Những điều cần biết khi cúng giao thừa Tân Sửu 2021, cách cúng giao thừa, mâm cỗ cúng giao thừa, văn khấn cúng giao thừa và những kiêng kỵ cần tránh khi cúng giao thừa được các nhà nghiên cứu, chuyên gia phong thủy hướng dẫn chi tiết để có thể thực hiện nghi lễ cúng giao thừa tốt nhất.
Những lưu ý khi cúng giao thừa ngoài trời
Truyền thống văn hóa phương Đông cho rằng, con người và vạn vật sinh trưởng, tồn tại trong trời đất.
Trên Thiên đình cũng có tổ chức vua quan trông coi hạ giới. Cứ mỗi năm, đến thời điểm giao thừa, Thiên đình lại thay toàn bộ các vị quan quân trông nom công việc dưới trần gian.
Do đó, mỗi gia đình có một mâm cỗ để tế cáo với Trời, tống cựu, nghênh tân, với ước nguyện sẽ có một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi về gia đạo và sự nghiệp.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các chuyên gia phong thủy nhận định, lễ cúng ngoài trời mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi ông cha từ ngàn xưa đã tin rằng mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian.
Cứ đến hết năm thì vị thần năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị thần năm mới. Do vậy, phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới.
Có 12 vị Hành khiển và 12 vị Phán quan, tức vị thần giúp việc cho các vị Hành khiển. Mỗi vị sẽ phụ trách trông coi hạ giới 1 năm và cứ sau 12 năm thì lại luân phiên trở lại.
Năm Tý: Chu vương Hành khiển, Thiên ôn hành binh chi thần, Lý tào phán quan.
Năm Sửu: Triệu vương Hành khiển, Tam thập lục thương hành binh chi thần, Khúc tào phán quan.
Năm Dần: Ngụy vương Hành khiển, Mộc tinh hành binh chi thần, Tiêu tào phán quan.
Năm Mão: Trịnh vương Hành khiển, Thạch tinh hành binh chi thần, Liễu tào phán quan.
Năm Thìn: Sở vương Hành khiển, Hỏa tinh hành binh chi thần, Biểu tào phán quan.
Năm Tỵ: Ngô vương Hành khiển, Thiên hao hành binh chi thần, Hứa tào phán quan.
Năm Ngọ: Tần vương Hành khiển, Thiên mao hành binh chi thần, Ngọc tào phán quan.
Năm Mùi: Tống vương Hành khiển, Ngũ đạo hành binh chi thần, Lâm tào phán quan.
Năm Thân: Tề vương Hành khiển, Ngũ miếu hành binh chi thần, Tống tào phán quan.
Năm Dậu: Lỗ vương Hành khiển, Ngũ nhạc hành binh chi thần, Cự tào phán quan.
Năm Tuất: Việt vương Hành khiển, Thiên bá hành binh chi thần, Thành tào phán quan.
Năm Hợi: Lưu vương Hành khiển, Ngũ ôn hành binh chi thần, Nguyễn tào phán quan.
Lễ cúng giao thừa ngoài trời cần chuẩn bị những gì?
Theo quan điểm của PGS.TS Trịnh Sinh, mâm cúng giao thừa ngoài trời bao gồm những lễ vật sau: mâm ngũ quả, nhang, bông, đèn, nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ thần linh. Mâm lễ mặn có thể bao gồm đầu heo luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng...
Nếu gia chủ là Phật tử thì có thể cúng mâm cỗ chay. Tất cả những vật phẩm trên nên được bày lên bàn trang trọng, đặt trước cửa nhà. Việc chuẩn bị mâm cỗ phải thật chu đáo, với lòng thành kính.
Đúng thời khắc giao thừa, gia chủ thắp đèn, nến, rót rượu, trà, rồi thành tâm khấn vái trước án.
Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời
Sputnik Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc tham khảo mẫu Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời trích từ cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn Hóa – Thông Tin).
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy: Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương. Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật. Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh. Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển. Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan. Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm cũ Canh Tý với năm Tân Sửu, chúng con là: …………….., sinh năm: ………, hành canh: ……….. tuổi, cư ngụ tại số nhà:………, ấp/khu phố:……….., xã/phường ……….., quận/huyện/ thành phố ......................, tỉnh/thành phố ........................
Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài cựu niên đương cái Thái tuế, ngài tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần. Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì. Nam mô A di đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Chú ý, gia chủ có thể viết sẵn văn khấn vào giấy để đọc. Sau khi hết 3 tuần nhang thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.
Cúng giao thừa trong nhà cần lưu ý những gì?
Sau khi hoàn tất lễ cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ tiếp tục khấn cáo với Thổ Công (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái), tức là vị thần cai quản trong nhà để xin thần cho phép tổ tiên về ăn Tết.
Lưu ý, ở miền Nam, thần Thổ Công thường được thay bằng Ông Địa và được thờ ở dưới đất.
Lễ vật cúng giao thừa trong nhà cũng tương tự như mâm cúng ngoài trời, chỉ bỏ mũ chuồn.
Cụ thể gồm: mâm ngũ quả, vàng mã, nhang, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay. Gia chủ đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn (đọc văn khấn).
Văn khấn giao thừa trong nhà
Sputnik giới thiệu đến bạn đọc mẫu Văn khấn cúng giao thừa trong nhà trích từ cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn Hóa – Thông Tin):
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
- Nam mô Đương lai Hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Nam mô Đông phương Giáo chủ Dược sư Lưu ly Quang vương Phật
- Nam mô Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần- các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm cũ Canh Tý với năm Tân Sửu
Chúng con là :……………......sinh năm: …………., hành canh: ………… tuổi (ví dụ: 75 tuổi), ngụ tại số nhà ………, ấp/khu phố ……….., xã/phường………., quận/huyện/thành phố ..........., tỉnh/thành phố .....................
Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật - Thánh, dâng hiến tôn thần, tiến cúng tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ thần, Phúc đức chính thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, bá thúc đệ huynh, cô di tỉ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng. Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám. Nam mô A di đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Thêm một lưu ý nữa, đó là năm nay Tân Sửu, Hỷ thần ở hướng Tây Nam, Tài thần cũng ở hướng Tây Nam, do đó gia chủ có thể quay theo hướng này để cúng khấn. Tuy nhiên, chỉ cần người đứng khấn quay mặt về hướng Tây Nam để cúng là đủ, chứ không nhất thiết phải đặt mâm cỗ về hướng đó.
Sau khi hoàn tất lễ cúng Giao thừa, các thành viên trong gia đình có thể thực hiện nghi lễ chúc Tết, hoặc đi lễ chùa để cầu bình an, may mắn trong năm mới.
Ở chung cư, cúng Giao thừa ngoài trời ra sao?
Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành), việc cúng 2 mâm cỗ trong và ngoài thích hợp với điều kiện của ngày xưa, khi mà nhà cửa đất đai còn rộng rãi, đa phần người dân ở nhà riêng chứ chưa có chung cư như ngày nay.
Theo chuyên gia Linh Quang, với những nhà chung cư, gia chủ chỉ nên bày một mâm cúng Giao thừa trong nhà là được. Bởi vì không gian bên ngoài của chung cư đa phần khá chật hẹp, hầu như không có diện tích cho vườn, không có đất nên gây khó khăn cho việc bày mâm cúng ngoài trời.
Còn nếu gia chủ vẫn muốn cúng Giao thừa ở chung cư ngoài trời, thì tốt nhất nên xuống dưới sân của tòa nhà chung cư để thắp nhang ngay vị trí hành lang của tầng nhà mình.
Lưu ý, khi thắp nhang cúng Giao thừa ở chung cư, gia đình nên mở tất cả cửa chính và cửa sổ trong nhà để không khí được lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng bí bách. Vì đa phần không gian trong chung cư khá kín, cần hạn chế việc sử dụng hương vòng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Hãy sử dụng ly đèn cầy để đảm bảo an toàn.
Đêm giao thừa kiêng kỵ điều gì để năm Tân Sửu vạn sự bình an?
Giao thừa là khoảnh khắc giao thoa của đất trời từ năm cũ sang năm mới. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng bởi sự sự giao thoa này mang đến một năm mới tràn đầy sức sống mãnh liệt.
Để có một năm mới tràn đầy an lành, sung túc và may mắn, người xưa khuyên chúng ta nên kiêng kỵ một số vấn đề.
Khi nói chuyện: Vào đêm giao thừa và những ngày Tết đến xuân về, tuyệt đối không được tranh cãi to tiếng, càng không nên mắng chửi người khác, làm cho mất đi không khí vui tươi ngày Tết, thể hiện sự bất kính đối với ông bà tổ tiên.
