vào não. Doanh nhân đã so sánh con chip với chiếc vòng đeo tay thể hình). Trong trường hợp này, con khỉ được cấy nhiều điện cực, một bộ khuếch đại và một thiết bị không dây để giao tiếp với máy tính bên ngoài. Con khỉ trông có vẻ ổn. Thành tựu cơ bản là cô đọng thu nhỏ bộ khuếch đại và hệ thống cấy điện cực mà họ đã từng thể hiện ở chuột và lợn. Như vậy điều thú vị là kết quả công nghệ tốt.

 Sputnik: Quá trình cấy ghép diễn ra như thế nào?

- Hẳn là con khỉ đã được cấy chip vào vỏ não vận động, có thể dẫn tới phần cảm giác trên cánh tay. Họ khoan lỗ trên hộp sọ, đặt các điện cực vào đó bằng robot, có dây dẫn từ các điện cực đến bộ khuếch đại. Bộ khuếch đại được đặt ở đâu thì sau sẽ rõ hơn. Sau đó, tất cả những thứ này được phủ bằng loại vữa xi-măng nào đó, rồi lớp da đầu được lật lên và khâu kín lại. Bộ máy được trang bị pin sạc cảm ứng, tức là cần đưa con khỉ đến gần bộ sạc cảm ứng là sẽ nạp pin đủ dùng. Nhưng cần sạc bao nhiêu lâu thì hiện chưa rõ, có thể chừng mươi phút, cũng có thể trong một giờ.

Sputnik: Con khỉ chơi trò chơi ra sao và điều đó có ý nghĩa gì?

- Nếu được cấy ghép bộ cảm ứng vào vùng cánh tay, thì mỗi lúc khỉ động đậy tay, nó sẽ nhận sự phóng điện của tế bào thần kinh trong não. Khỉ là con vật không hề ngu ngốc, và nếu bạn cuốn hút nó vào điều gì đó, chẳng hạn như di chuyển con trỏ theo màn hình hoặc chơi bóng bàn, thì rất có thể là nó sẽ học chơi.

Elon Musk cấy chip cho khỉ và dạy nó trò chơi điện tử

Sputnik: Musk đã hứa rằng sau này bầy khỉ sẽ cùng chơi bóng bàn? Liệu sẽ có thực tế như vậy chăng?  

- Công việc như vậy đã từng có, chúng tôi đã công bố hình ảnh nhóm ba con khỉ điều khiển chuyển động của một cánh tay ảo. Nói chung, khỉ không phải là động vật chịu phối hợp cho lắm nhưng hay bắt chước. Nếu bạn cho đám khỉ vào một căn phòng, đơn giản đưa cho cái vợt, thì chúng sẽ không chơi bóng bàn, do đó, rất có thể là mỗi con khỉ đều ngồi trước một màn hình, trên đó có dấu chấm di động mô tả những đấu thủ khác. Có thể giả định rằng con khỉ nhìn vào màn hình, thấy những đối tượng nào đó và có thể chơi trò chơi với những con khỉ khác. 

Sputnik: Chip, khỉ và bóng bàn, ở đây có thể cảm nhận được phong cách trình bày thông tin của Musk, ngay lập tức nắm bắt. Nhưng dưới góc độ nhãn quan khoa học thì đằng sau những cái đó là gì, người ta định giải quyết vấn đề nào đây?

- Chuyện ở đây nói về trị liệu thần kinh. Nó bao gồm ý tưởng cơ bản là nếu bộ não của một người bị hư hại, thì ta có thể sửa chữa. Ví dụ, nếu có chấn thương tủy sống, thì ta có thể loại bỏ tín hiệu từ não bộ, uốn cong tránh tổn thương tủy sống và gửi tín hiệu đến cơ cánh tay hoặc đến máy kích xung lực, như vậy cánh tay liệt sẽ lại cử động. Một nhiệm vụ đầy tham vọng khác. Giả sử rằng vùng não A bị tổn thương, vùng này truyền tín hiệu từ vùng B đến vùng C. Chúng ta sai chip giả làm vùng A, đưa nó vào não và thay thế nó về mặt chức năng. Hiện còn chưa thực hiện được, nhưng khả năng đó có thể diễn ra trong tương lai.

