Các cuộc tuần tra của hải quân và không quân Mỹ, cũng như các chuyến đi theo kế hoạch tới khu vực Biển Đông của tàu chiến Pháp và tàu chiến Anh là một phần trong chiến lược của NATO nhằm tiến gần biên giới Trung Quốc, các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn cho biết.
Lầu Năm Góc tăng cường phát triển chiến lược quân sự mới chống Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh cho Nhóm Đặc nhiệm về Trung Quốc bắt đầu hoạt động, thông cáo ngày 1 tháng 3 trên trang web của Lầu Năm Góc cho biết.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, nhóm đặc nhiệm sẽ xác định các ưu tiên trong hoạt động theo hướng Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến tháng 6, nhóm cần đưa ra "khuyến nghị và hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề về Trung Quốc". Thông cáo nhấn mạnh rằng công việc này của Lầu Năm Góc là một phần trong phân tích quan hệ Mỹ-Trung của chính phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn nhóm này tìm ra những điều Mỹ cần làm để đáp trả các thách thức mà Trung Quốc gây ra.
Trước đó, trong tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nêu nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế khả năng cạnh tranh công nghệ của Trung Quốc. “Vấn đề cạnh tranh công nghệ ngày càng trở nên quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Trung” - Trưởng nhóm Đặc nhiệm Ely Ratner cho biết. Ông Ely Ratner là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về châu Á và hiện là Trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Thời Biden là Phó Tổng thống, Ratner là một trong số các cố vấn an ninh của ông ta.
Nhóm đặc nhiệm đối phó với Trung Quốc của Lầu Năm Góc gồm những ai?
Nhóm có 15 người gồm các nhân viên của Lầu Năm Góc và Cơ quan tình báo.Tuy nhiên, Thiếu tướng dự bị, chuyên gia Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Pavel Zolotarev cho biết trả lời phỏng vấn với Sputnik rằng, để soạn thảo khuyến nghị về Trung Quốc, Lầu Năm Góc phải thu hút nhiều đại diện của giới chính trị và quân sự trong nước:
“Theo kinh nghiệm được biết về việc chuẩn bị các tài liệu như vậy cho Lầu Năm Góc, chắc là phải có một số nhóm hoạt động song song. Bên ngoài Lầu Năm Góc, các cơ quan nghiên cứu của Quốc hội thường liên kết với nhau. Ngoài ra còn có nhiều quỹ và các tổ chức tư vấn khác nhau. Sau đó, tất cả các nghiên cứu của họ được tổng hợp lại để soạn thành tài liệu cuối cùng. Đây là quá trình ra quyết định phổ biến ở Mỹ”.
Lầu Năm Góc thúc đẩy các đồng minh của Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Tại cuộc họp trực tuyến gần đây của các bộ trưởng quốc phòng NATO, Bộ trưởng Lloyd Austin đã gọi vấn đề "Trung Quốc đang phát triển" là một trong nhiều nguy cơ đe dọa và thách thức mà Liên minh phải đối mặt. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc các đồng minh NATO thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của nước này gây ra các vấn đề phức tạp đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Ông Lloyd Austin bày tỏ hy vọng các đồng minh sẽ có những hoạt động chung để giải quyết vấn đề này.
Theo chuyên gia Vladimir Yevseyev từ Viện nghiên cứu chiến lược của Nga (Russia's Institute for Strategic Studies RISS), lập trường như vậy của Mỹ có thể sẽ thể hiện trong các khuyến nghị tới đây của Nhóm đặc nhiệm về Trung Quốc:
“Chính quyền Biden đang thực hiện nhiều cam kết với các đồng minh. Xét đến điều này, cần phải lường trước rằng các cam kết như vậy sẽ được giải quyết bằng các đề xuất tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiến hành tập trận thường xuyên hơn và cho tàu bè qua lại vùng biển tranh chấp. Điều đó khiến cho áp lực đối với Trung Quốc gia tăng, không chỉ bằng hành động của tàu chiến, mà còn bởi máy bay do thám các nước đồng minh. Có nghĩa là, những gì chúng ta đang quan sát hiện nay liên quan đến Nga sẽ được thực hiện đối với Trung Quốc, gần biên giới Trung Quốc, chủ yếu là ở Biển Đông.
