Ban ngày buồn ngủ có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hiếm gặp

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, phó tiến sĩ y khoa Mikhail Poluektov đã nêu ra những lý do khiến người ta cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Sputnik

Những nguyên nhân nào gây ra chứng buồn ngủ vào ban ngày?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu trong vòng một ngày đêm bình thường có người ngủ từ 7 tiếng trở lên mà không do phải hoạt động hay làm việc quá sức, ví dụ như các vận động viên, thì tình trạng này có thể có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là rối loạn giấc ngủ ban đêm.

“Ngủ đủ thời gian chưa có nghĩa là ngủ sâu giấc hay ngủ ngon. Trong khi ngủ có thể thức giấc nhiều lần, kết quả là giấc ngủ không thực hiện được chức năng phục hồi cơ thể của nó và sáng hôm sau người ta không cảm thấy mình được nghỉ ngơi. Ví dụ, điều này xảy ra với căn bệnh được gọi là hội chứng ngưng thở khi ngủ”, - ông Poluektov nói.

Những rối loạn như vậy có thể được phát hiện nhờ những nghiên cứu về giấc ngủ, và bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực này.

Khám phá ích lợi của giấc ngủ trưa

Lý do thứ hai không liên quan gì đến giấc ngủ, mà liên quan đến sự tỉnh táo. Cụ thể, trong một số bệnh, người ta nhầm lẫn buồn ngủ với cảm giác yếu mệt, uể oải và suy nhược. Trạng thái buồn ngủ tăng lên (hội chứng ngủ nhiều, hypersomnia) là đặc điểm của những người mắc một số bệnh hiếm gặp.

“Hội chứng ngủ nhiều là dấu hiệu phổ biến của một căn bệnh gọi là chứng ngủ rũ (narcolepsy), khi não bộ không có đủ năng lượng để duy trì trạng thái hoạt động mạnh mẽ, và thỉnh thoảng con người cần phải chợp mắt để hồi phục. Chứng ngủ nhiều có những dạng hiếm gặp hơn, chẳng hạn như hội chứng Người đẹp ngủ, tên khoa học là Hội chứng Kleine-Levin (KLS). Điều này xảy ra ở nam giới nhiều hơn, nhưng nó cũng xảy ra ở các cô gái khi nhu cầu ngủ của họ tăng mạnh khiến họ ngủ thiếp đi trong vài ngày hoặc vài tuần. Họ có thể thức dậy, ăn uống, tắm rửa và ngủ tiếp. Tình trạng này sau đó qua đi và họ lại cảm thấy bình thường, nhưng rồi sẽ còn lặp lại. Đây là một căn bệnh bí ẩn hiếm gặp chưa rõ nguyên nhân”, - chuyên gia lưu ý.
Thảo luận