PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ: Vaccine quan trọng nhất là “ Vaccine Ý thức”

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02) là dịp để toàn xã hội tôn vinh những thầy thuốc chân chính, hết lòng vì bệnh nhân. Đồng thời đây cũng là thời gian để mỗi người trong ngành y tự nhìn nhận lại mình, để sống và cống hiến xứng đáng với vị trí cao quý của nghề nghiệp.
Sputnik

Nhân dịp này, phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, người đã và đang có những đóng góp nhiều đóng góp to lớn và giá trị cho những người mắc bệnh phổi và nền Y học nước nhà..

Sputnik: Cảm ơn PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ đã nhận lời phỏng vấn. Xin PGS.TS cho biết cơ duyên nào giúp ông gắn bó với Bộ môn Lao và Bệnh phổi? Trong quá trình học tập và thực hành, PGS.TS đã gặp phải những khó khăn nào? 

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ: Sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y năm 1978, tôi được giữ lại làm giảng viên tại Đại học Quân y. Lý do là vì tôi tốt nghiệp Thủ khoa chứ không phải vì có đặc ân gì (bố mẹ là nông dân). Công tác tại bệnh viện quân y 103, Đại học Quân y (bây giờ là Học viện Quân y), chuyên ngành lao và bệnh phổi cũng không là sự lựa chọn ban đầu của tôi. Môi trường Quân đội thì khi đã phân công nhiệm vụ là phải chấp hành mệnh lệnh.

Bô trưởng Bộ Y tế: 'Chuyên gia nước ngoài và người nhập cảnh có thể là ‘mầm bệnh’ của Covid-19 chủng mới'

Tuy nhiên tôi gắn bó với chuyên ngành lao và bệnh phổi là do người thầy mà người đó chi phối rất nhiều quyết định của tôi –  Cố Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Bùi Xuân Tám. Chính sự say mê nghề nghiệp và cách thức truyền đạt kiến thức y học, mê say làm các kĩ thuật can thiệp chuyên khoa của Thầy mà khiến cho các bác sĩ trẻ như tôi ngày đó… mê mẩn với nghề.

Hơn nữa chuyên ngành này hồi đó chưa phải là chuyên ngành được biết đến nhiều, nhất là còn khá nhiều “kì thị” về bệnh lao - một căn bệnh ngày xưa gọi là 1 trong “Tứ chứng nan y”. Đó cũng là khó khăn mà không phải riêng tôi mà tất cả các đồng nghiệp làm trong chuyên ngành này phải đối mặt. Chấp nhận làm việc trong chuyên ngành này là ít nhiều chịu thiệt thòi, song có lẽ vì đam mê mà gắn bó với nó như một cơ duyên. Và thế là từ đó đến khi về hưu gần 35 năm tôi đã gắn bó với chuyên ngành lao và bệnh phổi và với Chương trình chống lao Quốc gia.

Sputnik: Với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, xin PGS.TS đánh giá về thành tựu y khoa Việt nam nói chung và chuyên ngành lao và bệnh phổi nói riêng?

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ: Đánh giá của riêng tôi về một lĩnh vực có thể là quá rộng. Song phải khẳng định rằng, ngành Y tế Việt Nam đạt được nhiều  thành tựu “tuyệt vời”. Phải nhìn từ những ngày đầu non trẻ của Y tế Việt nam vốn sinh ra và lớn lên cùng với các cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc mới thấy cái sự tuyệt vời ấy. Từ thiếu thốn cả về con người và vật tư y tế, thuốc men… của những ngày đầu sơ khai cho đến nay chúng ta đã có những kỹ thuật y tế ngang hàng các nước tiên tiến trên thế giới như can thiệp y khoa với sự hỗ trợ của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, ghép tạng v.v.

Bên cạnh những tiến bộ kỹ thuật thì việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu của ngành y tế Việt nam. Tuổi thọ trung bình của người dân được nâng cao, chất lượng phát triển thể chất con người được cải thiện, không một đại dịch bệnh nào không được khống chế… đã cho thấy ngành Y Việt nam đã đúng hướng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, lấy dự phòng là chính. Hệ thống y tế cơ sở rộng khắp và càng ngày càng hoàn thiện, đảm bảo cho một nền Y tế vì dân, vì sức khỏe cộng đồng bền vững.

Bộ trưởng Bộ Y tế: ‘Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021’

Với chuyên ngành lao và bệnh phổi cũng rất rõ nét. Từ ngày thành lập chuyên ngành (1957) và sự định hướng của Cố Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vị Bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của nước Việt nam và là “ông tổ” của ngành lao và bệnh phổi Việt nam bằng cách xây dựng “mạng lưới chống lao và bệnh phổi toàn quốc” đã đưa thành tựu của chuyên ngành lên một tầm cao, xứng tầm quốc tế.

