Đại dịch COVID-19

Sáng 25/02: Không ca nhiễm Covid-19 mới, Việt Nam lên chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 25/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, nhiều địa phương đã nhiều ngày không phát hiện thêm ca bệnh, Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.
Sputnik

Tính đến thời điểm sáng ngày 25/02, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 2.412 trường hợp, trong đó có 1.513 ca lây nhiễm trong nước. Đợt dịch thứ 3 bắt đầu từ ngày 27/01 đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố ghi nhận 820 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó Hải Dương nhiều nhất với 636 ca, Quản Ninh 61 ca, TP. HCM 36 ca, Hà Nội 34 ca…Một trong những tin vui trong sáng nay, các cơ sở y tế cả nước công bố thêm 14 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.804 trường hợp và số ca tử vong vẫn là 35 trường hợp.

Chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch COVID-19 cao nhất là bao nhiêu?

Cập nhật tình hình sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm Covid-19, BN1536 là nữ, 79 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang rất nguy kịch, tiên lượng tử vong cao. Các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đánh giá, bệnh nhân này còn nặng hơn bệnh nhân 91 phi công người Anh. Cụ thể đến hôm nay, BN1536 đã qua 40 ngày điều trị, bắt đầu chạy ECMO từ ngày 02/02, tuy các y bác sĩ đã rất nỗ lực nhưng diễn biến bệnh nhân vẫn rất nặng do tuổi cao và nhiều bệnh lý nền.

Hiện vẫn còn một số địa phương đang còn phải cách ly, theo dõi sức khoẻ hơn 88.000 người, trong đó cách ly tại bệnh viện 592 trường hợp, cách ly tập trung 12.000 người, cách ly tại nhà gần 76.000 người. Tổng kết có tới 10 địa phương đã trải qua nhiều ngày không có ca bệnh mới, như: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP. HCM 12 ngày, Hà Nội 9 ngày.

Tại cuộc họp với Chính phủ ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận:

“Đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt".

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam

Ngày hôm qua 24/02, ngay sau khi tiếp nhận hơn 117.000 liều vắc xin Astrazeneca đầu tiên trên tổng số hơn 90 triệu liều dự kiến trong năm 2021, Bộ Y tế đã có cuộc họp chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại Việt Nam. Cuộc họp diễn ra giữa lãnh đạo Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc xin phòng COVID-19. Qua đó, các bên đã tiến hành trao đổi các nội dung liên quan đến việc tiêm chủng vaccine như cấp phép cho vắc xin, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.

Sau hành trình gian nan được đưa về Việt Nam, khi nào sẽ chính thức tiêm vắc-xin phòng COVID-19?

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều.

Bộ Y tế cũng cam kết sẽ giải quyết ngay các vấn đề liên quan tới thủ tục để đảm bảo vắc xin của Chương trình COVAX Facility sớm được nhập vào Việt Nam. Theo nghiên cứu vắc xin của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông,  nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan  thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vắc xin này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.

Chính vì thế, lãnh đạo Bộ đã giao các đơn vị chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, cũng như công tác truyền thông cho kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.

Quảng Ninh xin góp 530 tỷ để giúp Chính phủ lo vắc xin

Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành Y tế. Qua đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường Y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.

Thảo luận về đánh giá sau tiêm, các đại biểu nhấn mạnh bất cứ vắc xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là khi vắc xin phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm. Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin sau tiêm…

Thảo luận