Chuyên gia Việt Nam cho rằng, Liên Hợp quốc và ASEAN ở thế khó xử về vấn đề Myanmar khi Mỹ và Trung Quốc “chia phe” với quan điểm hoàn toàn khác biệt. Việt Nam cũng như ASEAN phải rất thận trọng để làm sao không làm mất lòng cả Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu ám chỉ chính quyền quân sự Myanmar cầm súng bắn dân nước mình là đỉnh cao nỗi ô nhục quốc gia.
Tình hình Myanmar: Cầm súng bắn dân mình là nỗi ô nhục quốc gia
Tình hình Myanmar căng thẳng buộc thế giới khó lòng ngồi yên. Chỉ tính riêng trong ngày 3/3, các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng.
Chính biến ở Myanmar gây lo ngại về cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc phải lần thứ hai họp kín nhằm tìm giải pháp hỗ trợ giải quyết tình hình ở Myanmar.
Ngày 5/3, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan ngày 5/3, khi phát biểu trước Quốc hội đã ám chỉ chính quyền Myanmar đã dùng những lời lẽ chỉ trích hết sức gay gắt rằng cuộc đụng độ giữa người biểu tình Myanmar và phe Quân đội dẫn đến sự đổ máu là đỉnh cao sự hổ thẹn, nỗi ô nhục quốc gia.
“Đỉnh cao nỗi ô nhục quốc gia là khi lực lượng vũ trang của một nước sử dụng vũ khí và chính sức mạnh của mình để chống lại chính người dân nước mình”, Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình và khẳng định vẫn hàng ngày liên lạc với lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN để tìm kiếm giải pháp. Gần nhất, ông Vivian Balakrishnan đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về vấn đề Myanmar cũng như tăng cường vai trò của khối trong việc sớm ổn định tình hình xung đột ở Miến Điện.
Cũng như các nhà lãnh đạo ASEAN từng khẳng định, vị Ngoại trưởng nêu rõ, chìa khóa giải quyết xung đột cuối cùng nằm ở Myanmar. Sự can thiệp, hỗ trợ bên ngoài chỉ có giới hạn nhất định.
Chuyên gia Việt Nam bình luận liệu khủng hoảng ở Myanmar
Sau chính biến ngày 1/2, một loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Myanmar, kéo theo đó là tình trạng bạo lực gia tăng, khiến gần 100 người thiệt mạng. Điều này đã đặt ra một câu hỏi, rằng liệu có thể xảy ra cuộc nội chiến ở quốc gia Đông Nam Á hay không?
Myanmar hiện đang bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn khi khi những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và chính quyền quân đội diễn ra trên diện rộng, trong thời gian nhiều ngày liên tục. Chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, tức là từ 28/2 đến 4/3, đã có gần 100 người thiệt mạng.
Sau thời gian bị bắt giữ và không rõ tung tích, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bất ngờ xuất hiện trong video tại phiên tòa trực tuyến hôm 1/3. Bà bị cáo buộc vi phạm luật quản lý thảm hoạ và xuất nhập khẩu. Theo giới truyền thông, đồng minh của bà Aung San Suu Kyi dự định thành lập chính phủ lâm thời chống quân đội.
Xoay quanh vấn đề đang là chủ đề “nóng” trong khu vực và trên thế giới này, chia sẻ với VTC News, PGS. TSKH Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, đã có một số nhận định của riêng mình.
Theo PGS Khánh, tình hình chính trường Myanmar hiện nay đã manh nha bắt đầu từ quá trình chuyển đổi. Dù có trình tự nhất định, nhưng quyền lực của quân đội vẫn rất rõ nét, có thể thấy trong hiến pháp hay qua quá trình bầu cử. Việc này tác động toàn bộ đến tiến trình đổi mới chính trị của Myanmar.
Sau thắng lợi áp đảo của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) trong cuộc bầu cử 2020, bà Aung San Suu Kyi muốn cải cách, từng bước hạn chế vai trò quân đội trên chính trường. Điều này đã chạm đến lợi ích nhóm của quân đội, nhưng chủ yếu là nhóm lợi ích kinh doanh chứ không phải là nhóm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của quân đội.
Trong khi đó, khi mà mạng thông tin viễn thông ngày càng phổ biến và ý thức người dân đã khác so với trước đây, người Myanmar càng ý thức về xu thế hội nhập quốc tế và cải cách, mở cửa. Bên canh đó là những thay đổi nhận thức trong vấn đề dân chủ, nhân quyền.
