Theo cơ quan điều tra, dù Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM nhưng trong quá trình liên kết kinh doanh đầu tư, đến giai đoạn thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp, CNS lại để mất hàng loạt lô “đất vàng”, gây thất thoát lớn.
Khởi tố vụ án thoái vốn tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn CNS
Ngày 3/2, Cục An ninh Kinh tế (A04), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phó” tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên CNS.
CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc sự quản lý của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, do đó, Thanh tra thành phố cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan.
Cơ quan Công an khởi tố vụ thoái vốn tại CNS theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra về hoạt động thoái vốn của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) và Công ty cổ phần TIE cùng với việc chuyển nhượng đất đai công sản của Nhà nước thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành.
Cụ thể, trong quý IV năm 2020, TP.HCM đã chuyển hàng chục vụ việc sang cơ quan điều tra sau khi phát hiện sai phạm. Trong số này, có CNS.
Cơ quan an ninh điều tra đã yêu cầu Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cung cấp nhiều thông tin, tài liệu phục vụ cho việc điều tra, xác minh các dấu hiệu sai phạm, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước tại CNS.
Bộ Công an cũng đồng thời tập trung điều tra hoạt động thoái vốn của CNS tại Công ty Cổ phần điện tử Sài Gòn – Sagel và Công ty Cổ phần TIE, việc chuyển nhượng đất trái pháp luật thông qua góp vốn kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa Mai.
Dựa vào các tài liệu mà Thanh tra TP.HCM cung cấp, Cục An ninh Kinh tế sẽ phối hợp với Cục An ninh Điều tra Bộ Công an tiếp tục xem xét, làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân liên quan tại CNS.
Vụ thoái vốn ở Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) có gì bất thường?
Như đã nêu, cuối năm 2020, cơ quan Thanh tra của TP.HCM đã kiến nghị xử lý hành chính và chuyển sang cơ quan an ninh thụ lý xử lý sau khi Đoàn thanh tra tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý sử dụng vốn Nhà nước, tài sản phát hiện những điểm bất thường ở Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên CNS.
Theo kết luận thanh tra, đầu năm 2017, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã bán toàn bộ 51% cổ phần của doanh nghiệp mình trong Công ty Cổ phần Điện tử Sài Gòn – Sagel với giá gần 21 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel đang sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP.HCM, đặc biệt có lô đất tại 119 Phổ Quang (quận Phú Nhuận) có giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Tương tự, cơ quan thanh tra cũng xác định CNS cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, trong khi doanh nghiệp này đang là chủ sở hữu của nhiều lô “đất vàng” nằm tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nội dung đơn tố cáo được gửi đến các cơ quan chức năng trước đó, việc thoái vốn của CNS chỉ tính riêng tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE đã gây thất thoát cho nhà nước khoảng 1.700 tỷ đồng.
Đến Quý I năm 2019, UBND TP. HCM đã quyết định tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng đối với một số lô đất có nguồn gốc là tài sản của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn do thoái vốn.
Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn mất loạt lô “đất vàng” như thế nào?
Có thể nói, CNS là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, đơn vị này cùng nhiều công ty con, công ty liên kết, sở hữu rất nhiều lô đất vàng của thành phố.
Tuy nhiên, từ quá trình liên kết kinh doanh đầu tư, đến giai đoạn thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp, hàng loạt lô “đất vàng” của Công ty Công nghiệp Sài Gòn không còn nằm trong sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Trước hết phải nhắc đến những lô đất vàng do Công ty CP TIE sở hữu, nơi CNS nắm giữ đến 70% vốn điều lệ. TIE chuyên về kinh doanh thiết kế sản xuất, gia công lắp ráp và kinh doanh các mặt hàng điện tử dân dụng, cho thuê nhà xưởng, kho bãi.
TIE cũng là đại lý ký gửi hàng hóa, tư vấn và thiết kế phần mềm máy tính cũng như mạng máy tính. Công ty được thành lập từ năm 1990 sở hữu nhiều bất động sản tại TP.HCM, Phú Quốc, Bình Dương.
Trong hai năm 2009-2010, TIE hợp tác kinh doanh với nhiều đơn vị chủ yếu thông qua hình thức góp vốn bằng quyền sở hữu đất để thực hiện dự án.
Đến giai đoạn 2013 – 2015, công ty này lại tiến hành thoái vốn hoặc chuyển nhượng cổ phần tại các liên doanh. Đây cũng được xác định là thời điểm mà TIE đánh mất loạt lô đất vàng như số 376 Điện Biên Phủ, Quận 10, có diện tích 1.110 mét vuông, lô số 52 Thành Thái, Quận 10, với diện tích 5.700 mét vuông.
Ngoài ra còn có lô đất số 17 đường Trần Hưng Đạo, Khu phố 7, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang với diện tích 4.056,2 mét vuông.
Bên cạnh đó, TIE cũng góp vốn vào liên doanh Samsung Vina thông qua giá trị quyền sử dụng 58.200m2 (tương đương 20% vốn) đất tại Linh Trung ( nay thuộc thành phố Thủ Đức) với giá trị tương đương 3.492.000 USD (khoảng 67 tỷ đồng).
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Điện tử và Dịch vụ Công nghiệp Sài Gòn (Sagel), bơi CNS giữ 51% vốn.
Hồi tháng 10/2013, Công ty Cổ phần Điện tử và Dịch vụ Công nghiệp Sài Gòn này ký hợp đồng hợp tác cùng 2 pháp nhân đầu tư dự án “Trung tâm phức hợp văn phòng thương mại chung cư Sagel” tại 119 Phổ Quang, quận Phú Nhuận, trong đó Sagel nắm giữ 26% vốn trong liên doanh ba bên.
Đến tháng 3/2017, CNS bán thành công toàn bộ 51% vốn của Sagel với giá bình quân 27.301 đồng/cổ phiếu, thu về gần 21 tỷ đồng. Như vậy, lô đất vàng 119 Phổ Quang không còn thuộc sở hữu của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn CNS.
Lô “đất vàng” này là một trong 60 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 11/2016 bị thanh tra theo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quý II/2017 khi đó, theo báo Nhà Đầu tư.
Ngoài TIE và Sagel, các báo cáo, thanh tra cho thấy, nhiều năm qua Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng đã tiến hành thoái vốn, chuyển nhượng ở một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn, Ngân hàng Eximbank, Công ty cổ phần Điện tử và Dịch vụ Công nghiệp Sài Gòn, Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn, Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành, Công ty cổ phần Hoàng Long Long An…
Những sai phạm tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn hiện đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.