Làm thế nào để loại bỏ tín hiệu từ các tế bào thần kinh não. Có hai cách tiếp cận cơ bản: cách thứ nhất là không xâm lấn, tức là chúng ta không chạm vào người đó mà đặt máy điện não đồ lên đầu bệnh nhân và đọc. Mọi thứ sẽ ổn với phương pháp này, nhưng tín hiệu đọc không rõ lắm. Với một hình ảnh não không nhiều thông tin, để có tín hiệu tốt, cần đưa các điện cực vào não - đây là cách tiếp cận thứ hai. Nhưng không tiến hành thí nghiệm với người, vì thế cắm điện cực vào não khỉ, vì não của con vật này gần gũi với não người nhất. Musk đã giúp làm cho mô cấy thu nhỏ và không gây phiền phức vướng víu cho con vật. Trước Musk người ta đã làm điều này rồi: đặt con khỉ lên một chiếc ghế đặc biệt, liên kết các đầu nối và dây điện, nhưng làm như vậy bất tiện cho con khỉ. Đối với loài khỉ, cấy chip là thuận tiện nhất, trong triển vọng lâu dài cũng sẽ là tiện lợi nhất đối với con người. 

"Ngốc nghếch và kỳ quặc" - Bill Gates phủ nhận cáo buộc gắn chip cho con người

Sputnik: Vấn đề mấu chốt là gì, tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa tiến hành cấy ghép chip vào não người?

- Vấn đề đáng nói nhất là tính chất tương thích sinh học. Chúng ta không đưa cái gì đó vào não, bởi cơ thể sẽ cố gắng phản bác từ chối. Chúng ta đưa các điện cực vào não, các tế bào thần kinh đệm bao quanh, rồi sau đó nó có thể phủ hoàn toàn mô liên kết và như vậy sẽ làm giảm tín hiệu truyền đi. Khi nào giải quyết được vấn đề tương thích sinh học thì mọi kế hoạch trong mơ sẽ thành hiện thực.

Sputnik: Khi nói đến gắn chip trong đầu dù mới chỉ là não khỉ, sẽ nảy sinh ý nghĩ rằng nhân loại sớm muộn gì rồi cũng vẫn sẽ bị cấy chip. Khác biệt duy nhất chỉ là ai làm điều đó, Elon Musk hay Bill Gates? Liệu mối đe dọa này có thực hay không?

- Gắn chip cho khỉ là việc người ta đã làm từ lâu rồi, sớm hơn Musk rất nhiều. Ở Liên Xô, những con khỉ có cấy chip đã bay vào vũ trụ và chúng cũng rất hạnh phúc. Sự khác biệt duy nhất là không cấy nhiều điện cực mà thôi. Bây giờ, là chuyện liệu Musk có quan tâm đến gắn chip vào não người hay không? Cho đến nay, tất cả điều này vẫn ở giai đoạn ứng dụng y tế và không gắn chip rộng rãi. Nhưng nếu điều này bắt đầu được áp dụng rộng trong lĩnh vực con người, thì có thể nảy sinh những vấn đề nhất định. Đặc biệt là nếu những bộ phận cấy ghép này có xung lực kích thích.

Có thể cấp xung lực kích thích các khu vực phát ra niềm vui và sự tích cực. Bạn có thể hình dung những người bị trầm cảm có gắn chip sẽ nhấn một cái nút và trở nên sảng khoái. Cấy ghép để tự kích thích là việc có thể thực hiện ngay bây giờ và chẳng vấp phải rắc rối kỹ thuật nào. Mặc dù hiện thời điều này phức tạp hơn nhiều so với việc uống mấy viên thuốc nhưng vẫn là khả thi.

 

Thảo luận