Đại dịch COVID-19

Tuần này vắc xin Covid-19 sẽ về Việt Nam, 11 nhóm đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm trước?

HÀ NỘI (Sputnik) - Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH AstraZeneca nhập khẩu 204.000 liều vắc-xin 'COVID-19 vaccine AstraZeneca' về Việt Nam vào ngày 28/02. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đã xác định những người đầu tiên sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19.
Sputnik

Những đối tượng được ưu tiên trước theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và WHO

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, đây là những liều vắc-xin AstraZeneca đầu tiên trong khoảng 110 triệu liều dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vắc-xin COVID-19, đang nỗ lực tối đa để có đủ vắc-xin cho toàn dân trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng Thuấn cho biết:

Khi nào vắc xin Covid-19 ‘Made in Vietnam’ được tiêm trên diện rộng?

“Theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế. Trong các cuộc họp về phân phối vắc-xin, mặc dù có không ít tranh luận, nhưng cuối cùng chúng tôi đều đi đến đồng thuận”.

Khi nguồn cung vắc-xin tăng lên, ngoài nhóm ưu tiên được nêu trên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vắc-xin một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vắc-xin, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng COVID-19. Đây là phương án Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt, ông Trần Văn Thuấn cho biết:

“Để có được tỷ lệ bao phủ vắc-xin kỳ vọng trên là thách thức vô cùng lớn của các quốc gia không riêng gì nước ta. Một trong các giải pháp quan trọng là đa dạng hoá nhiều nguồn cung ứng vắc-xin, bao gồm vắc-xin của Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình tiêm chủng COVID-19”.

Thời gian nghiên cứu vắc-xin ‘Made in Vietnam’ sẽ được rút ngắn

Đối với vắc-xin do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết:

Lộ diện ‘Mạnh thường quân’ đưa 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam

“Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vắc-xin trong nước mà còn công bố cho quốc tế”.

Sau giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn khoảng 50% thời gian, TS. Quang đề xuất không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu tại 1 điểm ở Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Hiện tại, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 người đăng ký tại Bến Lức. TS. Quang bày tỏ mong muốn, ngay trong đầu tuần này, có thể sàng lọc, chọn lựa người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng tiến độ giai đoạn 2.

Dự kiến vào ngày 26/02 tới, sẽ tổ chức tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức. Theo đúng tiến độ, mũi thứ 2 sẽ tiêm vào cuối tháng 3 và đến cuối tháng 4/2021 sẽ có kết quả nghiên cứu của giai đoạn này. Tiếp đó, nếu các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng yêu cầu liên quan đến tính an toàn, tính sinh miễn dịch, giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong đầu tháng 5/2021.

Việt Nam chuẩn bị đủ kho siêu lạnh để nhập vắc-xin ngừa Covid-19

Hội đồng của Bộ Y tế thống nhất để đảm bảo tính khoa học, giai đoạn 2 vẫn triển khai ở nhóm 3 liều (25-50 và 75mcg); đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm người không tiêm vắc-xin để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vắc-xin.

Hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5 có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, chuyển sang giai đoạn 3. Giai đoạn 3 với khoảng từ 10.000 - 15.000 người tình nguyện tham gia, có thể mở rộng lựa chọn đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng hay tính khoa học.

TS. Quang hy vọng Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3 với tiến độ triển khai như hiện nay. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị đã rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.

Bộ Y tế công bố 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vaccine COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine này cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm:

  • Nhân viên y tế.
  • Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).
  • Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
  • Lực lượng quân đội.
  • Lực lượng công an.
  • Giáo viên.
  • Người trên 65 tuổi.
    Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
  • Những người mắc các bệnh mạn tính.
  • Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
  • Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Vaccine ngừa COVID-19 được COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam với số lượng 4.886.600 liều  (25-35% trong quý I/2021 và 65-75% trong quý II/2021), sẽ được phân bổ cho các nhóm đối tượng như sau. Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Trong quý II, COVAX sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 quân nhân, 304.000 cán bộ, chiến sĩ công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vaccine. Tới quý III, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vaccine cho các quốc gia để tiêm chủng cho tối đa 20% dân số. Theo đó, trong quý III, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người được tiêm. Số lượng vaccine này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên, 7.600.000 người trên 65 tuổi, 1.930.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7.000.000 người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Theo hướng dẫn này, vaccine sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do COVID-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông quan trọng. Chương trình COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận  vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập để cung cấp vaccine COVID-19 cho 190 quốc gia.

Trước đó, GAVI đã chính thức xác nhận Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vaccine. GAVI và COVAX Facility dự kiến hỗ trợ toàn bộ vaccine cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thuộc Liên minh. Tuy nhiên, trên cơ sở ước tính hiện tại, Chương trình sẽ cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vaccine hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 cụ thể là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có đủ nguồn vaccine; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Thảo luận