Hiệp hội nghề cá địa phương đã quyết định giữ lại lô cá đánh bắt này để chờ xác nhận an toàn, theo tin từ NHK.
Theo những người đánh bắt cá, được hãng tin NHK trích dẫn, con cá bắt vào ngày 22 tháng 2 tại khu vực cách thành phố Sinchi 8,8 km, ở độ sâu 24 mét.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản Đại dương Fukushima, cơ quan giám sát nồng độ phóng xạ trong cá và động vật vỏ cứng ngoài khơi, họ đã kiểm tra 4261 mẫu vào năm ngoái, trong đó có 50 mẫu cá vược. Không có trường hợp nào vượt quá mức an toàn quy định.
Kể từ ngày 1 tháng Tư năm 2012, Nhật Bản đã áp dụng hàm lượng tiêu chuẩn chất phóng xạ cesium trong hải sản là 100 (becquerels) Bq / kg. Trước ngày 31 tháng Ba năm 2012, con số tiêu chuẩn an toàn là 500 Bq / kg.
Ngày 14 tháng hai năm 2021, sau trận động đất mạnh 7,1 độ richter với tâm chấn tại địa bàn tỉnh Fukushima, công ty điện lực TEPCO thông báo việc rò rỉ nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bị hư hại trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng đảm bảo nước tràn không gây ra mối đe dọa môi trường, vì lượng nước quá nhỏ và hàm lượng nhiễm xạ không đáng kể. Trước đó, các chuyên gia làm việc tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1" cho hay hàm lượng chất phóng xạ ở vùng biển ngoài cảng dưới mức ngưỡng quy định. Tuy nhiên, các chất đồng vị phóng xạ đã được xác định ở nhiều điểm trong cảng, do thẩm thấu qua mạch nước ngầm.
NHK dẫn lời Kamiyama Kyoichi, trưởng phòng nghiên cứu phóng xạ Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản và Đại dương Fukushima, người đã bày tỏ sự lo ngại trước hàm lượng cesium phóng xạ cao trong con cá bị đánh bắt, mặc dù nồng độ chất phóng xạ trong nước và dưới đáy biển gần khu vực Shinchi thấp dưới ngưỡng. Theo ông, nguyên nhân thực sự có thể là do con cá này đã bơi vào vùng nước của cảng kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Ý kiến chuyên gia thế nào?
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên viên từ Liên minh Hệ sinh thái - Xã hội Nga, nhà vật lý hạt nhân Andrei Ozhadovsky cho biết:
"Khi vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân xảy ra vào năm 2011, trước hết người ta nói về nguy cơ cá ở khu vực này của đại dương bị nhiễm xạ. Đồng thời, các loại động vật khác nhau hấp thụ chất phóng xạ theo những cách khác nhau. Cá vược và cá thu đao dễ bị nhiễm xạ nhất. Và cá kích thước càng lớn thì càng có nhiều khả năng bị nhiễm xạ, vì cá to sống lâu hơn. Theo như tôi được biết, vào tháng Tư năm 2011, 940 nghìn tỷ becquerels phóng xạ chất cesium-137 đã rò rỉ ra dưới biển.
Đúng là vào tháng 5, lượng phát thải từ nhà máy điện giảm, và trong những năm tiếp theo, nồng độ phóng xạ cũng giảm xuống. Tuy nhiên, hơn một triệu tấn nước nhiễm xạ vẫn còn lưu trong nhà máy. Đây là nước được sử dụng để làm mát lò phản ứng, cũng như nước mưa và nước ngầm trong vùng xảy ra tai nạn.
Chúng tôi đã nhiều hơn một lần nghe nói về sự rò rỉ, nhưng tôi không có dữ liệu đầy đủ. Mặc dù tôi nghe nói đến năm 2022, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thải nước ra đại dương. Nhưng quá trình này sẽ mất ít nhất ba thập kỷ. Tất nhiên, trước khi xả nước, nước sẽ được tinh lọc làm sạch các tạp chất phóng xạ. IAEA tin rằng nước được lọc tốt có thể thải ra đại dương mà không gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, ngư dân và các tổ chức môi trường lại tin vào điều ngược lại".
Năm 2018, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá và hải sản từ tỉnh Fukushima và một số địa phương khác trong cùng khu vực. Tuy nhiên, các sản phẩm từ các tỉnh này phải được kèm theo giấy chứng nhận cho biết thông tin về nơi xuất xứ, cũng như kết quả xét nghiệm lô sản phẩm này về sự nhiễm xạ. Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo sẽ tiến hành giám sát phóng xạ có chọn lọc đối với cá và hải sản.