Câu nói của ông “Chỉ có thể nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước, mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm” như là định hướng của chuyên ngành. Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá Chương trình chống lao của Việt nam hiện nay đã trở thành một “hình mẫu” của chương trình chống lao toàn cầu, đủ thấy thành tựu của công tác chống lao tại Việt Nam. Cùng với công tác chống lao, công tác chinh phục các bệnh phổi khác cũng đã được Bộ y tế rất quan tâm. Bằng việc đổi tên Bệnh viện từ bệnh viện Lao và Bệnh Phổi thành Bệnh viện Phổi Trung ương (2009) và trên toàn hệ thống, việc đổi tên Bộ môn lao thành Bộ môn lao và Bệnh phổi là một thay đổi mang tính Chiến lược, đã làm cho chuyên ngành lao và Bệnh phổi vững vàng và phát triển với các chương trình vì sức khỏe cộng đồng trong quản lý các bệnh phổi mạn tính khác.

Việt Nam là một quốc gia đang khống chế tốt bệnh lao và quản lý chặt từ công đồng các bệnh phổi như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là nhờ đóng góp tích cực, hiệu quả của chuyên ngành lao và bệnh phổi. Đội ngũ cán bộ Y tế làm công tác chống lao đông đảo, có chất lượng cao cùng với các kĩ thuật chẩn đoán sinh học phân tử được triển khai đến tuyến cơ sở, các phương pháp điều trị mới, hiện đại được áp dụng tận người dân đã là những minh chứng cho thành tựu của chuyên ngành lao và bệnh phổi.

Sputnik: Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, đặc biệt tại quê hương Hải Dương, xin PGS.TS đánh giá về công tác dập dịch Covid 19 tại đây? 

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ: Hải Dương là một tỉnh đồng bằng, với mạng lưới giao thông rộng, đa dạng và rất thuận lợi, nhiều khu công nghiệp lớn, có tiềm năng phát triển kinh tế. Nhưng những ưu thế đó sẽ trở thành những khó khăn thách thức một khi một dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng. Dịch Covid 19 đến với Hải dương sau Hà Nội, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng. Hải Dương đã có kinh nghiệm thu được từ các địa phương đó. Ngay từ đầu hệ thống Y tế Hải Dương dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bộ y tế, Ủy ban Nhân dân… đã khẩn trương vào cuộc. 

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam: 'Chúng ta đã thắng chiến dịch Covid-19 mở đầu nhưng chưa thắng cả cuộc chiến'

Từ điểm dịch ở 36 Ngô Quyền tại Hải Dương năm 2020 đến điểm dịch tại Chí Linh đầu năm nay còn phức tạp và quy mô rộng hơn, song mọi việc đã trong tầm kiểm soát. Khoan hãy nói đến những cái chưa được khiến cho công tác chống dịch chưa được như mong muốn, mà đánh giá chung về tình hình thì thấy rằng sự chỉ đạo của hệ thống chính trị là kịp thời và hỗ trợ chuyên môn là rất có hiệu quả. 

Đội ngũ y tế của Hải dương nói chung và của Chí Linh nói riêng đã “gồng mình” thực sự; bởi lẽ sự không cân đối giữa “thiếu thốn nguồn lực” với sự bùng phát nhanh và mạnh của dịch. Các loại dịch bệnh lây qua đường hô hấp thì là loại dịch bệnh khó kiểm soát, trong khi dịch Covid 19 có tới hơn 85% người lành mang virus mà không có triệu chứng. Tỉnh Hải Dương có đề xuất  Ấn Độ viện trợ gần 300.000 liều vaccine Covid-19, nhưng theo tôi thì dù có vaccine cho loại virus này cũng đừng hy vọng là hết dịch và nhất là không được chủ quan, coi vaccine là bảo bối, là vũ khí tuyệt đối. 

Vaccine quan trọng nhất là “Vaccine Ý thức”! Có nghĩa là mỗi người hãy biết giữ cho “lá phổi của mình được khỏe mạnh” bằng khẩu trang, bằng khử khuẩn, bằng giữ khoảng cách cần thiết… như 5K của Bộ y tế khuyến cáo. Mà điều này thì không chỉ Hải dương mà bất kì tỉnh nào cũng nên truyền thông cho dân hiểu và thực hiện một cách tốt nhất có thể. Với nhận thức như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được dịch Covid 19 cũng như sẵn sàng ứng phó với bất cứ loại bệnh dịch nào khi xuất hiện tại cộng đồng. 

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn PGS.TS đã trả lời phỏng vấn.

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Sỹ: Xin cảm ơn nhà báo!

Thảo luận