Sợ Covid-19 lây lan, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi siết chặt biên giới với Việt Nam

Lo sợ virus corona lây lan từ Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen vừa ra lệnh cho tất cả các cơ quan chức năng và lực lượng vũ trang Campuchia phải siết chặt biên giới, ngăn xuất nhập cảnh trái phép, tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.
Sputnik

Cùng với quyết tâm ngăn chặn nguồn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập từ Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng, lực lượng biên phòng, vũ trang dọc biên giới với Thái Lan phải tăng cao cảnh giác.

Ông Hun Sen lệnh siết chặt biên giới với Việt Nam, chống lây nhiễm Covid-19

Tờ Khmer Times của Campuchia ngày 5/2 thông tin cho biết, Thủ tướng Hun Sen vừa ra lệnh siết chặt biên giới với Việt Nam, tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đà Nẵng: Phát hiện 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Thủ tướng Samdech Decho Hun Sen hôm qua (4/2) nhấn mạnh Chính phủ Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia đã “làm rất tốt” trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 từ Thái Lan, nhưng bây giờ họ phải ngăn chặn khả năng bùng phát dịch bệnh từ Việt Nam.

Có vẻ, việc dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam những ngày qua đang gây lo ngại cho quốc gia láng giềng.

Khmer Times dẫn lời người đứng đầu Chính phủ Campuchia thể hiện rõ mối lo lắng này khi cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus corona từ Việt Nam và yêu cầu giới chức trách và lực lượng vũ trang nước này nâng cao cảnh giác, siết chặt đường biên giới, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh đối với các tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam.

“Mối quan tâm, lo lắng lớn hiện nay của chúng ta là sự tái bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam, trải dài từ miền Bắc đến miền Trung, tới miền Nam gần với Campuchia”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
“Tôi muốn tất cả các tỉnh, địa phương dọc biên giới với Việt Nam - từ Kampot đến Ratanakiri phải vào cuộc ngay để kiểm tra và cách ly những trường hợp xuất nhập cảnh qua biên giới hai nước”, ông Hun Sen, lãnh đạo cấp cao của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) lưu ý.

Hun Sen: Nếu sơ suất, sẽ phải hứng chịu dịch Covid-19 từ Việt Nam và Thái Lan

Biên giới Việt Nam – Campuchia dài khoảng 1270km, với đường biên trên bộ dài 1137 km chạy theo hướng Bắc – Nam, đi qua 9 tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam.

Xử lý nghiêm tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép

Vấn đề biên giới là ưu tiên quan trọng trong các cuộc đối thoại, thảo luận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất, góp phần duy trì và củng cố quan hệ Hà Nội – Phnom Penh ổn định, phát triển.  

Nỗ lực trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang lan rộng và còn diễn biến phức tạp được nhà lãnh đạo Chính phủ Campuchia thể hiện rõ trong các tuyên bố, chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả đóng cửa biên giới, hạn chế người qua lại, hoạt động giao thương ở các cửa khẩu.

“Nếu sơ suất, đất nước chúng ta sẽ phải hứng chịu đại dịch COVID-19 của cả Thái Lan lẫn Việt Nam”, Khmer Times dẫn phát biểu của Thủ tướng Hun Sen nêu rõ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng thời, cũng ra lệnh cho tất lãnh đạo chính quyền các tỉnh hợp tác chặt chẽ với phía nhà chức trách của quốc láng giềng để ngăn chặn đại dịch.

Ông Hun Sen cũng yêu cầu Bộ Y tế nước này phải làm việc với chính quyền địa phương để thắt chặt hoạt động của các trung tâm kiểm dịch.

Thủ tướng Campuchia lưu ý, trên thực tế, đây không phải là vấn đề phức tạp với những lượng người di chuyển qua lại từ phía Việt Nam bởi không có lao động nhập cư Campuchia nào sang Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ lưu ý rằng đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu để dịch bệnh lây lan, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam vào tuần tới.

Cà Mau: 38 người nhập cảnh trái phép từ Malaysia âm tính với Covid-19

Cùng với quyết tâm ngăn chặn nguồn virus corona lây nhiễm từ Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng dọc biên giới với Thái Lan phải tăng cao cảnh giác, tiếp tục ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào của dịch bệnh COVID-19 khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở xứ sở Chùa Vàng đang ngày càng tăng nhanh.

Việt Nam và Campuchia vẫn thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường phối hợp, tổ chức tuần tra chung bảo vệ đường biên giới, mốc biên giới, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới đất liền hai nước.

Trước đó, hôm 3/2, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận về hợp tác biên phòng. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc công tác quản lý biên giới theo bộ bản đồ ghi nhận 84% thành quả phân giới, cắm mốc.

Nhập cảnh trái phép ở biên giới Việt Nam – Campuchia giảm

Tình hình quản lý xuất nhập cảnh, nhất là các biện pháp tăng cường hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào, hay với Thái Lan, Malaysia được đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi làm việc hôm 4/2 vừa qua.

Cà Mau: Phát hiện, cách ly 38 đối tượng nhập cảnh trái phép từ Malaysia

Theo đó, ngày 4/2, đại diện Ban lãnh đạo TP.HCM do Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn có chuyến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Biên phòng phía Nam.

Trao đổi với ông Trần Lưu Quang và đoàn TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin cho biết, khu vực biên giới phía Nam của Việt Nam hiện nay từ tỉnh Kon Tum đến Kiên Giang đã tăng cường thêm 618 điểm chốt chặn với hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ, nhằm phát hiện, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua đường biên giới vào Việt Nam.

Theo Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép khu vực dọc đường biên giới Việt Nam – Campuchia có chiều hướng giảm.

Mặc dù vậy, theo tướng Nguyễn Hoài Phương, trong thời gian sắp tới, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, sẽ có số lượng lớn người Việt tại Campuchia, Thái Lan, Malaysia tiếp tục nhập cảnh về nước nghỉ lễ, đón tết.

Đại diện lực lượng Biên phòng lưu ý, trong số này, có nhiều đối tượng dù có hộ chiếu đầy đủ nhưng vẫn không đi đường chính ngạch vì sợ phải cách ly tập trung, lâu dài.

Ngoài ra, theo Trung tướng Nguyễn Hoài Phương, lực lượng Biên phòng thời gian qua đã phát hiện có tình trạng người nhập cảnh trái phép qua biên giới theo đường biển tại các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Theo đó, nhiều tàu, thuyền đưa người Việt qua biên giới và đậu ngoài khơi xa, điện cho các tàu thuyền ở trong đất liền ra vận chuyển người vào đất liền trong nước. Ngay tại các cảng, bãi của TP.HCM, hiện tượng các thuyền viên vi phạm quy định như vậy vẫn xảy ra.

Ông Hun Sen muốn Campuchia "xích gần" với Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trung tướng Nguyễn Hoài Phương khẳng định, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, chống nguy cơ nguồn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Không chỉ tuyến biên giới Tây – Nam, trải khắp Việt Nam, chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng cũng đang dồn sức, huy động lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, chốt chặn các đường mòn, lối mở, các điểm có thể qua lại được trên biên giới, đường từ nội địa ra khu vực biên giới, cả tuyến đường biển để ngăn chặn triệt để tình trạng vượt biên trái phép, đưa người nhập cảnh, ra vào biên giới trái quy định pháp luật.

Đáng chú ý, vừa qua, tại nhiều địa phương của Việt Nam còn tiến hành lắp đặt camera giám sát khu vực biên giới, kiên quyết ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh, thực trạng buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thảo luận