Ngoài ra, theo quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh đang xem xét liệu sự tham gia CPTPP có thích ứng với triển vọng thị trường trong nước.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được tạo ra bởi New Zealand, Singapore và Chile như một khu vực thương mại tự do. Dần dần, các nước khác trong khu vực bắt đầu tham gia TPP. Dưới thời chính quyền Barack Obama, Hoa Kỳ đã tích cực ủng hộ sáng kiến này như một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. TPP bao gồm 12 thành viên có thể trở thành một hiệp định thương mại ưu đãi, có mục đích cắt giảm hàng rào thuế quan, điều chỉnh các quy tắc nội bộ của các nước tham gia trong lĩnh vực luật lao động, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, v.v.
TPP - đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc
Do TPP được Hoa Kỳ thúc đẩy như một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, nên Bắc Kinh đã không được mời tham gia. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi TPP với lý do tham gia hiệp định này không có lợi cho Hoa Kỳ. Sau đó, 11 nước thành viên TPP còn lại đã đạt được thỏa thuận về việc ký kết một hiệp định thương mại mới - CPTPP. Nhìn chung, nó bao gồm tất cả các điểm chính của thỏa thuận TPP. Mục tiêu cuối cùng của hiệp định này là tạo nên một khu vực tự do thương mại ở vùng Thái Bình Dương tương tự như thị trường châu Âu.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, tỷ trọng của hiệp định này trong nền kinh tế thế giới giảm mạnh. 11 nước tham gia chỉ chiếm 11% GDP thế giới. Hơn nữa, trong CPTPP không có lãnh đạo kinh tế rõ ràng giữ vị trí đầu tàu, tạo động lực cho quá trình phát triển hợp tác thương mại trong khuôn khổ hiệp định. Tất nhiên, các nước tham gia hiệp định thương mại với nhau, nhưng, hai đối tác thương mại chính của họ là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Do đó, khi không có sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đóng vai trò nhà lãnh đạo mới và người truyền cảm hứng cho CPTPP.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc không bày tỏ ý muốn tham gia hiệp định. Tuy nhiên, năm ngoái, các nhà chức trách CHND Trung Hoa cho biết họ đang xem xét tham gia CPTPP. Chuyên gia Chen Hong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
"Vào tháng 11 năm 2020, khi phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu việc tham gia CPTPP. Sau khi ký kết Hiệp định RCEP, Bắc Kinh tiếp tục tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác đầu tư và thương mại đa phương và song phương. Điều này cho thấy rằng, Trung Quốc tích cực ủng hộ thương mại tự do. Sau khi Trump tuyên bố rút khỏi TPP, Nhật Bản, Australia và các nước khác bắt đầu thúc đẩy một định dạng mới - CPTPP. Vào thời điểm đó, nhiều người bày tỏ ý muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất hoặc lớn thứ hai của nhiều quốc gia. Do đó, việc Trung Quốc tham gia các hiệp định thương mại khu vực như RCEP hay CPTPP sẽ giúp cải thiện thương mại khu vực, đưa thương mại tự do lên một tầm cao mới, tăng cường đảm bảo về thể chế và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh doanh giữa các nước thành viên. Đồng thời, việc tham gia RCEP hoặc CPTPP sẽ tác động tích cực đến việc đẩy nhanh cải cách các hệ thống và thủ tục liên quan ở Trung Quốc, vì vậy đây là sự hợp tác cùng có lợi".
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc quyết định tham gia CPTPP, con đường gia nhập sẽ không dễ dàng. Bắc Kinh sẽ phải đạt thỏa thuận về các điều khoản với tất cả các bên tham gia, bao gồm Úc, Nhật Bản, Canada. Trung Quốc có những mâu thuẫn nhất định với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Ví dụ, Bắc Kinh có các vấn đề thương mại với Úc, sau khi Trung Quốc cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm rượu vang, lúa mạch, thịt bò, than đá. Quan hệ với Canada cũng đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sau khi Ottawa, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, bắt giữ giám đốc điều hành Huawei. Cuối cùng, triển vọng của Trung Quốc gia nhập CPTPP vẫn lờ mờ nếu Hoa Kỳ đột ngột muốn quay trở lại hiệp định. Không thể loại trừ khả năng Mỹ tham gia trở lại hiệp định có chú ý đến việc Tổng thống Biden đã hủy bỏ nhiều sắc lệnh của người tiền nhiệm.
Mặt khác, chính quyền Mỹ lại đi theo hướng hội nhập vào các cơ chế tài chính và thương mại quốc tế. Vì thế, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, chuyên gia Chen Hong nhận xét.
"Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong quá trình quản trị toàn cầu. Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển bình thường và hiệu quả của thương mại thế giới. Chính quyền mới của Mỹ đang thay đổi hướng đi từ chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ vốn là đặc trưng của thời Trump, sang việc quay trở lại một số cơ chế đa phương. Trung Quốc muốn hợp tác với các nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, để hợp lực và cùng nhau khôi phục nền kinh tế toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế công bằng".
Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu
Tuy nhiên, các nước khác tham gia CPTPP khó có thể phản đối việc Trung Quốc gia nhập hiệp định này. Trung Quốc là thị trường tiêu dùng và đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia tham gia, bao gồm Úc, New Zealand và Nhật Bản. Tự do hóa thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của các sản phẩm của họ trên thị trường, điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới là lớn hơn so với tất cả các thành viên CPTPP cộng lại, vì vậy sự tham gia của Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể ảnh hưởng của hiệp hội này đối với tất cả các quá trình thương mại trên thế giới. Sự tham gia của Trung Quốc trong những hiệp định thương mại quốc tế như vậy cho thấy rõ rằng, Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào hệ thống thương mại thế giới theo các quy tắc chung.