Có nên 'rộng cửa cho người tự ứng cử vào Quốc hội' hay không?

HÀ NỘI (Sputnik) - Người tự ứng cử vào Quốc hội khóa mới có "cơ hội bình đẳng như mọi ứng viên khác" và nằm trong cơ cấu kết hợp với tỷ lệ từ 5% đến 10% tổng số đại biểu.
Sputnik

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ông Hầu A Lềnh vừa phát biểu quan điểm về dự kiến cơ cấu dành cho người tự ứng cử vào Quốc hội khóa XV. Hiện tại 63 tỉnh, thành đã thống nhất giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo ông Lềnh, ngoài số ứng viên được giới thiệu, tất cả những công dân từ 18 tuổi có quyền bầu cử và từ 21 tuổi có quyền ứng cử.

Năm 2021, khi nào thì người dân Việt Nam được đi bầu cử? Quy trình ra sao?

Qua đó, những người tự ứng cử viết đơn xin ứng cử, kèm hồ sơ, gửi đến Ủy ban bầu cử các cấp. Trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử sẽ xem xét và thống nhất với Mặt trận Tổ quốc đưa ra các hội nghị hiệp thương để thỏa thuận, thống nhất. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ứng cử thì phải qua cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý mới được nộp hồ sơ. Lý do là cán bộ, công chức, viên chức đều sinh hoạt trong một tổ chức nhất định nên khi ứng cử phải báo cáo với tổ chức.

Từ hội nghị hiệp thương lần thứ hai trở đi (dự kiến 19/03) sẽ có danh sách ứng viên gồm những người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu và những người tự ứng cử. Đồng thời, các cơ quan bầu cử sẽ tạo điều kiện cho mọi ứng viên được tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, để trình bày chương trình hành động và báo cáo hồ sơ cá nhân với cử tri. Phó chủ tịch, Tổng thư kí ủy ban trung ương cho biết:

“Tôi khẳng định người tự ứng cử cũng như người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, không có gì thiệt hơn. Theo dự kiến phân bổ, đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50 (5%-10%); ngoài ra còn cơ cấu kết hợp trẻ tuổi, trí thức... Như vậy cửa dành cho người tự ứng cử tham gia rất thoải mái”.

Hồ sơ của người tự ứng cử được thẩm định ra sao

Phát biểu về vấn đề thẩm định hồ sơ của những người tự ứng cử, ông Hầu A Lềnh cho biết:

Bầu cử Quốc hội Việt Nam: Tín nhiệm rất cao với hai ông Trần Thanh Mẫn và Hầu A Lềnh

“Trước hết người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ văn hóa, chuyên môn và đủ năng lực, sức khỏe, uy tín để thực hiện nhiệm vụ...”

Ngoài ra, hồ sơ của người tự ứng cử gồm đơn ứng cử; sơ yếu lý lịch; tiểu sử tóm tắt; bản kê khai tài sản, thu nhập... Bản kê khai này thực hiện theo mẫu, trong đó ngoài thông tin của người kê khai, còn có thông tin của vợ hoặc chồng, các con chưa thành niên.

Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, thành sẽ xem xét hồ sơ, nếu thấy hợp lệ thì chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách những người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành để đưa vào danh sách hiệp thương. Việc thẩm định hồ sơ thực hiện theo quy trình luật định, công khai và bình đẳng với tất cả các ứng cử viên. Sau hội nghị hiệp thương lần một, 5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử, tức là những địa phương đã có người đến xin hồ sơ để làm thủ tục. Đến nay TP HCM, Hà Nội... báo cáo đã có người nộp hồ sơ tự ứng cử.

Hiện mới đến giai đoạn giới thiệu theo cơ cấu nên chưa tổng hợp kết quả. Chậm nhất 17h ngày 14/3, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV phải hoàn thành việc nộp hồ sơ. Ngày 19/03, sẽ diễn ra hội nghị hiệp thương lần 2, sau khi hoàn thành phải nộp danh sách sơ bộ lên Hội đồng bầu cử quốc gia và nộp biên bản về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kèm hồ sơ. Lúc đó mới biết trong tổng số ứng viên được giới thiệu, lập danh sách sơ bộ này thì thành phần đại biểu như thế nào, có bao nhiêu người tự ứng cử. Về việc phân biệt các ứng viên có tránh "vận động" lành mạnh theo yêu cầu hay không, ông Hầu A Lềnh nêu quan điểm:

Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND

“Tôi cho rằng, quy định này nhằm cảnh báo các ứng viên rằng anh có quyền nhưng phải có trách nhiệm. Quyền lợi chính đáng của anh được Nhà nước bảo vệ, người dân ủng hộ, đồng thời anh phải có trách nhiệm với xã hội”.

Các ứng viên vận động bầu cử bằng năng lực thực tế, bằng những đóng góp cụ thể, chứ không nên tạo ra "đột biến" trước kỳ bầu cử chỉ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tạo thiện cảm, lấy lòng cử tri. Không ai nói với các ứng viên rằng tôi cấm anh không được đi tặng quà, đến thăm chỗ này chỗ nọ trong thời gian vận động tranh cử, vì đó là quyền công dân, quyền của cơ quan, đơn vị đó.

Ví dụ với các doanh nghiệp, đang lúc Covid-19, bão lũ, họ đi làm từ thiện, mình không thể nói là đang vận động không lành mạnh. Vấn đề là mục đích phải trong sáng, không nên vì được giới thiệu vào Quốc hội hay tự ứng cử, anh đột nhiên đến điểm dự kiến bầu rồi làm rất nhiều việc trong thời điểm đó, sẽ khiến người dân cảm giác không bình thường.

Thảo luận