“Những xung đột ở Myanmar hiện nay không chỉ là cuộc chiến giữa chính quyền quân sự và người biểu tình ủng hộ chính quyền dân sự, mà còn là sự đối kháng giữa một bên là bảo vệ lợi ích mang tính truyền thống quân đội, một bên là quá trình dân trí và ý thức người dân về dân chủ đã tăng lên”, ông Khánh chỉ rõ.
Với quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình, quân đội có thể sẽ còn mạnh tay hơn. Tuy nhiên, người biểu tình cũng không dễ dàng nhượng bộ, vẫn tiếp tục xuống đường. Tình hình tại Myanmar sẽ không xuống thang chỉ trong ngày một ngày hai.
Vì sao quân đội Myanmar đảo chính?
PGS Khánh cho biết, theo Hiến pháp năm 2010, quân đội Myanmar có 25% số ghế tại Quốc hội nước này. Với trọng trách bảo vệ quốc gia, quân đội đặt dưới quyền thống tướng - chỉ huy trưởng, chứ không thuộc quyền Tổng thống như nhiều nước. Ngoài ra, quân đội cũng nắm trong tay lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia.
Trong khi đó, chính quyền của Myanmar dưới sự lãnh đạo của NLD vẫn còn non trẻ. Bản thân người đứng đầu là bà Aung San Suu Kyi chỉ là Cố vấn Nhà nước, không trực tiếp lãnh đạo Myanmar.
“Mặc dù là một “nhà cải cách”, bà Suu Kyi chưa có kinh nghiệm về "nội trị" ở Myanmar. Chiến dịch trấn áp người Hồi giáo Rohingya diễn ra ở Myanmar đã cho thấy điều đó”, PGS.TS Khánh nói.
Thời điểm xảy ra vụ việc, bà Suu Kyi không phải là người quyết đoán trong vấn đề này, mà quân đội mới là thế lực thực hiện. Quân đội Myanmar đã lợi dụng chuyện này để hạ thấp uy tín quốc tế của chính quyền dân sự, đồng thời sử dụng điều đó để lấy lòng dân, lật đổ chính quyền của bà Suu Kyi. Bằng mọi cách, phe quân đội quyết tâm lật đổ chính quyền dân cử.
Liệu có xảy ra nguy cơ nội chiến ở Myanmar hay không?
Theo PGS Khánh, do hiện nay người dân chỉ đấu tranh ôn hòa chứ chưa có lực lượng vũ trang, nên nội chiến là điều khó có thể xảy ra.
Trong trường hợp có nội chiến thì đó là đụng độ giữa lực lượng quân đội nước này với các nhóm du kích của các tộc người thiểu số. Xung đột này vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua.
“Một khi nói đến nội chiến là nói đến cuộc đấu tranh có vũ trang. Tuy nhiên, chính quyền dân sự của Cố vấn Nhà nước Suu Kyi không nắm quân đội, cảnh sát. Một chính quyền dân sự nếu được dựng lên để đối trọng với thế lực quân đội hiện nay ở Myanmar phải có sự hậu thuẫn rất lớn từ bên ngoài, tuy nhiên, điều này nhìn chung rất khó xảy ra ở Myanmar”, PGS Khánh phân tích.
Trong khi đó, khả năng chính phủ mới ủng hộ bà Suu Kyi thành lập cũng khó có thể xảy ra vào lúc này. Bởi vì, chính quyền mới cần có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng liên quan đến Myanmar lớn như hiện nay thì điều này thật không hề dễ dàng.
Tính bất ổn của Myanmar nằm trong cơ cấu quyền lực của Myanmar. Đầu tiên, Tổng thống nước này không có thực quyền, không nắm quân đội. Thứ hai, dù là thể chế dân chủ đa đảng nhưng lực lượng quân đội lại có tỷ lệ nhất định số ghế trong Quốc hội thì lại mâu thuẫn với hệ thống.
Sau cuộc đàn áp đẫm máu hôm 28/2, tình hình Myanmar sẽ còn phức tạp hơn. Việc trấn áp người biểu tình sẽ thổi bùng ngọn lửa sắc tộc, tôn giáo. Các nhóm dân tộc, với một số có vũ trang riêng, có thể lợi dụng lúc này để kích động chống đối.
Liệu bà Aung San Suu Kyi sẽ sớm được thả?
Theo PGS Khánh, áp lực trong nước và quốc tế sẽ là yếu tố quyết định việc bà Suu Kyi có được thả ra sớm hay không. Hiện áp lực dân chủ trong nước đang rất mạnh, với hàng loạt các cuộc biểu tình của người dân Myanmar nổ ra.
