Chỉ có phong trào đình công ngày càng gia tăng tại Myanmar và đối thoại quốc tế với chính quyền quân sự mới có thể giải quyết xung đột ở nước này, nơi mà từ ngày 1 tháng 2, quân đội đã lật đổ nội các, bắt giữ nguyên thủ quốc gia và lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia về Myanmar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện An ninh và Quan hệ Quốc tế của Đại học Chulalongkorn Bangkok, bà Gwen Robinson bày tỏ ý kiến như vậy.
Theo bà Gwen Robinson, lệnh trừng phạt quốc tế hay nổi dậy không vũ trang theo kiểu “cách mạng màu” sẽ không giải quyết được nhiệm vụ nhanh chóng trả lại quyền lực cho các chính trị gia dân sự Myanmar.
Nổi dậy thất bại, đình công có hiệu quả
Bà Gwen Robinson nói: "Nhiều chuyên gia nói thế này: quân đội Myanmar không phải là chế độ quân sự mà các lệnh trừng phạt quốc tế và cuộc nổi dậy toàn dân trên đường phố có thể lật đổ, đặc biệt là nổi dậy không vũ trang".
Theo bà Robinson, tình huống trớ trêu là ở Myanmar có 26 đội quân dân tộc vũ trang với 50 năm kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc nội chiến chống chính quyền trung ương, nhưng hiện nay tất cả những công dân Myanmar đang tham gia các hoạt động đường phố đều không có vũ khí, vì vậy rất dễ bị bởi lực lượng quân đội vũ trang đàn áp.
"Đúng vậy, người dân phẫn nộ (với quân đội) đến nỗi, rất có thể, chúng ta sẽ thấy tiền lệ những người biểu tình tay không chống lại lực lượng vũ trang, và nhiều người trong số họ sẽ không bỏ chạy dưới làn đạn. Nhưng nói chung, cuộc biểu tình không vũ trang này rất dễ bị tổn thương khi sử dụng quân đội vũ khí quân dụng", - nhà phân tích chính trị Gwen Robinson giải thích.
Tuy nhiên, nói rộng hơn, cuộc biểu tình dưới hình thức chiến dịch bất tuân dân sự đang diễn ra ở Myanmar đang dần dần khiến cho toàn bộ hệ thống chính quyền của đất nước bị sụp đổ.
"Phần lớn công chức hiện đang bỏ việc để tham gia phong trào. Ở Myanmar có khoảng một triệu công chức các cấp và 70-75% số đó đang đình công", – bà Gwen Robinson nói.
Vấn đề đặt ra ở đây là những người đình công sẽ cầm cự được bao lâu khi không có tiền lương, bà Robinson nói thêm. Nhiều công chức bị đuổi khỏi các căn hộ nhà nước cùng với gia đình vì tham gia đình công.
"Nhưng hệ thống tương trợ những người tham gia phong trào bất tuân dân sự đang phát triển nhanh chóng, vì vậy họ sẽ có thể cầm cự lâu hơn quân đội nghĩ", - chuyên gia nói thêm.
Quân đội vẫn chưa chuyển sang chế độ bắn giết hàng loạt khi trấn áp phong trào đường phố, mặc dù đã có nhiều nạn nhân trúng đạn lạc khi binh lính xả súng bắn "trên đầu đám đông", bà Gwen Robinson nói tiếp.
"Quân đội vẫn chưa chuyển sang bắn giết hàng loạt vì họ cho rằng người dân bị cúp lương và nói chung là mất sinh kế sẽ không thể duy trì được cường độ biểu tình cao trong thời gian lâu dài. Chính quyền quân đội cho rằng một tháng là đủ cho việc này, nhưng rõ ràng là một tháng vẫn không đủ. Phong trào phản đối vẫn đang tiếp tục phát triển", – nhà phân tích chính trị bình luận.
Bà Robinson cho rằng sự kiện ngày 28 tháng 2, khi ở nhiều thành phố, chính quyền quân sự chuyển sang các biện pháp khắc nghiệt hơn để giải tán biểu tình, khiến 17 người thiệt mạng trong một ngày, cho thấy quân đội Myanmar thực sự hiểu rằng chỉ có một cách hành động duy nhất đối phó với phong trào đường phố là sử dụng vũ lực cứng rắn.
"Hôm Chủ nhật, các đơn vị dân quân có kinh nghiệm quân sự đã được phái đi trấn áp biểu tình trên đường phố, kể cả ở Rakhine và các bang khác, nơi mà dân chúng tiếp tục phản kháng vũ trang với "các đội quân sắc tộc”. Sẽ không còn xa nữa, các biện pháp cứng rắn nhất sẽ được sử dụng để đối phó với người biểu tình", - bà Robinson nói.
Những người biểu tình ôn hòa có rất ít cơ hội chiến thắng trong tình huống như vậy, nhưng những người tham gia chiến dịch bất tuân vẫn còn nhiều nguồn lực và họ chỉ cần cầm cự trong khoảng hai tháng, bà Robinson nói.
"Trong thời gian đó, sẽ có thể thấy rõ ràng là quân đội không thể điều hành đất nước một cách độc lập", - nhà phân tích chính trị giải thích.
"Hiện giờ ngân hàng, dịch vụ thu gom rác trong thành phố, cơ quan thuế không hoạt động, giao thông công cộng gián đoạn ở nhiều nơi, kể cả đường sắt. Cuộc đình công cũng đã lan ra ngành sản xuất và phân phối điện trong nước. Có thể điều hành đất được bao lâu trong tình hình như vậy? Người dân biết rõ điều này, vì vậy, đình công hàng loạt là vũ khí lợi hại trong tay người dân, theo thời gian sẽ có khả năng bắt chính quyền quân đội nhượng bộ".
Bà Robinson nói thêm rằng điều này không có nghĩa là chính quyền quân đội sẽ bị phá hủy trong một đêm, hoặc các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự sẽ công khai đưa ra mọi lời xin lỗi và ra đi.
"Họ sẽ không bao giờ làm điều đó. Tôi có thông tin rằng quân đội đang tìm kiếm các nhân viên chủ chốt trong cơ quan nhà nước và cố gắng thuyết phục hoặc buộc họ phải đi làm", – bà Robinson nói.
Theo ý kiến chuyên gia, công nhân đường sắt sẽ là những người tiếp theo phải chịu áp lực nặng nề.
"Nhưng ngay cả khi đưa người đến làm việc dưới họng súng, họ sẽ không làm việc tận tâm nếu họ không muốn. Họ có thể làm ngược lại: lao động với tốc độ chậm chạp, khi đó không thể làm gì với họ, trừ khi thể hiện với họ sự tàn ác như với động vật", - chuyên gia phân tích chính trị nói.
Đối thoại hiệu quả hơn biện pháp trừng phạt
"Liệu ở Myanmar có thể xảy ra thỏa hiệp với quân đội hay không? Giờ đây, rất nhiều nhà ngoại giao thông minh và không thông minh lắm từ tất cả các bên đang làm việc này. Thái Lan đóng vai trò vừa là tác nhân vừa là nền tảng ngoại giao con thoi: tại đây, lần đầu tiên kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền, đại diện đối ngoại của chính phủ quân sự đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Indonesia", - bà Robinson nói.
"Hiện giờ thế giới đang tích cực nói về các lệnh trừng phạt – kể cả Mỹ và các quốc gia châu Âu. Nhưng dưới chế độ quân sự cũ trước đây, Myanmar từng sống trong cấm vận nhiều thập kỷ, quân đội không lạ gì điều này. Trong trường hợp Myanmar, lệnh trừng phạt không phải là phương pháp hiệu quả", - nhà phân tích chính trị Robinson nói tiếp.
Bà Robinson ghi nhận rằng: "Cũng cần có một điều kiện là quân đội sẽ không giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhưng rõ ràng họ có kế hoạch làm như vậy".