Một mặt, Mỹ gánh thêm nhiều nghĩa vụ kiềm chế Trung Quốc, mặt khác Mỹ không đủ sức để làm việc này, nên tàu chiến Pháp và tàu chiến Anh sẽ xuất hiện ở Biển Đông. Rõ ràng, trong tình huống như vậy, Trung Quốc buộc phải tăng cường tiềm lực quân sự để đáp trả hành động của NATO. Trước hết là đáp trả bằng các tàu nổi và tàu ngầm, cũng như tăng cường thành phần lực lượng không quân" - chuyên gia Vladimir Yevseyev nói.
NATO đang tiến gần biên giới Trung Quốc?
Pháp đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Sau khi điều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Émeraude và tàu hỗ trợ Seine đến khu vực này hồi tháng Hai, Pháp đang chuẩn bị trung chuyển các tàu chiến của mình. Trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên Jeanne d'Arc bắt đầu ngày 18 tháng 2, tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục nhỏ Surcouf khởi hành từ cảng Toulon ở Địa Trung Hải để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Nhật Bản và Mỹ ở Thái Bình Dương trong tháng 5 tới. Trên đường đi, các tàu của Pháp sẽ đi qua vùng Biển Đông. Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng chúng sẽ đi qua eo biển Đài Loan.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực này. Pháp và Anh là đồng minh của Mỹ trong NATO, liên kết với nhau bởi các lợi ích địa chính trị chung. Chuyên gia Pavel Zolotarev thấy rõ vai trò hàng đầu của Mỹ trong sự liên kết này:
“Các hành động cụ thể, tích cực hơn của NATO là sự tiếp nối hoàn toàn tự nhiên trong chính sách của Mỹ. Mỹ không muốn các đồng minh NATO ngồi yên tại doanh trại của mình và hài lòng với thực tế là họ đã giảm ngân sách quốc phòng xuống dưới 2% GDP. Mỹ hiểu rằng họ không có đủ lực lượng của mình để chống Trung Quốc, do đó họ kêu gọi các đối tác NATO đối đầu với Trung Quốc, kể cả thực hiện các sứ mệnh ở Biển Đông. Đến lượt mình, Trung Quốc sẽ không giảm bớt hoạt động về tạo dựng và phát triển các căn cứ trong khu vực này, về gia tăng an ninh giao thông vận tải” - chuyên gia Pavel Zolotarev nhấn mạnh.
Trung Quốc cảnh báo Pháp và Anh leo thang căng thẳng ở Biển Đông
Ý chí và quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Phía Trung Quốc cực lực phản đối mọi quốc gia can thiệp vào các vấn đề khu vực với lý do "tự do hàng hải" và gây tổn hại đến lợi ích chung của các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố này được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra đáp lại yêu cầu bình luận về quyết định của Hải quân Pháp gửi tàu chiến đến Biển Đông trong khuôn khổ sứ mệnh đảm bảo "tự do hàng hải", cũng như các hoạt động sắp tới của hạm đội Anh trong khu vực.
Một tuyên bố khác của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 1/3 có thể coi là phản ứng nhằm kiềm chế phía Mỹ. Được biết, kế hoạch của Nhóm Đặc nhiệm về Trung Quốc của Lầu Năm Góc cũng bao gồm việc soạn thảo các khuyến nghị liên quan đến sự tương tác của Bộ Quốc phòng Mỹ với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bày tỏ hy vọng các bên sẽ giải quyết các khác biệt trên tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hy vọng phát triển ổn định quan hệ liên quân đội, củng cố sự tương tác của phía Mỹ với Trung Quốc nhằm tăng cường liên hệ và mở rộng hợp tác thực tế.
Trong khi đó, ngày 2 tháng 3, quân đội Trung Quốc và Mỹ đang giám sát chặt chẽ các hoạt động của nhau dọc theo biên giới phía Nam Trung Quốc. Tổ chức tư vấn Bắc Kinh The South China Sea Strategic Situation Probing Initiative đã thông báo về sự xuất hiện gần đây của tàu trinh sát Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông. Tuần trước, Mỹ đã phái máy bay trinh sát và máy bay không người lái tới khu vực này.
Dẫn nguồn Tư lệnh Mặt trận quân sự miền Nam Trung Quốc, kênh truyền hình quốc gia CCTV đưa tin về cuộc tập trận bắn đạn thật của Quân đội Giải phóng Trung Quốc, nhưng không nói về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc tập trận này. Trong khi đó, tuần trước có tin rằng hơn 10 máy bay ném bom của Trung Quốc, kể cả máy bay hải quân H-6J tiên tiến nhất của Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận hải quân. Hoạt động này diễn ra sau khi hai tàu sân bay Mỹ dẫn đầu nhóm tấn công xuất hiện đồng thời trong khu vực Biển Đông.