Chưa có bằng chứng về phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến với 700 điểm cấu tạo 63 tỉnh, thành trên cả nước về kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được tổ chức vào ngày 6/3, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có những thông tin cập nhật xung quanh vấn đề tiêm vắc-xin Covid-19 sắp tới đối với người được tiêm và cán bộ y tế.
“Đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin. Tại các điểm tiêm chủng, phải luôn luôn chú ý có hội chứng sốc”, - bà Hồng lưu ý.
Theo bà Hồng, hiện AstraZeneca – loại vắc-xin Covid-19 Việt Nam đang chuẩn bị tiêm được chỉ định sử dụng cho những người trên 18 tuổi.
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm vắc-xin khi lợi ích của vắc-xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi. Đối với phụ nữ cho con bú, tiêm vắc-xin nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc-xin.
Người nhiễm HIV được tiêm vắc-xin nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
Người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng. Người đang mắc Covid-19 sẽ được tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh vì đã có miễn dịch nhất định. Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19 được tiêm sau 90 ngày.
Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền, cần tiêm vắc-xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
Quá trình tiêm chủng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 liều văc-xin Covid-19, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, nên tiêm cùng 1 loại vắc-xin. Sau mũi đầu tiên, nếu không có phản ứng quá nghiêm trọng mỗi người sẽ được tiêm liều tiếp theo. Trong trường hợp gặp phản ứng trầm trọng, sẽ tính toán tới phương án hoãn tiêm.
Ngoài ra, những đối tượng thuộc nhóm tiêm vắc-xin sẽ được khám sàng lọc về sức khoẻ. Nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở sẽ không tiêm. Người tiêm cũng phải có trách nhiệm thông báo với cán bộ y tế nếu bản thân có mắc các bệnh lý nền kèm theo hoặc có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ.
Về phản ứng thông thường, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, theo các số liệu trên thế giới, khoảng 10% trường hợp tiêm có phản ứng ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt nhẹ và sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đôi khi rét run, nóng tại vị trí tiêm; 10% trường hợp có phản ứng sưng, đỏ tại vị trí tiêm.
“Như nhiều vắc-xin khác, vắc-xin phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng sốc, phản ứng muộn sau tiêm. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một cách đầy đủ vì đây là vắc-xin mới”, - bà Hồng nói.
Hiện chưa có bằng chứng nào liên quan phản ứng nghiêm trọng được ghi nhận tại các quốc gia khác có liên quan đến vắc-xin phòng Covid-19.
Các bệnh viện tuyệt đối không đưa người thân vào danh sách tiêm vắc-xin Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vào sáng 6/3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, y bác sĩ và cán bộ tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong đợt đầu. Do đó, đề nghị các bệnh viện thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện tiêm chủng, lên danh sách cụ thể, phân công, phân nhiệm cho các thành viên.
“Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp”, - PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Khuê, 21 bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên cả nước được tiêm vắc-xin Covid-19, gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Dã chiến tại Hải Dương, Quảng Ninh, Củ Chi, Gia Lai.