Bà Robinson lưu ý rằng nhiều người trong cộng đồng chuyên gia đặt hy vọng vào cái gọi là "Kế hoạch ASEAN", tuy hiện nay nó vẫn chưa được chính thức hóa thành một chương trình rõ ràng.
"Giống như cuộc đàm phán ngày 1 tháng 3 tới tại cuộc họp trực tuyến không chính thức đầu tiên giữa các ngoại trưởng ASEAN, với sự tham gia của đại diện chính quyền quân sự mới Myanmar, bản chất của "Kế hoạch ASEAN" là dần dần đi đến thỏa thuận. Ví dụ, quân đội Myanmar sẽ được tương đối yên ổn trong một năm, theo nghĩa không bị chỉ trích gay gắt và không chịu bất kỳ hành động nào từ ASEAN nói chung hoặc các nước thành viên ASEAN nói riêng. Nhưng với điều kiện là sau thời gian này, quân đội Myanmar sẽ phải tổ chức bầu cử dân chủ và những người thắng cử sẽ lên nắm quyền", – bà Robinson nói.
Đồng thời, điều kiện tiên quyết trong thỏa thuận như vậy là phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ từ ngày 1 tháng 2 và trong những ngày tiếp theo, trước hết là các nhà lãnh đạo dân sự của đất nước - Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, chuyên gia Robinson nhấn mạnh.
"Ngoài ra còn một điều kiện là quân đội sẽ không giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhưng rõ rằng là họ có kế hoạch sắp tới sẽ làm như vậy", nhà phân tích chính trị Robinson nói.
Những sai lầm lẽ ra có thể tránh được
"Tôi nghĩ rằng các tướng lĩnh Myanmar, những người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm, từ lâu đã chuẩn bị các lý lẽ pháp lý để đối thoại với bất kỳ bên nào hoài nghi hành động của họ. Trong điều kiện Myanmar, điều đó sẽ hiệu quả, bởi vì bản thân bộ luật được viết ra chủ yếu dưới sự kiểm soát của quân đội, và các tướng lĩnh biết rõ các luật này hơn ai hết", - bà Robinson nói và giải thích rằng quân đội sẽ nhấn mạnh vào tính hợp pháp của việc lên nắm quyền, dựa vào quy định của Hiến pháp đất nước, và rất có thể, họ sẽ biện minh được điều này.
"Nhưng quân đội sẽ không thể biện minh cho hành động của mình trong ngày 1 tháng Hai là đấu tranh chống tham nhũng trong bầu cử, với 10 triệu lá phiếu được cho là giả, vì bản thân họ không có trong tay bằng chứng chắc chắn về gian lận bầu cử", - chuyên gia Robinson khẳng định.
"Mặt khác, bà Aung San Suu Kyi đã mắc một sai lầm lớn, hoàn toàn phớt lờ quân đội khi họ yêu cầu kiểm tra hoạt động của các Ủy ban bầu cử. Cũng cần phải nói rằng đó cũng là sai lầm của đảng NLD do bà bà Suu Kyi lãnh đạo, khi họ hủy bỏ bầu cử vì lý do an ninh ở một số khu vực mà NLD có mọi cơ hội để thua", bà Robinson nói và bổ sung thêm rằng tình huống này không thể biện minh cho việc quân đội nắm quyền, nhưng có thể lý giải tại sao họ đưa ra ý tưởng lên nắm quyền.
Cuối cùng, chuyên gia Gwen Robinson nói thêm rằng bà Suu Kyi chắc chắn có lý do để phớt lờ khiếu nại của quân đội chống ủy ban bầu cử và NLD liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020. Trước đây, dưới thời chính quyền quân sự, bà từng bị quản thúc tại gia trong 15 năm.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ phía bà Suu Kyi, đây có vẻ là sai lầm chiến thuật. Bà ấy có thể khởi đầu một cuộc điều tra nào đó ở cấp độ này hay cấp độ khác. Về mặt chính trị, điều đó sẽ chẳng khiến bà ấy mất mát điều gì", – nhà phân tích chính trị Robinson nói.