Đổ xô lắp lưới an toàn ban công, ban hành chỉ thị mới sau sự cố bé gái rơi ở chung cư

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau sự cố bé gái rơi từ tầng 12A tại một chung cư ở Hà Nội, nhiều hộ gia đình đã tìm đến dịch vụ lắp lưới an toàn ban công. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ e, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã.
Sputnik

‘Mất bò mới lo làm chuồng’

Theo khảo sát trên thị trường, tùy theo kích thước mà giá lắp đặt lưới an toàn ban công tại các khu chung cư hiện nay dao động khoảng 130.000-250.000 đồng/m2. Chủ một cửa hàng chuyên cung cấp lắp đặt lưới an toàn ban công ở Hà Nội cho biết sau ngày bé gái rơi từ tầng cao chung cư, cửa hàng đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi đặt lắp lưới an toàn ban công. Chủ cửa hàng này cho biết:

Vì sao anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu được bé gái rơi từ tầng 12 chung cư?

"Từ sáng nay, hơn 20 người gọi điện hỏi tôi giá lắp đặt ở chung cư. Giá mà cửa hàng anh cung cấp, đối với loại lưới đường kính 3 mm có giá 150.000 đồng/m2; đường kính 2,5 mm có giá 140.000 đồng/m2. Nếu ô cửa sổ nhỏ hơn 1 m2, giá quy định là 250.000 đồng, đã bao gồm công lắp và vật tư”.

Chủ cửa hàng này cũng thông tin thêm, lưới an toàn có sợi cáp nhỏ, có độ bền cao, không nhìn thấy từ khoảng cách xa, giống như một hàng rào vô hình bảo vệ ban công. Tương tự, một chủ cửa hàng chuyên lắp đặt lưới an toàn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cũng chia sẻ ngày thường lượng khách đặt lắp lưới an toàn ban công khá ít, khoảng 1-2 đơn/ngày. Anh nói:

"Chỉ đến khi xảy ra các sự cố rơi từ ban công, nhiều người mới đổ xô lắp đặt".

Theo anh, đây là một giải pháp an toàn vừa chống trộm bên ngoài, vừa bảo đảm an toàn cho dân cư sống trong tòa nhà cao tầng, đặc biệt trong gia đình có trẻ em hiếu động. Anh nói thêm:

Báo động nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn tại các chung cư cao tầng

"Tôi nhận lắp lưới an toàn ban công diện tích trên 10 m2 với giá 150.000 đồng/m2; từ 5 đến 10 m2 giá 170.000 đồng/m2; dưới 5 m2 giá 200.000 đồng/m2".

Sau khi nghe được thông tin một bé gái rơi từ tầng 12A một chung cư ở quận Thanh Xuân, rất nhiều phụ huynh đã không khỏi lo lắng khi nhà mình cũng không có tấm lưới bảo vệ ở ban công. Rất nhiều người đã bắt đầu lên mạng tìm đơn vị lắp lưới an toàn ban công. Một phụ huynh cho biết:

"Nhà tôi ở tầng 20 chung cư, cũng dự định lắp lưới bảo vệ từ lâu nhưng lại quên. Sau sự việc bé gái rơi từ tầng cao, tôi phải tìm người lắp luôn vì nhà có 2 cháu nhỏ hay đùa nghịch".

Chị cũng chia sẻ nhiều nhà hàng xóm của chị cũng lo lắng tương tự. Qua sự kiện vừa rồi, rất nhiều hộ gia đình sống tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội đã liên hệ các đơn vị lắp đặt lưới an toàn ban công. Trên các diễn đàn khu chung cư, các bài đăng tìm, nhận lắp đặt lưới an toàn ban công trở nên nhộn nhịp. Video bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư được anh chở hàng cứu sống ngoạn mục:

Chỉ thị mới về phòng, chống thương tích cho trẻ em được ban hành

Trước tình hình trên, một ngày sau khi sự việc xảy ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã, cụ thể như sau:

  1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
  2. Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
  3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em. Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
  4. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Thảo luận