Hơn nữa, khi lên kế hoạch tác chiến, các tướng lĩnh và đô đốc phương Tây phải nhờ đến sự giúp đỡ của Ukraina, và Kiev sẵn sàng làm bất cứ điều gì để xích lại gần hơn với NATO.
NATO hỗ trợ cho Ukraina
Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thẳng thừng tuyên bố rằng, khối này "đã tăng cường đáng kể sự hiện diện trên biên giới phía đông, bao gồm cả khu vực Baltic và Biển Đen", đồng thời ám chỉ về sự cần thiết phải tăng chi tiêu cho "các hoạt động phòng thủ và ngăn chặn".
Giải thích về việc kéo thêm lực lượng đến Biển Đen, Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, Hải quân Nga đã tăng cường hiện diện quân sự ở đây sau khi sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crưm. Đồng thời, người đứng đầu NATO giữ im lặng về việc các cuộc tập trận hải quân và không quân của Nga đều mang tính chất phòng thủ.
Mới đây, Stoltenberg cho biết rằng, "chỉ riêng trong ba tuần qua, ba tàu Hải quân Hoa Kỳ đã hiện diện ở Biển Đen và đã thực hiện các cuộc tập trận với Hải quân Ukraina”.
Hiện nay, Ukraina là đồng minh chính của NATO trong khu vực. Kiev chắc chắn rất vui mừng vì điều này và rất phấn khởi khi thấy các tàu chiến của liên minh triển khai ở Biển Đen. Chính quyền Ukraina không cảm thấy buồn trước viễn cảnh các đơn vị quân đội nước ngoài hiện diện thường xuyên trên lãnh thổ nước mình.
Một số cuộc tập trận chung quy mô lớn của Lực lượng vũ trang Ukraina và các đơn vị NATO được lên kế hoạch trong năm 2021. Về vấn đề này, Ukraina đã thông qua luật cho phép triển khai lính nước ngoài ở nước này. Chỉ trong một năm, tại đây sẽ tổ chức tám cuộc tập trận đa quốc gia với sự tham gia của 11 nghìn quân nhân nước ngoài - người Mỹ, người Ba Lan, người Romania, người Anh.
Ngoài ra, Ukraina hy vọng NATO sẽ hỗ trợ trong việc giám sát tình hình trên không dọc biên giới Nga .
Xin nhắc lại rằng, vào năm 2016, Kiev đã thông qua các sửa đổi xác định việc gia nhập NATO là một mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, người Ukraina vẫn không được phép vào liên minh, mặc dù NATO đã đưa Ukraina vào danh sách các nước mong muốn là thành viên. NATO trao cho nước này quy chế “Đối tác cơ hội nâng cao”.
Hành vi hung hăng “vô cớ”
NATO, đặc biệt là Mỹ, tăng cường hoạt động ở Biển Đen trong một thời gian dài. Kể từ khi Crưm sáp nhập LB Nga vào năm 2014, các tàu chiến, máy bay trinh sát và UAV của Mỹ thường xuyên tiếp cận biên giới Nga. Điều này được thực hiện với lý do "đảm bảo an ninh và tăng cường sự hiện diện để phòng thủ". Mặc dù Matxcơva đã nhiều lần nói rằng, Nga không có kế hoạch tấn công bất kỳ ai.
Các thành viên NATO tận dụng mọi cơ hội để đưa tàu chiến đến Biển Đen. Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis khá thường xuyên hiện diện trong khu vực. Và sau vụ khiêu khích khi các tàu hải quân Ukraina xâm phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch, người Mỹ bắt đầu đến đây thường xuyên hơn. Trong năm 2019, các tàu chiến Mỹ đã tám lần vào Biển Đen. Các thủy thủ đoàn thực hành tương tác, tham gia các cuộc huấn luyện chung với các thủy thủ Ukraina.
Bộ Tổng tham mưu Nga cũng ghi nhận sự gia tăng số chuyến bay của các máy bay chiến lược Mỹ gần biên giới Nga. Lực lượng không quân vũ trụ Nga đã nhiều lần phát hiện những chiếc máy bay chiến lược B-52 và điều máy bay tiêm kích tới chặn chúng. Có lúc trên Biển Đen xuất hiện cả những phi đội máy bay- người Mỹ không ngần ngại thực hiện các kịch bản huấn luyện tấn công vào các cơ sở trên bán đảo Crưm.
Hơn nữa, vào tháng 9, Kiev đã lần đầu tiên cho phép máy bay ném bom chiến lược Mỹ bay vào không phận của mình. Ba chiếc máy bay chiến lược đã tiến hành cuộc tập trận tương tác với các máy bay chiến đấu của Ukraina. Ba chiếc B-52 đã bay đến Ukraina từ Ba Lan.
Khi đó, Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ LB Nga, Thượng tướng Sergei Surovikin lưu ý đến hoạt động tích cực chưa từng có của không quân NATO trên Biển Đen, ông cho biết rằng, số lượng các chuyến bay do thám trong khu vực đã tăng 40% và gần bán đảo Crưm - 60%. Đôi khi có tới 5 chiếc máy bay NATO cùng lúc bay chỉ cách biên giới Nga 15 km.
Pháo đài bất khả xâm phạm
Lực lượng Hải quân và Không quân Vũ trụ Nga luôn phải phản ứng với các tàu chiến và máy bay nước ngoài trong khu vực phụ trách của họ. Nếu nói về vũ khí phòng thủ, ngày nay bán đảo Crưm là một trong những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của đất nước. Mọi nỗ lực vượt biên bất hợp pháp trên không hoặc từ phía biển đều bị ngăn chặn nghiêm ngặt.
Nhiệm vụ bảo vệ bán đảo trên không gian được giao cho Sư đoàn Phòng không số 31 được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400. Để đánh chặn những kẻ xâm nhập, các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30, máy bay ném bom Su-24 và máy bay cường kích Su-25 đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại các sân bay Dzhankoy, Belbek và Gvardeyskoye.
Nhân tiện, gần đây các phi công Crưm đã thể hiện năng lực của họ trong thực tiễn. Các thủy thủ Mỹ đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh các chiến đấu cơ Nga bay ở tầm thấp và có lúc chỉ cách tàu khu trục Mỹ Donald Cook vài trăm mét ở Biển Đen. Mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây cố gắng đánh giá thấp Su-24, gọi nó là loại máy bay lỗi thời, nhưng, những hình ảnh được công bố cho thấy rõ rằng, trong trường hợp tình hình trở nên trầm trọng hơn, khu trục hạm Mỹ có thể bị không kích và bị đánh chìm.
Về thành phần hải quân, Hạm đội Biển Đen đã trẻ hóa đáng kể trong vài năm qua. Mỗi năm những tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ hiện đại nhất được đưa vào biến chế Hạm đội Biển Đen.
Các đơn vị Lực lượng tuần duyên của Quân đoàn 22 thuộc Hạm đội Biển Đen chịu trách nhiệm bảo vệ bờ biển. Vũ khí chính của chúng là các tổ hợp Bal và Bastion với tên lửa hành trình có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt nước ở khoảng cách lên đến 500 km.
Lữ đoàn Phòng thủ bờ biển số 126 hoạt động trên bộ được trang bị xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3. Ngoài ra còn có Trung đoàn pháo binh số 8 được trang bị pháo Msta-S 152 mm, hệ thống tên lửa phóng loạt Tornado-G và hệ thống tên lửa chống tăng Khrizantema.