Nhưng với Chí Linh, Vân Đồn, Tết năm nay có những “người con” không về, có những căn bếp thiếu mùi bánh chưng, có một niềm vui chưa trọn vẹn.
Đếm ngày ra khỏi khu cách ly
Anh Tạm Văn Phức, 24 tuổi, là một trong số 8 người của nhà hàng, nơi bệnh nhân Covid-19 1553 (31 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) đến liên hoan tất niên. Ca bệnh là nhân viên sân bay Vân Đồn, được Bộ Y tế công bố sáng 28/1. Rất nhanh, đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, phát hiện và đưa đi cách ly những người có tiếp xúc gần với ca dương tính, đồng thời triển khai công tác xét nghiệm.
Nhà hàng của anh Phức dù cách sân bay Vân Đồn khoảng 40 km, đã được khoanh vùng căn cứ theo lịch trình khai báo của bệnh nhân. Theo chỉ đạo, anh Phức và toàn bộ nhân viên lẫn chủ nhà hàng đã nhanh chóng tập trung, đi vào khu cách ly ở Vân Đồn.
“Nhà hàng mình thuộc diện F1 và được yêu cầu cách ly 21 ngày. Tất cả mọi người từ chủ nhà hàng, đầu bếp đến nhân viên đều tự nguyện cách ly. Bọn mình cũng hoang mang chứ, vì vừa biết tin đã bị cách ly luôn”, anh Phức chia sẻ với Sputnik từ khu cách ly hôm 7/2.
Về điều kiện ăn ở tại khu cách ly, anh Phức nói: “Bọn mình được bố trí ở khách sạn Thái Linh (huyện Vân Đồn). Một ngày được phục vụ 3 bữa cơm, còn quần áo, vật dụng cá nhân bọn mình chuẩn bị từ nhà theo”.
Anh cho biết mọi người khá hoang mang, bất ngờ và không khỏi chạnh lòng, vì 21 ngày cách ly cũng đồng nghĩa với hết Tết.
“Mới đầu khi biết tin, bố mẹ mình cũng buồn và lo lắng lắm. Nhưng mình cũng động viên bố mẹ là trong này (khu cách ly) rất ổn, đầy đủ vật chất, sinh hoạt bình thường, nên mọi người cũng yên tâm cả rồi”.
Anh Phức nói rằng nhà hàng có một cô rửa bát khoảng 50 tuổi, cũng trong diện cách ly, nhưng tâm lý khá ổn định, bình thường. Toàn bộ nhà hàng của anh đã được xét nghiệm Covid-19 hai lần và đều nhận kết quả âm tính.
“Mọi người ai nấy động viên nhau chấp hành tốt các quy định, chung tay cùng chính quyền khống chế dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại như trước. Ở đây bọn mình cũng chỉ đếm ngày được về nhà thôi vì thật ra cũng buồn chán lắm”.
Anh Phức chia sẻ mong muốn không chỉ riêng Vân Đồn mà cả nước sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh với sự chung tay, đồng lòng của người dân.
28 năm lần đầu không về ăn Tết
Chị Phạm Ngọc Hoa, 28 tuổi, quê ở Sao Đỏ, Chí Linh, quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết ngay sau khi có quyết định phong tỏa thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 28/1, tỉnh Hải Dương phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh, nơi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 kể từ ngày 27/1. Chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ thành phố, người dân phải thực hiện khai báo y tế, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Chia sẻ với Sputnik qua Facebook, chị Hoa nói: “Năm nay đột nhiên chả hiểu thế nào lại mua đào, quất sớm. Chỉ định là về quê ăn Tết thì để Hà Nội có chút không khí, thế mà đùng một cái, thành phố Chí Linh bị phong tỏa, lại có chị Cô-vy hỏi thăm”.
Gọi điện về nhà, chị Hoa cho biết bố mẹ chị rất bình tĩnh, không tích trữ gạo, không mua sắm nhiều hơn thường lệ, phường thông báo gì đều làm theo, tuân thủ tuyệt đối.
“Không ai trách móc ai, không ai bàn tán gì, chỉ ở trong nhà và dõi theo xem việc gì sẽ xảy ra. Lúc này, quyết định đi hay ở của mỗi công dân sẽ đều là cánh én nhỏ làm nên mùa xuân cho cả cộng đồng. Có thể năm nay, Tết không nấu được bữa cơm nào cho bố, không cắm được cành hoa nào cho mẹ, nhưng ai cũng sẽ vui vẻ với việc làm này”, chị Hoa nói.
28 năm chưa lần nào chị Hoa đón Tết xa nhà, nhưng chị vẫn cảm thấy vững lòng, không tủi thân.
“Mong cho Hải Dương đồng lòng vượt qua đại dịch, mong cho các tỉnh và cả nước đều sẽ bình an dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa”, chị Hoa gửi gắm.
Chí Linh ảm đạm nhưng bền bỉ
Anh Vũ Tuấn Thủy, ở đường Nguyễn Thị Duệ, phường Thái Học, thành phố Chí Linh có cùng quyết định với chị Hoa.
“Vì tình hình dịch Covid-19 mà tôi quyết định không về quê. Tinh thần xác định là không về đúng Tết thì về sau Tết, không về được Tết này thì về Tết năm sau. Thà không về một lần để tránh lây lan virus, còn hơn là về mà gây lân lan dịch thì kể cả sau Tết cũng không về được”, anh chia sẻ với Sputnik.
Anh Thủy nói ở quê nhà, mọi điều kiện sinh hoạt, ăn uống, đi lại, tiếp xúc… đều đảo lộn. Gia đình anh không sắm sửa đầy đủ như mọi năm, không gói bánh chưng, chỉ mong đón cái Tết bình dị, sớm không còn bóng Covid-19.