Trong các bữa tiệc Tất niên, năm mới, nếu được người lớn tuổi gắp thức ăn cho nhưng bạn đã no, hãy nói: “cháu có rồi”, tránh nói” cháu không cần”. Khi ăn xong đồ tráng miệng như hoa quả, hãy nói “nhiều quá” chứ đừng nói “hết rồi”.
Đặc biệt, trong những ngày đầu năm, hãy kiêng nói những từ không may mắn như “chết, phá, thua...”, vì những từ đó gọi đến điềm xấu. Tuy nhiên, nếu lỡi nói phạm thì hãy hóa giải các chúng bằng câu nói: “Đó là lời trẻ con, không có lỗi gì!”…
Khi cúng giao thừa: Truyền thống của nhiều gia đình người Hoa cho rằng, các thành viên của gia đình cần có mặt đông đủ, chuẩn bị bài cúng giao thừa, đồ cúng chu toàn sau đó mới mời hương hồn của tổ tiên về nhà ăn Tết. Nếu không như vậy, sẽ có thể dẫn đến việc gia đình không được đoàn viên, tiền tài thiếu sót, phúc lộc không dồi dào. Đặc biệt, sau khi cúng giao thừa xong, không ai được phép ngồi hai bên bàn thờ, vì như vậy là tranh chỗ của tổ tiên.
Nước trà uống thừa cũng không được đổ lên mặt đất, dễ gây nhầm với việc vẩy nước.
Ngoài ra, không được gọi tên của trẻ nhỏ khi đại tế, bởi quỷ hồn vô chủ lang thang bên ngoài nếu nghe thấy sẽ gây yểu mệnh.
Lúc gia đình ăn cơm thường kiêng kỵ khách đến, bởi điều đó khiến gia chủ năm mới không được bình an.
Vào đêm Giao Thừa: Trong đêm giao thừa, không được gây tiếng động lớn vì như vậy sẽ đánh thức ác quỷ.
Nên kiêng soi gương bởi soi gương vào đêm giao thừa dễ gặp “ác ma”. Tránh làm rơi vỡ các đồ vật trong nhà vì như vậy sẽ gây “phá vận”.
Đặc biệt, không đổ dầu của đèn ra sàn nhà, bởi nếu mùi rượu bị lấn áp bởi mùi dầu sẽ vô tình đánh thức ma quỷ, khiến chúng kéo đến.
Kể từ sau 12h đêm giao thừa trở đi, trong những ngày Tết, ông bà ta thường kiêng quét nhà với quan niệm, nếu quét nhà vào những ngày đầu năm mới sẽ đồng nghĩa với việc hất tài lộc, may mắn ra khỏi nhà.
Về chuyện quan hệ vợ chồng: Cha ông ta quan niệm nên kiêng kị chuyện vợ chồng vào những ngày rằm và mùng một, bởi chúng mang đến nhiều điều đen đủi, không may, thậm chí là đại hạn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nam và nữ.
Đặc biệt, vào thời khắc giao thừa và ngày đầu năm, điều này càng nên tránh, vì đây là ngày tổ tiên, ông bà về đoàn tụ với con cháu, làm vậy sẽ là bất kính với người trên.
Ngoài ra, còn một số kiêng kỵ khác đáng lưu ý. Nếu lỡ gặp tang sự vào đầu năm mới, thì trong đêm 30, ngày mùng một, mùng hai không báo tang. Câu đối xuân phải được đổi từ giấy đỏ sang giấy trắng, ngầm nhắc nhở cho mọi người biết.
Dân gian cũng cho rằng, ngày đầu năm nên kiêng ăn cháo trắng, vì ngày xưa, chỉ những gia đình nghèo khổ, khó khăn mới phải ăn cháo. Chính vì thế, trong bữa cơm đầu tiên của năm mới, mọi người không nên ăn cháo mà hãy sử dụng những thức ăn khác.
Thêm nữa, sáng mùng 1 Tết là ngày “muôn thần tề tựu”, việc ăn cơm nóng, với những món ăn trang trọng, đủ đầy cũng là thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
Người xưa có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mong rằng những lưu ý trên có thể giúp bạn đón một năm mới ngập tràn an lành, hạnh phúc và nhiều may mắn.
(Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo).