Tương lai đang bị đe dọa
Vào tháng 3 năm 2020, một báo cáo của các chuyên gia từ Trung tâm Y học Sinh sản tại Bệnh viện Đồng Tế ở thành phố Vũ Hán đã được công bố trên trang web chính thức của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Các chuyên gia lưu ý rằng, hệ sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng và tổn hại vì Covid-19. Về mặt di truyền, coronavirus tương tự như các tác nhân gây bệnh viêm phổi không điển hình (SARS), đôi khi dẫn đến rối loạn cân bằng nội môi miễn dịch ở tuyến sinh dục nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và số lượng tinh trùng và dẫn đến vô sinh. Do đó, các tác giả của báo cáo khuyến cáo tất cả những người đàn ông từng bị nhiễm COVID-19 nên kiểm tra khả năng sinh sản.
Vài giờ sau, báo cáo đã bị xóa khỏi trang web, và chính quyền giải thích rằng vẫn chưa có đủ dữ liệu. Tuy nhiên, vào tháng 10, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, COVID-19 có thể gây viêm tinh hoàn, ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng và khả năng di chuyển của chúng. Họ đã rút ra kết luận này sau khi kiểm tra các mẫu mô từ tinh hoàn của 6 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc đã nghiên cứu tinh dịch của 23 người đàn ông khác mắc bệnh COVID-19 và khỏi bệnh. Chín người được chẩn đoán có số lượng tinh trùng thấp (39,1%) – oligozoospermia - vô sinh nam.
Một tháng sau, các nhà khoa học từ Đại học Miami (Mỹ) cũng cho biết rằng, SARS-CoV-2 có khả năng xuyên qua mô tinh hoàn. Họ đã kiểm tra mẫu mô của sáu người đàn ông tử vong do nhiễm trùng. Ở ba người trong số đó đã ghi nhận rối loạn nội tiết, dẫn đến giảm sinh tinh, và trong một mẫu họ đã phát hiện virus. Thời gian trung bình từ khi có kết quả xét nghiệm chẩn đoán dương tính (nhiễm vi-rút) với COVID-19 đến khi chết là 11 ngày. Những người này ở độ tuổi từ 20 đến 87 tuổi.
Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng, SARS-CoV-2 xâm nhập vào tinh hoàn, cũng như vào phổi, tim và ruột: nó liên kết với các thụ thể ACE2, nhưng chỉ khi bệnh nặng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc và Mỹ không tìm thấy dấu vết của virus trong bất kỳ mẫu tinh dịch nào của 34 bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Họ cũng không tìm thấy bất kỳ rối loạn nào trong quá trình sản xuất ra hormone sinh dục.
Làm rõ thêm
"Hiện nay có khá nhiều bài khoa học về chủ đề này. Có những dữ liệu khác nhau, nhưng vẫn chưa rõ liệu COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới hay không. Sau khi phân tích những dữ liệu này - những thiếu sót mà các tác giả đã không tính đến, chúng tôi đã quyết định thực hiện một nghiên cứu mới. Chúng tôi làm việc với hai nhóm: một nhóm thử nghiệm (các bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện của trường đại học) và một nhóm đối chứng - những người đàn ông khỏe mạnh chưa bao giờ mắc COVID-19. Mỗi nhóm bao gồm 44 người. Chúng tôi đã lấy các mẫu dưới sự kiểm soát của Vụ Thống kê Y tế của Đại học Sechenov. Giao thức các nghiên cứu được chuẩn bị cùng với các đồng nghiệp từ Đại học Y Vienna. Nói cách khác, kết quả nghiên cứu đáng tin cậy", - bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, giáo sư Dmitry Enikeev cho biết.
Nghiên cứu sẽ xác định những rủi ro đối với sức khỏe sinh sản của nam giới bị mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Các ca mắc nặng được nghiên cứu trên mẫu của những bệnh nhân đã qua đời.
Nhà khoa học lưu ý, rõ ràng là sức khỏe sinh sản đã xấu đi ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu virius là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
"Bây giờ chưa thể nói chắc chắn, nhưng, các đặc điểm lâm sàng toàn thân của SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến chất lượngtinh trùng và làm thay đổi nồng độ hormone sinh dục. Có lẽ, đây là vấn đề chính", - giáo sư nói.
Các chuyên gia Đức cũng đã báo cáo về điều tương tự. Trong vài tháng, họ đã theo dõi các bệnh nhân COVID-19 và những người đàn ông khỏe mạnh, đo lường các dấu ấn sinh học trong quá trình viêm, đánh giá stress oxy hóa và chất lượng tinh trùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, nồng độ và khả năng di chuyển của tinh trùng trong tinh dịch giảm đáng kể ở những người đã hồi phục. Sau đó chất lượng tinh trùng được cải thiện, nhưng, vẫn còn sự khác biệt so với những người tình nguyện khỏe mạnh từ nhóm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng, còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng, cần phải quan sát lâu hơn và nghiên cứu số lượng mẫu lớn hơn. Một điều quan trọng là trong tinh hoàn chỉ có số lượng nhỏ thụ thể ACE2, có nghĩa là xác suất virus xâm nhập vào đó là tương đối thấp. Cho đến nay, virus chỉ được phát hiện một lần trong tinh hoàn.
Còn những khẳng định rằng vaccine Covid có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản là không có cơ sở. Theo bác sĩ Katherine O'Brien, người đứng đầu cơ quan về miễn dịch thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những tin đồn như vậy là hoàn toàn sai sự thật.