Ngày 03/02 vừa qua, Thủ tướng vừa phê duyệt đề án với kinh phí 2.150 tỷ đồng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Bộ Công an xây dựng. Điểm nổi bật của đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" là ngoài giúp cảnh sát xử phạt nguội, lập biên bản điện tử, hệ thống camera trên toàn quốc sẽ giúp cảnh báo ùn tắc, tai nạn, xe mất cắp...
Đề án mang lại lợi nhiều hơn thiệt
Với tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng đều bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, đề án được thực hiện từ năm 2021 đến 2025 và được chia làm 3 dự án chính. Qua đó, hệ thống camera sẽ được lắp trên các tuyến quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc trên toàn quốc, cũng như tuyến đường ở TP Hà Nội và TP HCM.
Dự án một do Cục Cảnh sát giao thông làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera. Bao gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...
Dự án thứ hai, ba có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp Trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM sẽ do công an của các thành phố này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án 650 tỷ đồng. Đối với 2 dự án này, phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, TP HCM sẽ xây dựng thêm hệ thống phần mềm tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiển thị xe thuộc diện phải giám sát (xe mất cắp, xe tai nạn bỏ chạy, xe đang trong chuyên án cần theo dõi...).
Trên các tuyến cửa ngõ ra, vào ở hai thành phố lớn, cổng các nhà ga sẽ được bổ sung màn hình điện tử phục vụ công tác chỉ huy điều hành giao thông, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, CSGT của hai thành phố này được trang bị máy tính bảng chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và điều tra giải quyết tai nạn giao thông tại hiện trường...Đại diện Cục CSGT nhấn mạnh:
"Việc lắp đặt được làm từ đầu, cùng thời điểm xây mới cao tốc sẽ vừa giảm được nhiều công đoạn, chi phí và có thể khai thác được sớm, mang lại nhiều lợi ích".
Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, cảnh sát giao thông chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...
Việt Nam hiện có hơn chục tuyến cao tốc và gần 130 tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam, tuy nhiên chỉ một số tuyến được lắp đặt camera. Cụ thể, cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 262 km, có 110 camera giám sát; cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 61,9 km có 11 camera; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 130 km, lắp đặt 78 camera. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 330 km có 90 camera; đoạn TP HCM - Đồng Nai đã lắp đặt 43 camera. Tại TP Hà Nội và TP HCM cũng có hệ thống với cả nghìn camera xử phạt, camera an ninh, camera giao thông đưa vào hoạt động nhiều năm trước, tuy nhiên chỉ tập trung ở các tuyến phố trung tâm, trọng điểm.