Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc “Đối thoại 2045”

Theo Thủ tướng Chính phủ, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức thường niên, định kỳ hàng năm với hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các chủ đề đối thoại bao gồm: Văn hóa, kinh tế – xã hội, môi trường, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và an ninh quốc phòng.
Sputnik

Lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, trí thức, doanh nghiệp

Chiều 6/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu.

Tuyệt vời Việt Nam: Một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đội ngũ doanh nhân ngày càng có vị trí đặc biệt, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước và chúng ta cũng có niềm tin vững chắc rằng mong ước của Bác về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực”, - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển. Đặc biệt, trong những nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP của Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc “Đối thoại 2045”

Trong chặng đường đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đối thoại, lắng nghe những ý kiến của các doanh nhân, trí thức. Đồng thời, đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc đối để đội ngũ doanh nhân, trí thức làm tốt sứ mệnh của mình.

Hiện nay, Việt Nam có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

Cả nước có khoảng 7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều; trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức thường niên, định kỳ hàng năm với hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các chủ đề đối thoại bao gồm: Văn hóa, kinh tế – xã hội, môi trường, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và an ninh quốc phòng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc “Đối thoại 2045”
“Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045”, - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự cuộc gặp mặt khoảng hơn 26 tỷ USD/năm.

Đổi mới nền tảng cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn; tuy nhiên, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Ngoài ra, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Tiếp theo là vấn đề về nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện.

Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO, trong thời gian tới, nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững.

Chiến lược Make in Vietnam: Đà Nẵng muốn thành Thung lũng Silicon của Đông Nam Á

Tập đoàn THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số. “Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện”, ông Trần Bá Dương nói.

Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định. Năm 2020, Tập đoàn này đã xuất khẩu được 137.000 xe; đứng đầu trong các doanh nghiệp sản xuất  ô tô trong nước và xuất khẩu.

Tập đoàn THACO đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 10% đến 20%; năm 2021, xuất khẩu đạt 23.000 tỷ đồng; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp.

Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sữa sang Trung Quốc
Chủ tịch TH True Milk: “Chính phủ cần tạo ra thể chế minh bạch, sáng suốt”

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho biết việc tổ chức “Đối thoại 2045” là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước.

Theo bà Hương, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. “Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe. Do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người”, bà Hương nhấn mạnh.

Chủ tịch TH True Milk cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Thái Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Thảo luận