Quy trình bầu cử 500 ĐBQH khóa XV trong năm 2021, sẽ được thực hiện qua 3 vòng hiệp thương : Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 17/02; Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 vào ngày 19/03 và Hội nghị hiệp thương lần 3 vào ngày 18/04. Sau khi kết thúc 3 vòng hiệp thương, vào ngày 23/05, người dân cả nước sẽ bắt đầu trực tiếp đi bầu cử 500 ĐBQH khóa XV.
Ngày 23/05: người dân cả nước chính thức được đi bầu cử
Cụ thể, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 17/02 đến ngày 14/03 và được chia làm 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 là từ 22-27/02 (85-90 ngày trước ngày bầu cử), thời gian này các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia.Giai đoạn 2 diễn ra 80 ngày trước ngày bầu cử, sẽ công bố số đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Kết thúc giai đoạn 3 của Hội nghị hiệp thương, sẽ thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội cho đến 17 giờ ngày 14/03 sẽ kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử.
Ngày 19/03 sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần 2 và được chia làm 2 giai đoạn chính: Thành lập tổ bầu cử vào ngày 03/04 và niêm yết danh sách cử tri vào ngày 13/04. Sau 5 ngày, Hội nghị hiệp thương lần 3 sẽ bắt đầu vào ngày 18/04, bao gồm 3 giai đoạn: Ngày 28/04 – công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngày 13/05 sẽ ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử và kết thúc vận động bầu cử vào ngày 22/05.
Cả nước bầu cử 500 đại biểu quốc hội vào 23/05 và sẽ công bố kết quả bầu cử, cũng như danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hôi. Trong số 500 đại biểu Quốc hội, sẽ có 207 đại biểu ở các cơ quan trung ương và 293 đại biểu ở các địa phương.
Bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả và thẩm tra tư cách đại biểu trúng cử
Theo quy định của pháp luật, thời gian của cuộc bỏ phiếu thường bắt đầu từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, hoặc muộn nhất là 9 giờ tối, của ngày bầu cử. Khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, việc kiểm phiếu sẽ được Tổ bầu cử tiến hành ngay tại phòng bỏ phiếu với sự chứng kiến của hai cử tri không phải thành viên Tổ bầu cử.
Trước tiên, Tổ bầu cử sẽ loại các phiếu không hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và kiểm phiếu trên cơ sở các phiếu hợp lệ. Kết quả kiểm phiếu tại phòng bỏ phiếu sau đó được chuyển tới Ban bầu cử của đơn vị bầu cử tương ứng tập họp và xác định kết quả bầu cử.
Người trúng cử là người được quá một nửa số phiếu bầu hợp lệ, với điều kiện đã có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách đi bầu tại đơn vị bầu cử. Trường hợp số người đạt quá nửa số phiếu hợp lệ nhiều hơn số ghế đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử thì những người có số phiếu cao nhất tương ứng với số lượng ghế đại biểu Quốc hội sẽ trúng cử (Điều 78 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dần năm 2015). Như vậy, ngay tại thời điểm tập họp kết quả bỏ phiếu tại Ban bầu cử thì đã có thể biết được ứng cử viên nào trúng cử đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là kết quả chính thức. Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ là cơ quan tập hợp kết quả bầu cử tại tất cả các đem vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên cả nước, công bố, thẩm tra và xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội. Sau tất cả các công đoạn đó, Hội đồng bầu cử quốc gia cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử. Đến thời điểm này, ứng cử viên được bầu mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội khóa mới.