Tuy nhiên, chỉ áp lực trong nước là chưa đủ. Cần có áp lực cộng đồng quốc tế lên chính quyền quân sự Myanmar. Chỉ khi áp lực trong, ngoài đủ mạnh, thì mới có khả năng chính quyền quân sự thả bà Suu Kyi, bởi bà được xem là ngọn cờ kích động làn sóng ủng hộ dân chủ, phản đối chính quyền quân sự.
Có sự giật dây của Trung Quốc hay tiếp tay từ nước ngoài cho lực lượng đảo chính?
Vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng, vụ đảo chính hôm 1/2 có sự “giật dây” của Trung Quốc từ phía sau. Tuy vậy, theo vị chuyên gia Việt Nam, hiện chưa có bằng chứng khẳng định Trung Quốc “bật đèn xanh” cho hành động này.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay quân đội Myanmar đã có quan hệ với gần gũi với Trung Quốc, khác với chính quyền dân sự không quan hệ thân thiết bằng. Các tướng lĩnh quân đội đứng đầu đảo chính đều có mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, bao gồm từ buôn bán vũ khí đến quân trang.
Đến nay, trước vấn đề nóng tại Myanmar, Bắc Kinh vẫn thể hiện quan điểm, lập trường “nước đôi”.
“Một mặt, Trung Quốc lên tiếng, gọi đảo chính quân sự ở Myanmar là “cải tổ nội các”, mặt khác để lấy lòng dân chúng Myanmar, Bắc Kinh vẫn cho rằng quốc gia này cần tiến hành đổi mới, cải tổ tốt hơn”, TS Khánh bình luận.
Theo vị chuyên gia, có thể thấy, cách dùng từ và những động thái của Trung Quốc thời gian qua đang cho thấy nước này nghiêng về việc ủng hộ hành động đảo chính của quân đội.
Tương lai của Myanmar sẽ đi đâu về đâu?
Đánh giá về vai trò của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Myanmar, theo PGS.TS Trần Khánh, về phần Mỹ, do chính quyền Biden còn khá mới, nên sẽ có sự cân nhắc, tính toán dành ưu tiên cho chính sách của mình và có cách tiếp cận tổng thể hơn. Myanmar không phải là vấn đề lớn của Washington thời điểm này.
Châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng áp lực, kêu gọi khôi phục chính quyền dân chủ, thả bà Aung San Suu Kyi và tiến hành bầu cử. Trong khi đó, Trung Quốc lại có rất nhiều lợi ích ở Myanmar. Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh ở Myanmar hiện đang gặp nhiều khó khăn, do đó, theo vị chuyên gia, Trung Quốc cũng muốn đất nước này sớm ổn định tình hình.
“ASEAN đối mặt với khó khăn, thử thách tính đoàn kết của các thành viên trong khu vực về vấn đề Myanmar. Bài toán Myanmar hiện “không dễ giải” đối với ASEAN bởi nguyên tắc của khối này là không can thiệp nội bộ của nước khác”, PGS.TS Trần Khánh nêu rõ.
Trong khi đó, sự ảnh hưởng, tác động từ các nhân tố bên ngoài cũng khiến cho nhiều nước có các quan điểm, lập trường không đồng nhất trong vấn đề này.
Theo vị chuyên gia, các nước như Singapore, Indonesia - vốn không có quyền lợi, liên kết chặt chẽ với Myanmar, thì có thể có quan điểm rõ ràng, song một số nước như Thái Lan thì sẽ mập mờ hơn và có khả năng giữ thái độ im lặng vì đây cũng là nước có sự chi phối của chính quyền quân sự.
Dự đoán về tương lai Myanmar, vị chuyên gia cho rằng, tương lai Myanmar có thể tiến triển theo kịch bản như từng xảy ra ở Thái Lan. Nghĩa là chính quyền quân sự sẽ tổ chức một bầu cử sớm, sau đó sửa đổi hiến pháp, duy trì chính quyền dân sự nhưng thực chất là dưới sự kiểm soát của quân sự.
Theo nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, bất ổn trên chính trường Myanmar sẽ không kết thúc trong “một sớm một chiều” vì vấn đề dân chủ hóa xã hội, dân chủ, nhân quyền vẫn còn đó. Và quá trình này diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc tương quan lực lượng giữa phe quân đội và phe dân sự trong thời gian tới.
