Các nhà khí hậu học được Sputnik phỏng vấn đều cho rằng, rất có thể già thiết của các đồng nghiệp Trung Quốc là đúng.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu 4 loại san hô ở đảo Vĩnh Hưng (Yongxing) và đảo Vĩnh Lạc (Yongle) – hai đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, tờ South China Morning Post giới thiệu về một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quaternary Sciences. Các mẫu vật được thu hồi từ những khu vực luôn ở dưới nước và hầu như không bị con người chạm vào.
Các nhà khoa học sử dụng phương pháp xác định niên đại uranium-chì để theo dõi quá trình thay đổi khí hậu từ năm 1520. Hóa ra, 500 năm trước, nhiệt độ ở nơi này của Biển Đông đã là thấp hơn nhiều so với hiện tại. Xu hướng ấm lên đã bắt đầu vào năm 1825. Kể từ đó, nhiệt độ tăng dần đều.
“Khí hậu luôn biến động, chỉ trong khoảng 100 năm trở lại đây mới có thêm yếu tố con người (tăng dần). Bắt đầu từ khoảng thế kỷ 16, khí hậu Trái đất trải qua một loạt các đợt lạnh giá đã dẫn đến thời kỳ “tiểu băng hà” (Little Ice Age — LIA). Lần gần đây nhất đợt lạnh giá đã được ghi nhận vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 19. Sau đó, khí hậu bắt đầu ấm lên. Trong thế kỷ 20, sự ấm lên do con người gây ra đã kết nối với quá trình này. Hai hiện tượng mà tôi nhắc đến (LIA và sự nóng lên) đã được ghi nhận trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc”, - Giáo sư Alexander Kislov, Chủ nhiệm Khoa Khí tượng và Khí hậu học của Đại học Tổng hợp Matxcơva, nhận xét về nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc.
Khí hậu luôn thay đổi
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Zhang Jihong, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Đại học Vũ Hán, cũng lưu ý rằng, các cuộc nghiên cứu mới nhất một lần nữa chứng minh rằng, khí hậu luôn thay đổi:
“Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang thảo luận về chủ đề biến đổi khí hậu. Một số nghiên cứu được công bố ở Trung Quốc cho thấy rằng, quá trình nóng lên khí hậu có những biến động. Nói về phát hiện mới ở Biển Đông, theo tôi, rất có thể sự ấm lên từ năm 1825 đã xảy ra trong chu kỳ dao động nhiệt độ”.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, các nước tham gia Hiệp định đã đồng ý giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vào năm 2050 so với năm 1990. Phát hiện mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy rằng, yếu tố con người không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều này có nghĩa là việc thực hiện Hiệp định Paris không còn mang tính cấp bách?
“Giờ đây, chương trình nghị sự của các nhà khoa học thế giới tập trung vào nội dung: liệu nồng độ khí nhà kính do con người thải ra có thể dẫn đến thảm họa khí hậu hay không. Chúng ta có thể thấy rằng, theo báo cáo thứ năm của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, hơn 95% rủi ro là do tác động của con người. Tức là, biến đổi khí hậu trên toàn thế giới không phải 100% do tác động của con người. Tôi nghĩ rằng, báo cáo thứ sáu cũng sẽ không nói về 100%. Vì vậy, theo tôi, phát hiện mới này sẽ không có tác động lớn nào đến các biện pháp đang được thực hiện để khắc phục biến đổi khí hậu”, - chuyên gia Zhang Jihong nói.
Ông cũng lưu ý rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp vẫn là ưu tiên hàng đầu của thế giới, vì phát triển các-bon thấp là hướng đi tuyệt vời nhất mà nhân loại có thể tiến tới. Đây là một quá trình tự nhiên, đồng thời nền kinh tế các-bon thấp có thể kích thích sự phát triển công nghệ.