“Các “nhân vật” chính trị gia nổi bật ở Myanmar, như gương mặt dân chủ Aung San Suu Kyi - một người có thể đứng đầu lãnh đạo phe đối lập với quân sự, nổi lên không nhiều. Trong khi đó, ảnh hưởng của lực lượng quân sự thì vốn ăn sâu trong người dân Myanmar”, chuyên gia nhận định.
Nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng về vấn đề Myanmar, ASEAN ở thế khó
Trước diễn biến tình hình Myanmar với việc các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an LHQ, các nước lớn như Mỹ, Trung đều có quan điểm lập trường khác nhau.
Trong khi LHQ, Mỹ và các quốc gia châu Âu lên án việc phe quân sự áp đặt và nổ súng nhằm vào người dân, khiến bạo loạn leo thang, thậm chí hàng chục người dân thường thiệt mạng thì Trung Quốc dường như lại rất “kín kẽ” và cầm chừng trong việc phản ứng trước tình hình ở Myanmar.
GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, có nhiều lý do để thế giới quan tâm cuộc đảo chính cũng như chính biến hiện nay ở Myanmar.
Theo vị chuyên gia, sau đảo chính hôm 1/2, thế giới rất quan tâm đến tình hình Myanmar. Trước hết, Myanmar là thành viên của khối ASEAN. Còn những nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) chú ý theo dõi do sự kiện này có liên quan đến yếu tố dân chủ, nhân quyền.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành thì cho biết, các nước trong Hội đồng Bảo an LHQ có lợi ích riêng trong vấn đề Myanmar nên họ sẽ cân nhắc để có cách hành xử phù hợp.
Theo vị Đại sứ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng, cam kết tạo áp lực để chính quyền quân sự phải đổi, trao trả chính quyền cho lực lượng dân sự. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã họp bàn, xem xét nghị quyết đề xuất Anh, trong đó nội dung lên án mạnh mẽ chính biến Myanmar, song bị Trung Quốc phủ quyết.
“Dù sau đó LHQ có ra được nghị quyết trong vấn đề Myanmar nhưng mang tính ôn hòa hơn nhiều, chỉ ở mức bày tỏ quan ngại”, Đại sứ Tôn Sinh Thành phân tích.
Vị chuyên gia cho rằng, Myanmar là mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Myanmar đóng vai trò mắt xích của chiến lược “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang triển khai.
“Bắc Kinh đang có rất nhiều dự án ở quốc gia Đông Nam Á này. Do đó, Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng ở Myanmar”, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ.
Theo ông Thành, việc Hội đồng Bảo an không thông qua được một nghị quyết về những vấn đề như trường hợp ở Myanmar đã diễn ra nhiều lần trước đây. Các nước có sự cạnh tranh với nhau sẽ đưa ra các phản ứng tương tự để cản trở nhau.
“Các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra những quyết định như vậy chủ yếu để bảo vệ đồng minh của họ, phủ quyết những gì có hại cho tính toán lợi ích của nước đó”, ông Tôn Sinh Thành chỉ rõ.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, ASEAN hiện cũng đang ở thế khó, phải cân nhắc, tính đến việc giữ quan hệ với các thành viên trong khối, cũng như đảm bảo nguyên tắc hoạt động chung của khối và đặc biệt là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Như đã thông tin, các quốc gia Đông Nam Á theo dõi rất sát chính biến ở Myanmar. Brunei, nước đóng vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi ‘đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường’.
Theo Đại sứ, các nước ASEAN cũng phải tính toán để giữ quan hệ với một thành viên trong ASEAN cũng như đảm bảo vai trò, nguyên tắc hoạt động không can thiệp vào công việc nước khác. Ông Tôn Sinh Thành nhấn mạnh, nếu Myanmar tổ chức bầu cử, ASEAN có thể đóng vai trò quan sát viên, giám sát cuộc bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra công bằng, dân chủ.
“Năm 2010, chính quyền quân sự Myanmar chấp nhận cho đại diện của ASEAN vào nước này với trò quan sát viên cuộc bầu cử, chuyển giao từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự”, Đại sứ Thành dẫn chứng.
Thêm nữa, truyền thống và nguyên tắc của ASEAN là “không can thiệp vào công việc nội bộ” của từng nước. Ngoài ra, trong quan hệ với nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, các nước ASEAN sẽ phải cân nhắc bởi hầu hết các nước có quan hệ hai nước này.
“Các nước phải cân nhắc trong việc đưa ra phát ngôn và hành động để làm sao không ảnh hưởng, mất lòng Washington và Bắc Kinh”, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân khẳng định.